Tam Đảo Villa ngôi nhà giữa thung lũng
Tam Đảo Villa là biệt thự nghỉ dưỡng tọa lạc ở thung lũng dưới chân núi thị trấn Tam Đảo. Mặt trước hướng Đông đón bình minh, mặt sau hướng Tây đón hoàng hôn, nhìn ra thung lũng và sân golf phóng khoáng.
Thiết kế ngôi nhà 3 tầng thấp dần về phía thung lũng, nổi bật với hình khối đơn giản gồm 3 hộp vuông đặt chồng lên nhau. Ô lớn nhất là tầng 2 với kích thước 22m x 22m x 3,3m. Các hộp tầng trệt và tầng hầm có kích thước 16m x 16m x 3,3m.
Có một khoảng trống 6,5m x 6,5m ở giữa các hộp, gây ấn tượng thị giác bởi ao cá ở tầng trệt.
Các khoảng trống và ô đặc được xếp xen nhau để thông gió và lấy thêm ánh sáng tự nhiên vào mọi ngóc ngách trong nhà. Các góc nhìn được xuyên qua nhiều khoảng trống để tạo chiều sâu không gian. Tầng thượng là khu vực cắm trại, nơi mọi người trải nghiệm sương sớm xuyên xuống thung lũng.
Các bậc thang dài ngang được đục lỗ để giảm nhịp, tránh cảm giác quá dài và tạo tầm nhìn thẳng đứng. Những sân thượng này cũng tạo không gian đệm hoặc ranh giới mờ giữa không gian trong nhà và khung cảnh bên ngoài.
Floating Nest: Ngôi nhà “tre đan” lơ lửng nhẹ nhàng giữa không gian xanh
Tọa lạc tại khu dân cư đông đúc ở TP.HCM, công trình Floating Nest do studio Atelier NgNg thiết kế là ngôi nhà ống nổi bật với bức bình phong bằng tre đan chạy suốt chiều dài mặt tiền, mang đến nét thẩm mỹ vừa quen thuộc vừa độc đáo.
Thiết kế ngôi nhà bao gồm 3 khoảng trống lớn: một sân vườn phía trước và sau nhà, trải dài cả ba tầng và ngăn cách bên trong với đường phố bên ngoài; giếng ánh sáng trung tâm, ở hai tầng trên, ngăn cách phòng gia đình với khu vực nghỉ ngơi, khu vườn nhỏ được sử dụng để ngăn cách bên trong và bên ngoài; nhà vệ sinh, phòng ngủ và nhà bếp.
Giải pháp này tạo ra sự chuyển đổi không gian linh hoạt, đảm bảo hầu hết vị trí trong nhà đều có khả năng tiếp xúc với thiên nhiên.
Bảng màu của ngôi nhà kết hợp vật liệu gợi nhớ đến làng quê Việt Nam truyền thống như tre, gỗ,… cùng đó là những vật liệu hiện đại như kính và sắt. Trong đó, tre là vật liệu tự nhiên, tiết kiệm và thân thiện với môi trường, được lựa chọn cho mặt tiền của ngôi nhà dưới dạng tấm bình phong đan. Vách ngăn sắt CNC có tính năng cắt hoa văn hình lá, đồng thời còn được dùng làm lam che nắng cho ban công và cổng ra vào.
LVS.House: Ngôi nhà ống thú vị giữa lòng Sài Gòn
Khác với những nhà ống khác ở mặt bằng khu đất, LVS.House có bề ngang hẹp nhưng lại sở hữu khoảng diện tích rộng phía sau như hình chữ L. Đặc điểm này góp phần mở hướng phát triển không gian thú vị cho công trình.
Bên cạnh giải pháp lệch tầng, AD9 Architects đã khai thác thành công nguồn ánh sáng và thông gió tự nhiên theo phương thẳng đứng. Các không gian chuyển tiếp cùng thiết kế giếng trời tạo nên sự kết nối quyện hòa giữa thiên nhiên và con người.
L House: Không gian nhà ở phóng khoáng hiện lên như thư viện thu nhỏ ở Hà Nội
Nổi bật với những lỗ oval nhỏ ngay mặt tiền vừa đón ánh sáng và gió vừa đảm bảo sự an toàn và riêng tư, L House do đội ngũ kiến trúc sư Việt Nam NH Village Architects thiết kế là công trình nhà ở tiện nghi hiện lên như một thư viện thu nhỏ.
