• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"Ngôi nhà cố chấp nhất Thượng Hải": Đòi đền bù 6 căn hộ và 340 tỷ đồng, gia chủ ngậm ngùi chuyển đi sau 14 năm sống trong khổ sở

Không còn cách nào khác, phía chủ đầu tư bắt đầu thực hiện dự án làm đường, bất chấp...

Trước khi nghỉ hưu, Trương Tân Quốc là nhân viên của một công ty xây dựng, thu nhập và đãi ngộ khá tốt, vì vậy đã tiết kiệm được một số tiền không nhỏ.

Khi kết hôn, Trương Tân Quốc đã xây dựng một ngôi nhà nhỏ hai tầng theo phong cách phương Tây ở trấn Cửu Đình, quận Tùng Giang, Thượng Hải (Trung Quốc), để sống với bố mẹ vợ.

Năm 1996, hai con của Trương Tân Quốc lần lượt kết hôn. Để gia đình sống thoải mái hơn, ông đã bỏ ra 300.000 NDT (hơn 1 tỷ đồng) để xây thêm 1 tầng và tân trang lại ngôi nhà.

Sau đó, gia đình Trương Tân Quốc sống và sinh hoạt ở tầng 2 và 3, còn tầng trệt cho thuê, thu nhập khoảng 50.000 NDT/năm (gần 170 triệu đồng).

Trương Tân Quốc
Trương Tân Quốc

Ông Trương rất tự hào với hàng xóm láng giềng vì bản thân có nhà đẹp, con cái sống chung và thu nhập ổn định, cuộc sống vô cùng khấm khá.

Cho đến năm 2003, một tin tức truyền đến. Thượng Hải đẩy mạnh quy hoạch thành phố. Trong đó, đường Hỗ Đình Bắc được phá dỡ, sau đó mở rộng và xây mới thành một đường trục chính có 4 làn xe. Và ngôi nhà của gia đình Trương Tân Quốc nằm trên con đường này.

Không hài lòng trước chính sách đền bù

Ngay khi tin tức về việc phá dỡ được đưa ra, người dân trấn Cửu Đình đã rất vui mừng, vì khu vực này vốn dĩ rất đông đúc, không khí không trong lành, đôi khi đi lại vào ngày mưa rất khó khăn. Người dân không chỉ được đền bù vài căn nhà mà còn được bồi thường, tái định cư, ai cũng rất phấn khởi và mong chờ được phá dỡ sớm.

Gia đình Trương Tân Quốc cũng rất vui vẻ sau khi biết tin, nhà ông có diện tích rộng, chắc chắn được đền bù nhiều hơn phần của hàng xóm.

Tuy nhiên, mọi chuyện nằm ngoài dự liệu của Trương Tân Quốc.

Hóa ra chính phủ quyết định khoản bồi thường cho hộ dân bị giải phóng mặt bằng theo giấy chứng nhận nhà ở, cũng như kích thước của ngôi nhà và số lượng con trai trong gia đình được thể hiện rõ trong giấy chứng nhận, ngoài ra còn có chính sách bồi thường gia đình một con. Một giấy chứng nhận nhà ở có thể được đền bù 3 căn nhà tổng cộng 280 mét vuông và khoản tiền gần 3 triệu NDT (hơn 10 tỷ đồng).

Theo Trương Tân Quốc, điều kiện bồi thường này rất bất lợi cho gia đình ông.

Trước hết, phương pháp giải tỏa đền bù được tính theo số giấy chứng nhận nhà ở trong gia đình. Cả nhà Trương Tân Quốc hiện có hai giấy chứng nhận cho ngôi nhà ba tầng, nhưng chỉ có một giấy đã được công chứng, và một là giấy chứng nhận tạm thời do anh trai của bố vợ chuyển sang tên của bố vợ, không được đóng dấu và công chứng, vì vậy nó không có hiệu lực pháp lý.

Thứ hai, khu vực được đánh dấu nhà ở trên sổ sách vẫn là khu vực khi tòa nhà ở trạng thái hai tầng vào thời điểm đó.

Khi Trương Tân Quốc cải tạo nhà nhỏ ba tầng, ông đã chạy đôn chạy đáo đến các bộ phận liên quan nhiều lần vì thủ tục, sau đó ông đã từ bỏ vì quá mệt mỏi và hiện giấy tờ thể hiện nhà của ông chỉ ở phạm vi 2 tầng. 

Thứ ba, Trương Tân Quốc có một con trai và một con gái, không đáp ứng được khoản bồi thường giải tỏa của chính sách một con.

Cuối cùng, con gái của Trương Tân Quốc không được tính trong đối tượng đền bù, và chỉ có người con trai đáp ứng các tiêu chí. Theo tình huống này, con trai của Trương Tân Quốc được đền bù riêng một ngôi nhà khoảng 120 mét vuông.

Theo đó, nếu chấp nhận điều khoản này, gia đình Trương Tân Quốc sẽ được 4 căn nhà và một số tiền mặt.

Sau cùng, người con trai có 2 căn nhà, con gái chỉ có một. Cứ như vậy, mâu thuẫn gia đình xảy ra, con gái của Trương Tân Quốc không hài lòng với lý do tại sao cô lại sống với bố mình trên đường Hỗ Đình Bắc, nhưng chỉ có một ngôi nhà, mà anh trai lại được hai.

