• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hãi hùng trẻ bị chó cưng cắn

Những chú chó hàng ngày trẻ vẫn âu yếm, chơi đùa cùng bỗng quay ra cắn trẻ bị thương nghiêm...

Hãi hùng trẻ bị chó nhà cắn

Mới đây, bé gái 7 tuổi ở TP.HCM bị chó cắn phải khâu hơn 20 mũi trên mặt lại nối dài danh sách các trường hợp bị chó tấn công, từ người lớn đến trẻ em gây thương tích nặng trong năm 2019.

Bé gái bị tổn thương mắt trái, bị toạc mi và mi dưới rách sâu do chó nhà cắn.
Bé gái bị tổn thương mắt trái, bị toạc mi và mi dưới rách sâu do chó nhà cắn.

Tháng 4/2019, bé trai 7 tuổi vừa đi vệ sinh tại nhà ở xã Khôi Kỳ (Đại Từ, Thái Nguyên) thì bị con chó của gia đình lao vào tấn công. Em được đưa đi cấp cứu ngay sau đó trong tình trạng bị thương ở cổ, đầu, ngực... chảy nhiều máu. Chiều cùng ngày, nạn nhân tử vong do vết thương quá nặng.

Theo thông tin từ lãnh đạo UBND xã Khôi Kỳ cho biết, con chó được gia đình nạn nhân bắt về nuôi được vài ngày. Bước đầu xác định chó không bị dại, nạn nhân tử vong do vết thương nặng, mất nhiều máu. Khi nạn nhân bị chó tấn công, gia đình không ai ở nhà. 

Đầu tháng 6 năm nay, bé trai Tòng Huy V. (sinh năm 2014, ở bản Tò Lọ, Chiềng Đen, Sơn La), được bố mẹ đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La cấp cứu sau khi bị chó cắn.

Gia đình cho biết khoảng 9h cùng ngày, khi đi từ trên nhà xuống bếp, bé V. vô tình dẫm trúng con chó. Ngay lập tức, con vật quay lại cắn bé. Con chó này nặng trên 10kg và chưa được tiêm phòng. Khi đến viện, các bác sĩ phát hiện bé V. bị chó cắn vào vùng má trái, đỉnh đầu, chân, tay. 

Tháng 7/2019, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã tiếp nhận cháu bé gần 20 tháng tuổi ở Đại Từ, Thái Nguyên do bị chó nhà tấn công. Các bác sĩ cho biết, khi tiếp nhận bệnh nhi trong tình trạng đa chấn thương ở vùng cổ chân, vùng mặt, gãy xương chính mũi, mất nhiều máu.

Nhiều trường hợp trẻ bị chó nhà cắn do gia đình chủ quan.
Nhiều trường hợp trẻ bị chó nhà cắn do gia đình chủ quan.

Theo lời kể của người nhà bệnh nhi, cháu bé đang chơi một mình trong bếp thì bất ngờ bị chó nhà tấn công, khi nghe tiếng khóc của bé, gia đình chạy xuống xem thì bé đã bị chó cắn xé rách vùng đầu mặt. Sau khi phát hiện, gia đình đã đưa bé đến Bệnh viện địa phương cấp cứu nhưng vì mất nhiều máu nên bé nhanh chóng được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.

Cũng trong tháng 7/2019, một vụ việc thương tâm khác, là bé trai 10 tuổi (xã Hoà Phong, huyện Krông Bông, Đắk Lắk) đã tử vong vì bị chó dại cắn. Được biết, bé Ai Thơi bị chó nhà hàng xóm cắn vào chân nhưng vì vết thương nhỏ, ít đau nên gia đình không theo dõi và cũng không đưa bé đi tiêm vaccine phòng bệnh dại. Khi bé xuất hiện các triệu chứng sốt, mệt mỏi, không ăn uống, sợ gió, gia đình mới đưa bé đến BV Đa khoa huyện Krông Bông khám sau đó chuyển lên BV Đa khoa vùng Tây Nguyên để điều trị nhưng đã muộn. Các bác sĩ chẩn đoán bé bị bệnh dại lên cơn. 

