Vàng cưới được coi là của hồi môn của những cô dâu vừa mới kết hôn. Trong thực tế, có rất nhiều trường hợp mẹ chồng giữ vàng cưới của con dâu, sau đó cố tình không trả.
Bạn Đinh Hoàng S. (Nam Định) gửi câu hỏi: “Sau khi cưới xong, tôi có một cây vàng do bố mẹ, họ hàng hai bên trao tặng. Chồng và mẹ chồng ngỏ ý muốn tôi đưa tất cả số vàng ấy cho mẹ chồng giữ hộ. Tôi dù không muốn vẫn đưa cho mẹ chồng giữ để vui lòng hai người. Nhưng trường hợp nếu mẹ chồng tôi không trả lại có phạm luật không?
Luật sư tư vấn như sau:
Theo quy định tại Điều 554 Bộ luật Dân sự 2015
“Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công”.
Điều 557 của Bộ luật này cũng quy định: “Bên giữ tài sản phải có nghĩa vụ bảo quản tài sản theo đúng thỏa thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ”.
Căn cứ vào quy định trên có thể thấy, việc bạn đưa vàng cưới cho mẹ chồng giữ có tính chất của Hợp đồng gửi giữ tài sản, dù chỉ thỏa thuận bằng lời nói và đây là trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.
Do là hợp đồng gửi giữ tài sản, nên mẹ chồng bạn có nghĩa vụ phải trả lại toàn bộ số vàng cưới cho bạn khi bạn có nhu cầu lấy lại.
Trong trường hợp mẹ chồng bạn cố tình không trả, bạn có thể:
- Trước tiên, thỏa thuận với mẹ chồng.
Thỏa thuận luôn là phương án đầu tiên và tối ưu nhất để giải quyết mọi tranh chấp. Đặc biệt là tranh chấp giữa những người thân trong gia đình.
- Nếu đã thỏa thuận mà mẹ chồng vẫn cố tình không trả, thì phương án cuối cùng là bạn làm Đơn khởi kiện và nộp tại Tòa án nhân cấp huyện để đòi lại tài sản.
(Nguồn: LuatVietNam)