Theo nội dung thông báo phá dỡ, nhiều hàng xóm của Trương Tân Quốc vốn chỉ ở trong những ngôi nhà dột nát cũ kỹ, nhưng vì có nhiều con trai nên họ nhận được rất nhiều nhà cửa và tiền mặt.

Trương Tân Quốc không thể chấp nhận tình huống này.

Do đó, trước thông báo phá dỡ, Trương Tân Quốc đã rất không phục: "Tôi đã bỏ ra rất nhiều tiền để xây dựng ngôi nhà, tại sao khoản đền bù lại thua những hộ gần bên, thậm chí nhà của họ tàn tạ hơn nhà tôi rất nhiều?".

Lòng tham nuốt chửng hiện thực

Để có thêm tiền bồi thường, Trương Tân Quốc liên tục đến văn phòng giải tỏa đền bù đàm phán, nhưng luôn bị bác bỏ. 

Thấy hàng xóm xung quanh đã chuyển đến nhà mới, Trương Tân Quốc vẫn không muốn ký thỏa thuận. Biết nhà mình nằm trên con đường chính bốn làn xe cần xây, Trương Tân Quốc cảm thấy nhà mình rất quan trọng, vì vậy bắt đầu định giá để tiếp tục thương lượng với phía văn phòng giải tỏa đền bù và chủ đầu tư: "Nếu các anh không cho tôi 6 căn nhà và 100 triệu NDT (gần 340 tỷ đồng) tiền bồi thường, thì đừng hòng động đến một viên gạch nhà tôi. Nếu không, hãy để máy ủi lăn qua người tôi trước".

Không còn cách nào khác, phía chủ đầu tư bắt đầu thực hiện dự án đường trục chính Hỗ Đình Bắc vào năm 2007, bất chấp "ngôi nhà đinh" của ông Trương Tân Quốc vẫn còn hiên ngang tại đó.

Và cơn ác mộng của gia đình Trương Tân Quốc chính thức bắt đầu.

Gia đình Trương Tân Quốc phải sống trong bụi bặm và tiếng ồn mỗi ngày, đêm đến lại hoang vắng vì xung quanh chẳng có ai ngoài những chiếc máy làm đường.

Từ năm 2007 đến năm 2011, gia đình Trương Tân Quốc vẫn cố gắng chịu đựng trong cảnh sống này, quần áo không dám phơi bên ngoài vì sợ bụi bẩn, cửa sổ nhiều năm không mở lần nào.

Năm 2011, sau khi đường Hỗ Đình Bắc hoàn thành, dù gia đình Trương Tân Quốc đã kết thúc cảnh sống trong bụi bặm nhưng họ bước vào cuộc sống ngủ quên trên "con đường".

Hiển nhiên, ngôi nhà của Trương Tân Quốc trở thành “vật cản” trên đường lớn đông đúc xe cộ qua lại. Vốn dĩ chính phủ quy hoạch đường 4 làn xe, nhưng vì bị nhà của Trương Tân Quốc cản trở nên đành trở thành đường 2 làn xe.

Cuộc sống của gia đình bị quấy nhiễu bởi tiếng ồn giao thông khắp nơi, thường bị đánh thức trong đêm bởi âm thanh chiếc xe tải lớn đi qua. Sự bất tiện và không an toàn càng ghê gớm hơn nữa.

Vì những người dân gần đó đã chuyển đi nên khi xây dựng con đường, các đường ống đã đặt trước đó đã bị dỡ bỏ, vì vậy gia đình Trương Tân Quốc cũng phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan của việc cắt nước và điện. Sau đó Trương Tân Quốc đã đến các bộ phận liên quan để phản ánh, cơ quan chính phủ đã đặt đường ống cho gia đình ông để giải quyết vấn đề, nhưng Trương Tân Quốc vẫn khăng khăng đòi bồi thường giải tỏa.

Một đêm khuya tháng 10/2012, Trương Tân Quốc và vợ đang ngủ thì bị đánh thức bởi âm thanh cực lớn. Hóa ra là do một chiếc ô tô đã đâm vào tường nhà của Trương Tân Quốc.

Tài xế trực tiếp đưa gia đình Trương Tân Quốc ra tòa, nói rằng vì ngôi nhà nằm giữa đường nên anh ta đã đâm vào đó và yêu cầu bồi thường. Mặc dù tòa án đã bác bỏ yêu cầu của tài xế, nhưng vụ việc đã để lại cho gia đình Trương Tân Quốc cái bóng tâm lý.

Đối mặt với những lời lăng mạ của những tài xế đi qua, nghe tiếng xe liên tục vang lên bên tai, lo lắng cho an toàn tính mạng của bản thân, các con của Trương Tân Quốc không thể chịu đựng được và dọn ra ngoài không lâu sau đó.

Vào ngày 21/8/2017, Trương Tân Quốc đã ký một thỏa thuận, nhận được bốn ngôi nhà và 2,3 triệu NDT (gần 7,8 tỷ đồng) tiền bồi thường giải phóng mặt bằng.

Vài ngày sau, ngôi nhà kiểu phương Tây đã bị phá dỡ, đường Hỗ Đình Bắc được quy hoạch thành đường có 4 làn xe, làm giảm đáng kể khả năng xảy ra tai nạn giao thông.

Nguồn: Sohu

Trung Hạ

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật