Liên tiếp nhiều người trẻ ngộ độc, liệt người vì bóng cười
Sau thời gian 3-4 năm sử dụng bóng cười thường xuyên, ngày 24/9 vừa qua, một thanh niên tên T., 25 tuổi ở Hải Phòng đã bị ngộ độc khí cười. Đáng nói, có những ngày T. hít hít tới 5-10 bình khí N2O, tương đương với 100 - 200 quả bóng cười. Chỉ đến khi thấy người có dấu hiệu tê bì nhiều hơn, T. đã gọi người đến truyền dịch tại nhà gần 10 ngày nhưng tình trạng này vẫn không đỡ. Sau đó thấy cơ thể bệnh nhân yếu dần, đi không vững, gia đình đã đưa nam thanh niên đến bệnh viện.
Người trẻ công khai sử dụng bóng cười ở phố Tây Bùi Viện - Ảnh: Viết Thanh |
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho hay, T. nhập viện trong tình trạng yếu các cơ, tê bì gần như toàn thân, đi lại khó khăn, đặc biệt kết quả chụp chiếu cho thấy, bệnh nhân bị tổn thương vùng tủy cổ. Đây là vùng dẫn truyền thần kinh từ não đến toàn bộ cơ thể nên khi tổn thương sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe.
Trước đó vào ngày 21/9 ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, H. - nữ sinh 19 tuổi cũng nhập viện vì ngộ độc khí cười N2O vì hít bóng cười liên tục suốt 4 tháng với số lượng 5 bình/ngày, tương đương với hít 20 quả bóng cười/ngày.
TP.HCM cũng ghi nhận nhiều trường hợp người trẻ nhập viện vì thú chơi này, gần đây nhất là một nữ bệnh nhân 26 tuổi, thường xuyên sử dụng bóng cười, 1 tuần 2 - 3 lần trong 5 năm nay, mỗi lần sử dụng 5 - 7 quả.
Thanh niên ở Hải Phòng liệt cơ vì hút 5-10 bình khí cười/ ngày. Ảnh: BVCC |
Vào tháng 8, Bộ Y tế cho biết theo báo cáo của một số địa phương đã xảy ra tình trạng mua bán, sử dụng bóng cười có chứa khí Nitơ Oxit (N2O) tại các quán bar, vũ trường, quán karaoke, khu vui chơi giải trí… ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng, gây ra những tác động tiêu cực đến đời sống. Để đảm bảo sức khỏe, đảm bảo an ninh, an toàn, Bộ Y tế đề nghị các địa phương giám sát, quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng N2O đúng theo quy định của pháp luật.
Xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, sử dụng sai mục đích đối với khí N2O. Tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông đến người dân, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên về tác hại và hậu quả của việc lạm dụng sử dụng, sử dụng sai mục đích khí N2O.
Theo ghi nhận của chúng tôi vào những tối cuối tuần ở phố Tây Bùi Viện, tình trạng mua bán bóng cười vẫn được diễn ra công khai. Lực lượng chức năng liên tục ra quân xử phạt và đề nghị người dân nếu phát hiện các hành vi liên quan đến kinh doanh, sử dụng khí cười (N2O), shisha hoặc các chất gây nghiện khác cần báo ngay cho Công an gần nhất hoặc Trực ban hình sự Công an quận 1 để xử lý theo quy định.
Tình trạng mua bán, sử dụng bóng cười diễn ra công khai ở Bùi Viện - Ảnh: Viết Thanh |
Những câu chuyện nghệ sĩ "nghiện" bóng cười gây "sốc" giới showbiz
Không chỉ người trẻ, bóng cười đang ngày một len lỏi nhiều hơn trong đời sống của các nghệ sĩ Vbiz, thậm chí trở thành một hiện tượng nhức nhối bởi các nghệ sĩ vẫn còn xem nhẹ hành vi sử dụng bóng cười, nên vô tư rủ rê nhau từ "hít vài ba quả cho vui" để có "mood" sáng tác, làm nghệ thuật cho đến khi không thể kiểm soát được tần suất dính với khí cười độc hại này, khiến không ít người đột nhiên "mất tích" trước công chúng.
Theo nguồn tin của chúng tôi, một nữ ca sĩ Gen Z từng nổi đình đám một thời bỗng im hơi lặng tiếng suốt thời gian qua vì bị gia đình "nhốt" trong nhà để "cai nghiện bóng cười".
Theo chia sẻ của người trong giới, nhiều nghệ sĩ hiện nay nhận diễn show tại bar, hộp đêm là tụ điểm nơi bóng cười được bày bán tràn lan và dễ dàng tiếp cận. "Ban đầu, có nghệ sĩ thấy khán giả chơi bóng thì gọi thử vì tò mò. Có người được đối tác, fan mời sử dụng để làm thân. Ai cũng nghĩ 'chơi chút thôi không ảnh hưởng gì đâu'. Nhưng rồi đa phần thành thói quen. Bóng cười mua dễ nên nhiều người bắt đầu dùng thường xuyên. Để đảm bảo an toàn về hình ảnh, những người này thường tụ tập tại nhà riêng hoặc đặt phòng riêng tại quán để tổ chức những cuộc chơi", nguồn tin này tiết lộ với chúng tôi về một góc khuất trong giới Vbiz.
