Dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ có 1 đường cất, hạ cánh có chiều dài đạt tiêu chuẩn quốc tế mới nhất là 4.000m, chiều rộng 75m và hệ thống đường lăn, sân đỗ đảm bảo cho các loại tàu bay hoạt động; 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm với tổng diện tích sàn 373.000m2; 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Tổng mức đầu tư dự án đầu tư xây dựng Sân bay Long Thành giai đoạn 1 là 109.111,7 tỷ đồng (tương đương 4.664,89 triệu USD). Thời gian thực hiện dự án là từ năm 2020 và hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025.
Đồ họa thể hiện quy mô, công suất dự kiến của dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1. Ảnh đồ họa của báo Đồng Nai |
Sân bay Long Thành khi hoàn thành sẽ đóng vai trò cảng trung chuyển hàng không trong nước và quốc tế. Tại đây sẽ là khu trung tâm dịch vụ hàng không trên quốc tế với nhiều dịch vụ như cung ứng xăng dầu, bảo trì, nâng cấp, sửa chữa máy bay... cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế. Theo nghiên cứu của Hãng tư vấn Hansen Partnership (Australia) thì sân bay Long Thành sẽ đóng góp được 3 - 5% GDP cả nước.
Cơ cấu phục vụ hành khách của Sân bay Long Thành dự kiến gồm 80% là khách quốc tế (bao gồm cả khách quá cảnh) và 20% khách quốc nội. Còn sân bay Tân Sơn Nhất sẽ chủ yếu phục vụ các chuyến bay quốc nội.
Sân bay Long Thành nằm cạnh đường cao tốc TP HCM - Long Thành – Dầu Giây và QL 51 theo quy hoạch sẽ có hệ thống giao thông kết nối gồm tuyến số 1 kết nối với quốc lộ 51, quy mô 6 làn xe; tuyến số 2 nối sân bay với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành quy mô 4 làn xe.