Sở hữu diện tích 180 mét vuông bao gồm 3 tầng được thiết kế cho mục đích làm việc và chăm sóc gia đình, L House gây ấn tượng thị giác ở tính mở của không gian cũng như sự liên thông giữa các phòng. Công trình tận dụng ánh sáng tự nhiên một cách khéo léo thông qua những ô cửa uốn lượn và thiết kế kính linh hoạt, từ đó giải thoát khái niệm “nhà hộp” chập hẹp, nặng nề và bức bối.
VH House: An trú giữa lòng thủ đô
VH House nằm ở thủ đô Hà Nội, nơi đối mặt với những vấn đề về kẹt xe, ô nhiễm không khí và thiếu không gian công cộng.
Công trình lấy cảm hứng từ những ngôi nhà ống truyền thống, có cân nhắc các yếu tố kiến trúc đương đại, phản ánh phong cách hiện đại.
Hình thức nhà ống thường được bố trí sâu hẹp, chỉ có một mặt tiền, 3 mặt còn lại thường là những ngôi nhà liền kề và không có cửa sổ. Vì thế, các kiến trúc sư đã thiết kế khoảng sân mở ở giữa, cho phép luồng khí và ánh sáng tự nhiên tràn vào xuyên suốt công trình, đồng thời thích nghi lý tưởng với khí hậu nhiệt đới của địa phương.
Với mục đích tạo ra cuộc sống thoải mái cho gia đình 4 người trong khu đất nhỏ, một không gian sống liên hoàn đã được phân chia bởi những khoảng sân xanh nhỏ bên ngoài và bên trong. Khu vực mái được bao phủ bởi các khu vườn mở, nơi gia đình có thể tự trồng rau và trái cây.
Cây xanh áp dụng trong kiến trúc là điều quan trọng ở thành phố đông đúc như Hà Nội, nơi thiếu thốn thiên nhiên và không đủ không gian công cộng cho người dân.
Ecopark Penthouse: Căn hộ độc đáo của chủ nhân nghệ sĩ
Một trong những thách thức của căn hộ thuộc khu đô thị Ecopark (Hưng Yên) này là nằm trên tầng 33, nên việc lắp đặt hệ thống thép gặp khó khăn do chiều dài và chiều cao vượt quá kích thước của dịch vụ vận thăng.
Do đó, hệ thống thép phải được cắt nhỏ, đội ngũ kiến trúc sư Le House phải đảm bảo số lượng các điểm kết nối và khớp nối có thể được giảm thiểu càng nhiều càng tốt.
Mặc khác, 2/3 diện tích được cải tạo nhằm mục đích sử dụng cho những không gian “chill”, tuy nhiên, các kiến trúc sư không quên bố trí một số không gian chức năng cho phòng ngủ theo yêu cầu của gia chủ.
Ngoài khu master tiện nghi còn có thêm hai phòng ngủ dành cho con cái hay nhóm bạn.
Cẩm Thanh A&A Villa: Biệt thự độc đáo lấy cảm hứng từ cọ dừa Hội An
Mọc lên từ phố cổ Hội An, ngôi biệt thự Cẩm Thanh A&A tận dụng tối đa lợi thế tự nhiên khi được vỗ về bời vườn cây xanh mát và sát bên mặt hồ tĩnh lặng. Hệ thực vật và sông ngòi đa dạng cùng di tích của bao ngôi nhà hàng trăm năm tuổi góp phần nâng tầm thẫm mỹ cảnh quan và kiến trúc cho công trình biệt thự này.
Cụ thể, hình khối kiến trúc được chuyển đổi từ ấn tượng của thực vật bản địa, và không gian kiến trúc được tái sáng tạo từ không gian dân cư truyền thống. Bên cạnh đó, các kiến trúc sư tài năng còn chú tâm đến sử dụng vật liệu trong thiết kế không gian và hình thái.
Tất cả nhằm mục đích tạo ra vẻ đẹp độc đáo và mới mẻ, nhưng vẫn tối đa khả năng thích nghi với khí hậu địa phương và đảm bảo lối sống và sinh hoạt thoải mái cho từng thành viên trong gia đình.
Về bố cục không gian tổng thể, đội ngũ kiến trúc sư đã dựa vào bố cục của các ngôi nhà cổ ở Hội An, nghĩa là sử dụng một số khu vườn nhỏ để chia ngôi nhà dài thành ba khối ngắn, giúp tăng hiệu quả ánh sáng và thông gió như người xưa đã làm. Cách xử lý như vậy là khôn ngoan, phù hợp với hiện tại và tương lai, đồng thời đảm bảo đủ lượng ánh sáng và gió tự nhiên vào bên trong không gian sinh hoạt.