Một số trường hợp khác dù không đến mức gọi là "nghiện" nhưng việc lạm dụng bóng cười đã khiến một số nghệ sĩ luôn trong cảm giác "lâng lâng", thiếu tỉnh táo, số khác thì lờ đờ, ngơ ngơ, đi đứng loạng choạng. Đáng nói, một bộ phận ca sĩ, rapper trẻ lại xem chuyện này là "bình thường, mơ mơ ảo ảo vài ngày rồi lại tỉnh, chả ai biết"?!
Hút bóng cười để giải trí không chỉ ảnh hưởng sức khỏe mà còn có thể gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của người nghệ sĩ. Trong quá khứ, không ít trường hợp sự nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì sử dụng chất kích thích này.
Hồi đầu tháng, một hoa hậu dính ồn ào ngay sau khi đăng quang vì đoạn clip trong quá khứ ghi lại cảnh cô đang đi hút bóng cười với nhóm bạn. Những hình ảnh này gây nên làn sóng phản đối gay gắt từ công chúng. Nhiều người thậm chí yêu cầu tước vương miện của người đẹp. Tổ chức Hoa hậu quốc tế cũng phải lên tiếng, yêu cầu đơn vị giữ bản quyền tại Việt Nam điều tra cặn kẽ.
Cách đây không lâu, một nam ca sĩ Vbiz cũng gây xôn xao khi bị phát hiện là dân nghiện bóng cười. Anh này thường xuyên tổ chức những bữa tiệc với những người bạn mà anh này cho là thuộc "giới thượng lưu, đẳng cấp". Sau những buổi ăn uống, họ thường có thêm "tăng 2" tại một quán bar sang trọng hoặc đôi khi là ngay tại căn hộ cao cấp để tiếp tục cuộc chơi. Một vài người trong nhóm còn vô tư livestream cảnh hút bóng trên mạng xã hội để khoe thành tích. Gia đình ca sĩ sau khi phát hiện đã phải đứng ra can thiệp và đưa anh ra nước ngoài để điều trị, tách khỏi nhóm bạn ăn chơi.
Trước đó, một nữ rapper Gen Z vướng ồn ào "bùng tiền" sau khi hút 50 quả bóng cười tại quán bar nhưng không chịu chia bill. Sau khi hai bên tranh cãi, gia đình của cô gái trẻ phải đứng ra dàn xếp, thậm chí nói sẽ nhờ pháp luật can thiệp về hành vi dụ dỗ người vị thành niên sử dụng chất kích thích. Scandal này nay đã trở thành vết nhơ khó gột rửa, ảnh hưởng trầm trọng tới sự nghiệp của một nghệ sĩ trẻ mới bước vào nghề.
Nhiều nghệ sĩ, đặc biệt là những người hoạt động underground, hiện vẫn thiếu ý thức trọng việc giữ gìn hình ảnh cá nhân. Như các trường hợp đã nêu ở trên, nhiều nghệ sĩ phải tạm dừng công việc để dành thời gian cai nghiện, phục hồi sức khỏe sau những tháng ngày ăn chơi trác táng. Người phải xuất ngoại để tránh xa những hội nhóm bạn thân hút bóng không kể ngày đêm.
Nghệ sĩ cần có trách nhiệm với sự nổi tiếng của mình
Lối sống lệch lạc của nhiều nghệ sĩ đang là đề tài thu hút sự chú ý của công chúng gần đây, đặc biệt sau khi các cơ quan chức năng cho biết sẽ lập danh sách những người nổi tiếng vi phạm chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử.
Về vấn đề này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội – cho rằng sự nổi tiếng vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm. Bên cạnh những hào quang, nghệ sĩ phải chấp nhận cả áp lực của công việc ấy. Vì thế, nếu nghệ sĩ là những tấm gương tốt, họ sẽ được xã hội tôn vinh bằng những danh hiệu và cả những lợi ích vật chất khác.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn |
"Nghệ sĩ, người nổi tiếng nhất thiết phải giữ gìn hình ảnh của mình. Điều này không chỉ vì chính họ mà còn vì lợi ích chung của xã hội. Đối với họ, hình ảnh gắn liền với thương hiệu cá nhân và những lợi ích kèm theo. Sự hoen ố về hình ảnh khiến họ mất đi công chúng, sự quan tâm của các nhà tài trợ và cả sự nghiệp. Đối với xã hội, chúng ta luôn trông chờ người nghệ sĩ, nổi tiếng trở thành những tấm gương tốt, mong muốn họ thể hiện trách nhiệm đạo đức đối với xã hội từ đó lan tỏa những thông điệp tích cực về cái thiện, cái đẹp, tình yêu thương của nghệ thuật, của cuộc sống đối với tất cả mọi người", ông Bùi Hoài Sơn cho biết.