Nguy hiểm rình rập từ chính vật nuôi trong nhà

Điểm chung của các vụ việc đau lòng trên là hầu hết trẻ đều bị chó nhà cắn. Hầu hết, trẻ bị chó tấn công đều trong độ tuổi từ 2 đến 6 tuổi, chưa có kỹ năng tự phòng vệ. Đáng buồn hơn là trường hợp trẻ tử vong chỉ vì gia đình chủ quan, không chú ý đưa bé tiêm phòng dại sau khi bị chó cắn.

Những gia đình có con nhỏ nên hạn chế nuôi chó, nếu nuôi phải tiêm phòng.
Những gia đình có con nhỏ nên hạn chế nuôi chó, nếu nuôi phải tiêm phòng.

Biểu hiện của bệnh dại trên cơ thể người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như là 100% . Dấu hiệu nhận biết chó dại là chó sẽ có những thay đổi trong hành vi thông thường như cắm đầu chạy không có nguyên nhân, chui rúc vào chỗ tối, hoảng sợ, né tránh, cắn khi không bị trêu chọc, tiết nhiều nước bọt hoặc sùi bọt mép. Vì đói nên chó có thể nhai mọi thứ, nhiều con bị liệt hai chân nên đi vòng tròn…

BS Nguyễn Trung Cấp - Khoa Cấp cứu, BV Nhiệt đới Trung ương - cho biết: Bệnh dại lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của con vật dại trên vùng da bị tổn thương. Bệnh dại trên cơ thể người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vaccine hay huyết thanh kháng dại. Tiêm huyết thanh là đưa vào một lượng kháng thể sẵn có vào cơ thể để trung hoà với virus dại, còn vaccine là nhằm củng cố miễn dịch lâu dài về sau.

Trường hợp biết chính xác con chó bị dại, ốm hoặc cắn xong một ngày thì chết cần phải đến ngay các cơ sở y tế để tiêm huyết thanh, sau đó tiêm vaccine phòng bệnh dại. Nếu vết cắn nhẹ, xảy ra ở chân, xa thần kinh trung ương và tại thời điểm cắn người con vật vẫn bình thường thì cần theo dõi chó trong vòng 10 đến 15 ngày. Trong thời gian theo dõi, nếu phát hiện chó có dấu hiệu bỏ ăn, chết, mất tích… cần phải tiêm vaccine phòng dại ngay.

Bệnh dại lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của con vật dại trên vùng da bị tổn thương.
Bệnh dại lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của con vật dại trên vùng da bị tổn thương.

Tuy nhiên, nếu đến cơ sở y tế muộn sau khi bị chó cắn thì việc tiêm huyết thanh kháng dại sẽ không còn tác dụng. Các BS khuyến cáo, tốt hơn hết nên tiêm vaccine ngay sau khi bị chó cắn. Cùng với đó, phải tiêm phòng đủ liều theo quy định, đúng liều lượng, kỹ thuật và tiêm đúng khoảng cách giữa các mũi tiêm theo hướng dẫn.

Những gia đình có con nhỏ nên hạn chế nuôi chó, nếu nuôi phải tiêm phòng, hạn chế cho trẻ tiếp xúc gần với chó, không thả chó nếu không đeo rọ mõm. Ngoài ra, gia đình có nuôi chó thì cần cách ly với trẻ ở khoảng cách an toàn, cần giáo dục cho trẻ cách phòng tránh, cách xử lý ban đầu khi bị chó, mèo cắn.

Khi bị chó, mèo cắn cần rửa kỹ vết thương bằng xà phòng trong vòng 15 phút, nếu không có xà phòng thì rửa bằng nước sạch; sau đó rửa bằng cồn 70% hoặc cồn Iod, Povidone, Iodine. Hạn chế làm dập vết thương, không được băng kín vết thương và đến ngay các trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới không bị bệnh dại.

Đặc biệt, người dân tuyệt đối không được dùng thuốc nam, nhờ thầy lang hoặc tự chữa khi bị chó cắn.

AN LY (t/h)

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật