Sự riêng tư của các thành viên trong gia đình luôn được đặt lên hàng đầu, trẻ nhỏ cũng sẽ được rèn luyện sự độc lập từ khi còn nhỏ. Chính vì thế, ngay từ khi bắt đầu lên ý tưởng thiết kế xây dựng nhà ở, ba mẹ đều dành cho con mình những khoảng không gian riêng. Tuy nhiên, một căn phòng thôi chưa đủ, lên ý tưởng thiết kế nội thất như thế nào để con có một không gian vui chơi, học tập và ngủ vừa thoải mái lại theo đúng sở thích lại là điều quan trọng và không hề dễ dàng. |
Lựa chọn vị trí để đặt phòng ngủ của con: Phần lớn thời gian của con sẽ ở trong phòng vì đây vừa là nơi để ngủ, học tập lại cũng có thể là nơi vui chơi của con. Tính cách và sự phát triển của con cũng bị ảnh hưởng phần nào bởi không gian sinh hoạt. Do đó, một vị trí yên tĩnh trong căn nhà, cách xa so với những nơi ồn ào như phòng khách hay phòng ăn là lý tưởng để đảm bảo cho con có một không gian sinh hoạt tốt nhất.
Tham khảo sở thích của con nhỏ: Nếu con còn quá nhỏ và chưa có sở thích rõ ràng thì sẽ cần tới sự giúp đỡ của ba mẹ trong việc định hướng phong cách. Đối với các bé gái, ba mẹ nên lựa chọn những gam màu nhẹ nhàng và nữ tính như hồng phấn, hồng, tím,..; đối với các bé trai thì những gam màu nam tính như xanh da trời hay màu vàng.
Nếu các con đã đủ lớn để biết được mình thích gì thì ba mẹ nên tôn trọng sở thích của con vì đây là không gian riêng của trẻ. Ví dụ, bé thích nhân vật công chúa thì những nội thất màu hồng có in hình công chúa sẽ tạo sự hứng thú cho bé.
Dự tính trước chi phí mà bạn có thể đầu tư cho căn phòng của trẻ: Điều này hết sức quan trọng vì nó sẽ giúp cho bạn định hướng phong cách, nội thất sẽ mua cho căn phòng của bé. Thông qua đó, kiến trúc sư cũng dễ dàng hơn trong việc lên ý tưởng thiết kế nội thất.
Những điều lưu ý:
Không gian: Vì trẻ em còn yếu và khả năng miễn dịch còn kém nên không gian ngủ và chơi của trẻ cần thoáng mát, lưu thông gió tốt và sạch sẽ
Giường ngủ cho trẻ: Ba mẹ cần đảm bảo rằng chiếc giường được làm từ những vật liệu tốt, chắc chắn và an toàn. Hướng tốt nhất để đặt giường là đầu quay về hướng Bắc và chân quay về hướng Nam.
Mền và gối cho trẻ: Nên chọn loại mền gối mềm, sợi bông tự nhiên hoặc cotton; kích thước của chăn gối vừa phải, không nên quá to và nặng khiến trẻ khó ngủ.
Sơn phòng: Đối với phòng ngủ của trẻ, nên chọn những màu sơn nhẹ nhàng và có tông sáng ấm. Ba mẹ nên chọn loại sơn có chất lượng tốt, chứa ít hoặc không chứa chất hóa học càng tốt. Hiện nay trên thị trường có những loại sơn hữu cơ rất an toàn, ba mẹ nên tham khảo. Và điều quan trọng là nên sơn trước 1 tuần sau đó mới bài trí đồ đạc để trẻ vào ở.
Cửa sổ: Cửa sổ cần được trang bị rèm dày dặn chắn sáng tốt và tốt nhất là sử dụng rèm không có dây. Không nên lắp cửa kính trong phòng của trẻ em vì cửa thủy tinh ngăn chặn ánh nắng, ảnh hưởng đến sự tạo canxi của cơ thể bé.
Nội thất: Không nên đặt quá nhiều nội thất to trong phòng trẻ, chiếm diện tích, không gian cũng như bất tiện cho việc sinh hoạt. Tuy nhiên, vì trẻ em có rất nhiều đồ đạc nhỏ, ba mẹ nên mua tủ đa năng để có sắp xếp đồ đạc của bé gọn gàng và khoa học hơn.
Ổ điện: Trong phòng trẻ em nên hạn chế thiết kế các ổ điện hoặc thiết kế ổ điện tại những nơi khuất xa tầm với của trẻ. Nếu có ổ điện thì khi trẻ bắt đầu biết bò nên dán các ổ điện lại để tránh trường hợp trẻ tò mò thò tay vào.
Đèn trong phòng: Ban ngày ba mẹ có thể tận dụng ánh sáng mặt trời vì tốt cho sự phát triển xương của bé, tuy nhiên, với những khoảng thời gian không có ánh sáng tự nhiên thì ánh sáng đèn điện nhẹ, sắc vàng sẽ tốt cho trẻ vì mắt trẻ còn yếu.
Thiết kế đảm bảo sự an toàn
Để đảm bảo sự an toàn, bạn cần chú ý những vấn đề sau:
Tránh tuyệt đối những món đồ quá nặng hoặc sắc nhọn.
Có thể bo tròn các góc bàn, góc giường để giảm tối đa quá trình va chạm khiến trẻ bị thương.
Không nên treo đồ nặng lên tường có thể rơi và cần thiết kế ổ điện tránh xa tầm tay của trẻ.
Chất liệu sử dụng trong phòng ngủ phải an toàn không chứa các chất độc hại.