Vụ việc lệch chuẩn của nghệ sĩ, người nổi tiếng gần đây khá nhiều nên theo ông Sơn, cần thiết phải nghĩ đến những chế tài mang tính mạnh mẽ hơn để tạo ra những bài học làm gương, điều này sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực đối với các nghệ sĩ khác cũng như cả xã hội.
"Tôi tin rằng, khi mỗi nghệ sĩ làm tròn trách nhiệm đạo đức và nghề nghiệp của mình, nghệ sĩ thực sự là những người đáng trân trọng! Đó là điều cả xã hội mong chờ ở nghệ sĩ".
Ở góc độ ảnh hưởng về mặt sức khỏe và tinh thần khi lạm dụng bóng cười, bác sĩ Ngô Minh Quân (Bác sĩ Khoa Ngoại Thần Kinh - Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, TP.HCM) cho biết hầu hết những người dùng, dù là giới trẻ hay nghệ sĩ chưa biết "sợ" do không rõ về độc tính và khả năng gây tổn thương thần kinh của loại khí này.
Bác sĩ Ngô Minh Quân |
Theo bác sĩ Minh Quân, trong y khoa, N2O đã được sử dụng với mục đích giảm đau và gây mê hơn 150 năm qua. Tuy nhiên gần đây, tính an toàn của N2O bị nghi ngờ khi ngày càng có nhiều bằng chứng ủng hộ giả thuyết rằng nó có một số tác dụng gây độc thần kinh và không nên được xem là vô hại. Các nghiên cứu chỉ ra rằng N2O là chất đối kháng N-methyl-d-aspartate (NMDA) đồng thời gây tăng nồng độ homocysteine, điều này có thể liên quan đến các vấn đề tim mạch và hiện tượng chết tế bào thần kinh. Đặc biệt là ở các tế bào thần kinh dễ tổn thương như trẻ em, người lớn tuổi và người thiếu vitamin B12.
"Ngoài độc tính thần kinh, khi hít một lượng lớn N2O, nó có thể gây tụt huyết áp, ngất, đau ngực. Tình trạng này hoàn toàn có thể tử vong nếu não không được cung cấp đủ oxy. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy các hậu quả lâu dài như suy giảm trí nhớ, dị tật bẩm sinh (nếu sử dụng trong thai kỳ), suy yếu hệ thống miễn dịch, gây nghiện, rối loạn tâm thần", bác sĩ cảnh báo.
Người sử dụng bóng cười có vi phạm pháp luật không?
Theo Điều 6 của Luật Đầu tư 2014, các ngành, nghề bị cấm đầu tư kinh doanh hiện nay gồm có: Kinh doanh các chất ma túy; Kinh doanh mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã; Kinh doanh mại dâm; Kinh doanh pháo nổ… và không cấm kinh doanh mặt hàng chứa hóa chất N2O.
Có thể thấy, sản xuất, kinh doanh bóng cười không nằm trong Danh mục hàng hóa bị cấm tại Việt Nam.
Tuy nhiên bóng cười thuộc danh mục hóa chất hạn chế kinh doanh, sản xuất và chỉ được sử dụng trong mục đích công nghiệp. Do đó để kinh doanh và sản xuất mặt hàng này cần đáp ứng điều kiện nhất định.
Như vậy, sản xuất, kinh doanh… chất N2O để sử dụng trong công nghiệp, phát triển kinh tế, xã hội… vẫn được thực hiện nhưng phải đảm bảo đúng những quy định chặt chẽ của pháp luật.
Nhưng trên thực tế hầu hết các cơ sở kinh doanh hiện nay chưa đáp ứng điều kiện. Do đó nếu bị phát hiện các cơ sở này sẽ bị phạt.
Hiện nay, khí N2O không nằm trong mục các chất ma túy được ban hành theo Nghị định 73/2018/NĐ-CP (được sửa đổi tại Nghị định 60/2020/NĐ-CP).
Vì thế người sử dụng bóng cười sẽ không bị coi là vi phạm pháp luật vì không nằm trong danh mục cấm.
Tuy nhiên, Vì khí N2O bị hạn chế sản xuất kinh doanh và chỉ được dùng trong các lĩnh vực công nghiệp và y tế nên nếu kinh doanh, sản xuất khí N2O không đúng quy định này sẽ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật.
Trước những nguy hiểm do bóng cười đem lại Ủy ban nhân dân thành phốHà Nội có Công văn số 5051/UBND-KGVX gửi Bộ Y tế đề cập đến tác hại của bóng cười từ đó đề nghị chính thức cấm sử dụng hình thức này trong giải trí. Bộ Y tế đã có văn bản phúc đáp và đồng ý với chủ trương của Thành phố Hà Nội. Do đó kể từ 29/5/2019 việc sử dụng khí N2O với mục đích vui chơi giải trí tại Hà Nội là không được phép.