Thời gian gần đây mạng xã hội xôn xao về thông tin một cặp vợ chồng ở Cao Lãnh, Đồng Tháp nhặt được túi tài sản hơn 1 tỉ đồng đã trả lại cho chủ nhân. Đó là ông Nguyễn Văn Long (54 tuổi) và Đoàn Thị Tám Em (57 tuổi, ngụ khóm 4, P.1, TP.Cao Lãnh).
Trước đó, giữa tháng 1/2021, ông Nguyễn Văn Long mang chài lưới xuống bến sông Đình Trung trước nhà. Trên đường đi ông nhìn thấy chiếc túi xách từ xe máy của người phụ nữ chạy qua rớt xuống đường. Ông cố gắng la rất lớn và nhặt chiếc túi xách chạy theo người đánh rơi tài sản nhưng không kịp.
Chia sẻ với Thanh Niên, ông Long nhớ lại: “Lúc đó, tôi kêu rất lớn nhưng người làm rớt túi xách vẫn không nghe. Ban đầu tôi tính treo cái túi lại trên cây ven đường, nhưng sợ người khác lấy mất nên mang về treo trước nhà và ngồi chờ chủ nhân chiếc túi quay lại tìm sẽ trao trả. Còn nếu không có người quay lại tìm, tôi sẽ mang đến công an phường nhờ trả lại. Tôi ngồi chờ cả tiếng sau thì thấy có một chú chạy xe máy qua lại giống tìm tài sản đánh rơi nên ngoắc lại hỏi. Chú đó bảo tìm chiếc túi xách của người chị đánh rơi, nhưng mô tả không đúng màu sắc và hình dạng chiếc túi nên tôi không trả. Đến khi chú này gọi điện thoại cho người chị, mô tả đúng chiếc túi thì vợ chồng tôi mới trao lại”.
Vợ chồng ông Long. |
Bà Đoàn Thị Tám Em ủng hộ cách giải quyết của chồng và cho biết vì đó là tài sản của người khác nên vợ chồng bà không mở túi ra xem.
“Vợ chồng tôi cũng không biết người mất tài sản là ai, ở đâu. Đến lúc phường lên nói tặng giấy khen cho vợ chồng tôi về gương người tốt thì mới hay là túi xách trên có tài sản rất lớn”, bà Em nói.
Bà cũng chia sẻ rằng, số tài sản trong chiếc túi nhặt được vợ chồng bà mơ cả đời cũng khó có được, nhưng dù có lớn cách mấy thì đó là tài sản của người khác nên mình bằng mọi giá trả lại người đánh rơi.
“Vài người biết vợ chồng tôi trả lại túi xách có nhiều tiền, vàng thì nói sao ngu khờ vậy. Tôi nói thẳng, nhà tôi nghèo nhưng không tham lam. Số tiền đó rất lớn, nếu mình lấy của người khác sử dụng trong khi họ đau khổ thì vui sao được. Mình làm phước sẽ được phước”, bà Tám Em nói.
Được biết vợ chồng ông Long khó khăn, hai vợ chồng nhặt ve chai và trông quán cà phê buổi tối hộ cả tháng chỉ thu nhập chưa đầy 3 triệu đồng/tháng. Đặc biệt hai người còn đang cưu mang thêm đứa cháu ngoại từ nhỏ.
Ông Nguyễn Văn Long tâm sự: “Tôi có 3 đứa con, có 2 đứa đang làm công nhân trên Sài Gòn. Trước đây, cứ vài tháng thì gửi ít tiền nhưng cả năm nay dịch Covid-19 nên không gửi đều như trước. Tôi và vợ thấy vậy là đủ, miễn mấy đứa con lo cho cuộc sống nó là được. Vợ chồng già miễn khỏe mạnh là hạnh phúc”.
Ông Long mồ côi cha mẹ từ nhỏ, phải đi chăn trâu, làm thuê, làm mướn tự nuôi sống bản thân. Năm ông 22 tuổi, nhờ được mai mối, ông nên nghĩa vợ chồng với bà Em, khi đó 25 tuổi. Bà Em lúc nhỏ bị sốt co giật, dẫn đến một bên miệng bị méo xệ, phát âm không rõ. Vợ chồng ông đến với nhau tuy nghèo nhưng vui vẻ, đầm ấm và luôn yêu thương, nhường nhịn lẫn nhau.