Là thiết bị cung cấp nước nóng cho đời sống sinh hoạt hàng ngày, vì vậy khi trời càng chuyển lạnh, bình nóng lạnh lại được "săn đón" hơn bao giờ hết. Cụ thể, bên cạnh những gia đình có nhu cầu mua mới, những gia đình đã và đang sở hữu thiết bị cũng sẽ sử dụng thường xuyên hơn. Có không ít gia đình chia sẻ, đặc biệt với những gia đình có người già và trẻ nhỏ, thời gian bật bình nóng lạnh để có nước nóng sử dụng lên tới hơn 10 giờ mỗi ngày. Thậm chí, có những gia đình còn bật thiết bị cả ngày.
Bình nóng lạnh là thiết bị quen thuộc trong nhiều gia đình, đặc biệt là vào mùa đông (Ảnh minh họa)
Quen thuộc sử dụng là vậy, tuy nhiên nhiều người dùng vẫn rất chủ quan khi sử dụng bình nóng lạnh. Các chuyên gia về điện lạnh đưa ra lời khuyên rằng, bên cạnh tình huống rò rỉ điện từ thiết bị mà con người có thể cảm nhận rõ ràng, hãy cẩn thận, xem xét ngưng sử dụng ngay với các trường hợp sau. Đó là bình nóng lạnh xuất hiện những dấu hiệu như các bộ phận của bình bị han gỉ nghiêm trọng, đặc biệt là phần dây nối; bình phát ra tiếng ồn bất thường; bình bị rò rỉ nước hoặc bình đun nước không đủ nóng...
Các dấu hiệu trên cũng báo hiệu bình nóng lạnh trong gia đình đã bị hao mòn, hỏng hóc nghiêm trọng, cần bảo dưỡng và sửa chữa kịp thời.
Những dấu hiệu cảnh báo nên ngưng sử dụng bình nóng lạnh
1. Các bộ phận của bình bị han gỉ
Các bộ phận của bình nóng lạnh dễ bị han gỉ có thể kể tới như phần dây nối. Nguyên nhân đó là bởi các bộ phận này chủ yếu được làm bằng kim loại, lại ở trong môi trường nhiều độ ẩm, dễ tiếp xúc với nước như phòng tắm, phòng vệ sinh. Chính bởi vậy qua thời gian dài, không thể tránh khỏi tình trạng gỉ sét.
Việc những dây nối gỉ sét có thể khiến chúng bị đứt, gãy, rò rỉ nước, gây nguy hiểm cho người dùng trong quá trình sử dụng bình nóng lạnh. Ngoài dây nối, các bộ phận khác như các nút vặn điều chỉnh nhiệt độ hay ốc, vít khi bị rỉ sét cũng cần được xem xét thay thế.
Ảnh minh họa
2. Bình nóng lạnh phát ra tiếng ồn bất thường
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc bình nóng lạnh phát ra những tiếng ồn, tiếng kêu bất thường khi người dùng sử dụng. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, 2 nguyên nhân chính là nguồn nước cấp vào bình không sạch và thiết bị đã bị hỏng van giảm áp.
Trong đó, nguy hiểm hơn cả là nguyên nhân thứ 2. Van giảm áp của bình nóng lạnh có tác dụng làm hơi nước thoát bớt ra ngoài khi nước trong bình đã quá nóng. Từ đó, nó cũng đảm bảo hơn sự an toàn cho người sử dụng. Vì vậy khi bộ phận này gặp sự cố, hơi nước không thể thoát ra ngoài được, gây ra tiếng kêu. "Nguy hiểm hơn, khi hơi nước không thoát được ra ngoài, áp suất trong bình lên quá cao có thể dẫn đến nguy cơ nổ bình nóng lạnh", EVN cho biết.
Khi sử dụng mà thấy bình nóng lạnh có tiếng kêu, người dùng hãy nguồn điện khỏi thiết bị và tiến hành gọi thợ kỹ thuật, thay van giảm áp mới.
Van giảm áp của bình nóng lạnh bị hỏng là vấn đề rất nghiêm trọng (Ảnh minh họa)
3. Bình nóng lạnh bị rò rỉ nước
Không chỉ rò rỉ điện, việc bình nóng lạnh bị rò rỉ nước cũng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố rất lớn. Hiện này chủ yếu xuất hiện ở khu vực thanh đốt nước và lắp đường ống nước. Nếu đường ốc nước bị rò, nó sẽ khiến đường ống dễ bị han gỉ và giảm tuổi thọ của bình nóng lạnh.
Nhưng nếu tình trạng xảy ra ở bộ phận thanh đốt nước, mức độ nguy hiểm sẽ cao hơn. Nước bị rò rỉ ở khu vực này cũng sẽ có màu vàng. Các chuyên gia cho biết, rò rỉ nước ở thanh đốt nước là một trong những nguyên nhân khiến bình nóng lạnh bị rò điện thậm chí chập điện dẫn tới cháy nổ.
Ngoài ra, khi bình chứa nước của thiết bị bị thủng, gioăng cao su giữa các đường ống bị lỏng... cũng có thể dẫn tới việc rò rỉ nước. Trước khi tiến hành kiểm tra nguyên nhân vì sao bình nóng lạnh bị rò điện, người dùng cũng cần ngưng sử dụng, ngắt nguồn điện, sau đó xác định vị trí nước rỉ ra rồi gọi tới số của các đơn vị kỹ thuật có chuyên môn.
Ảnh minh họa
4. Bình đun nước không nóng
Nhiều gia đình gặp phải trường hợp dù đã cắm điện bình nóng lạnh suốt cả tiếng, nhưng nước trong bình vẫn không được đun nóng. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này có thể kể tới như nguồn điện không ổn định, bình không có nước, bình đã bị hoạt động quá tải trong thời gian dài, áp lực nước tại gia đình không ổn định, cảm ứng nhiệt, sợi đốt bị hỏng, bên trong thiết bị có nhiều cặn bẩn hay nút điều khiển của thiết bị đã hỏng.
Trong tất cả các nguyên nhân, nguyên nhân bình không có nước là nguy hiểm hơn cả. Các chuyên gia giải thích, khi bình không có nước nhưng điện vẫn được đưa vào sẽ làm hỏng thanh đốt, cháy nổ, rò rỉ điện, thậm chí làm vỡ bình.
Khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào của bình nóng lạnh như danh sách kể trên, người dùng nên tạm ngưng sử dụng thiết bị và gọi tới các cơ sở cung cấp, mua bán hoặc sửa chữa để được hỗ trợ kịp thời. Thuận tiện nhất chính là nơi mà người dùng mua thiết bị.
Ảnh minh họa
Tổng hợp