Gần đây, một cô gái tại Hà Nội mặc áo hở lưng ra đường đã bị người lạ quay lén và đăng lên TikTok với dòng chú thích: “Không hiểu sao nhiều ông lại để người yêu mặc thế này ra đường được?”.
Đoạn clip sau đó nhanh chóng lan truyền trên nhiều nền tảng mạng xã hội. Cô gái vô tình trở thành tâm điểm của sự chú ý, nhận về nhiều lời lẽ tiêu cực, ác ý.
Đáng ngạc nhiên, rất nhiều bình luận trong số đó đến từ nữ giới với những quan điểm như “Mình là con gái mà còn thấy phản cảm”, hay “trang phục không hợp phụ nữ, thuần phong mỹ tục”.
Những bình luận như vậy cho thấy tâm lý tự định kiến (internalized misogyny) của một số phụ nữ. Thay vì đồng cảm, bảo vệ quyền lợi của phái nữ, những cá nhân này quay sang chỉ trích, hạ thấp những cô gái khác, từ đó tiếp tay duy trì định kiến giới trong xã hội.
Sự nội tại hóa thù ghét phụ nữ sẽ tiếp tay duy trì định kiến giới trong xã hội. Ảnh: Feminism in India. |
Tiếp thu định kiến
Trên không gian mạng và các phương tiện truyền thông, phụ nữ thường xuyên bị kiểm soát về cơ thể và cách hành xử. Nếu ăn mặc hoặc thể hiện bản thân không giống kỳ vọng của đám đông, họ sẽ bị soi mói, ném đá.
Lê Thụy, nữ TikToker với hơn 3 triệu lượt theo dõi, gần đây bị chỉ trích vì để lộ lông nách tại sự kiện mà cô tham dự. Nhiều bình luận, ngay cả từ nữ giới, phản đối hành động này, cho rằng con gái như vậy là "dơ", "vô duyên", "kém văn minh".
Khi gặp phản ứng trái chiều, Lê Thụy đã khẳng định quyền tự quyết của mình với cơ thể. Cô cho rằng dù là giới tính nào, mỗi người nên được thể hiện bản thân theo cách mình muốn.
Tương tự nữ TikToker, cô gái bị quay lén cũng đã lên tiếng về quyền tự do ăn mặc của mình. Đồng thời, cô liên lạc với người quay, yêu cầu anh gỡ clip và xin lỗi công khai.
Dù vậy, cô vẫn gặp những lời chỉ trích, đổ lỗi. Nhiều phụ nữ cũng đứng về phía kẻ quay lén, cho rằng đó là hậu quả cô phải gánh chịu do ăn mặc hở hang ra đường.
Một số trường hợp trên cho thấy có những phụ nữ đã tiếp thu, chấp nhận định kiến giới. Theo She The People, tâm lý này nảy sinh do nữ giới chịu nhiều bất công xuyên suốt lịch sử.
Thời gian qua, trên mạng xã hội nổi lên thuật ngữ “pick-me girl”, dùng để chỉ những cô gái tỏ ra khác biệt nhằm thu hút sự chú ý của nam giới. Dù là nữ, họ có xu hướng ủng hộ những tư tưởng phân biệt giới tính. Có thể nói, “pick-me girl” là một hiện thân của sự tự định kiến.
Nữ TikToker Lê Thụy cũng từng bị chỉ trích khi thể hiện bản thân khác kỳ vọng của đám đông về nữ giới. Ảnh: NVCC. |
Trả lời Zing, thạc sĩ Phạm Mai Vân, cố vấn của Tổ chức Thúc đẩy Bình đẳng giới Việt Nam (VOGE), cho biết có 2 nhân tố chủ yếu gây ra lối suy nghĩ này: cấu trúc xã hội và văn hóa, truyền thông. Là đất nước giữ nhiều quan điểm hạn chế sự tự trị của phái nữ, không khó hiểu khi người nữ tại Việt Nam vẫn bị kìm kẹp bởi nhiều tiêu chuẩn xã hội hà khắc.
Theo thạc sĩ, sự tự trị của phụ nữ bao gồm quyền tự quyết định đi đâu, làm gì, cũng như được thấu hiểu chính mình, cất lên tiếng nói và tự do lựa chọn cách trình diện bản thân tại các không gian, bối cảnh khác nhau.
“Trong xã hội mà nam giới nắm nhiều quyền lực, những niềm tin và thực hành có tính chất hạ thấp, bác bỏ sự tự trị của phụ nữ thường phổ biến. Chúng được lý giải, ngụy biện bằng nhiều cách, tuỳ vào bối cảnh văn hoá, xã hội. Khi đó, bất kỳ người nữ nào thách thức các niềm tin và thực hành đó đều có thể nhận lại sự thù ghét, cô lập, thậm chí vùi dập”, chị Vân giải thích.
Hệ quả và giải pháp
Theo Psychology Today, tâm lý tự định kiến khiến nhiều phụ nữ không nhận ra tác hại từ hành vi, lời nói của mình. Họ có thể đã lớn lên cùng tư tưởng phân biệt giới tính len lỏi vào gia đình, trường học, mối quan hệ xã hội, hay trên phương tiện truyền thông.
Thạc sĩ Vân lấy ví dụ về thời châu Âu trung cổ, khi nữ giới không được sở hữu tài sản và khả năng tư duy của họ bị phủ nhận. Một số phụ nữ tin vào điều đó bởi không cảm thấy bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc thiếu điều kiện để phản đối.
Sống trong sự kìm kẹp, họ bắt đầu nghĩ rằng mình thực sự không có khả năng, hoặc cảm thấy ngần ngại thay đổi, sợ cái mới bất định.
Theo She The People, lối suy nghĩ này không chỉ kìm hãm sự phát triển của xã hội mà còn kéo dài những bất công sẵn có với cả 2 giới.
Cũng là nạn nhân của định kiến giới, những người nữ mang tâm lý này không thể thoải mái bộc lộ bản thân, thường xuyên trong trạng thái kém hài lòng với chính mình và mọi người xung quanh, từ đó áp đặt lên người khác.
Bàn về giải pháp, thạc sĩ Vân cho biết: "Điều quan trọng là xây dựng các môi trường giúp nuôi dưỡng niềm tin và thực hành tự trị của phụ nữ".
Ở phương diện cá nhân, mỗi người cần nâng cao nhận thức về giới, đồng thời đặt câu hỏi cho hành vi, lời nói của mình, đặc biệt nếu nó liên quan đến sự soi mói, chỉ trích những phụ nữ khác, theo Harvard Business Review.
Chẳng hạn, trong môi trường công sở, ta có thể nỗ lực trao quyền và ủng hộ sự phát triển của nữ giới, đồng thời chống lại những trò đùa phân biệt giới tính dễ xảy ra tại nơi làm việc.