Trước tình thế này, chính quyền buộc phải tạm dừng hầu hết hoạt động giao thương để ngăn chặn sự lây lan của biến thể mới có tên gọi là Delta, trong đó có lĩnh vực giao thông vận tải.
Gần cả đội cùng trở thành F0
Tuy nhiên, thay vì “bó gối” ngồi nhà để bảo vệ an toàn cho bản thân mình, nhiều tài xế - bằng cái tâm, đã xếp nguy hiểm cá nhân của mình vào ngăn thứ yếu, tình nguyện “ôm” vô lăng, sát cánh cùng đội ngũ y tế lao vào tâm dịch với một mong muốn duy nhất và duy nhất- góp phần cứu người, sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Một trong những người như thế mà tôi có dịp tiếp xúc trong quá trình tác nghiệp là anh Nguyễn Hữu Tâm (sinh năm 1982), tài xế của Công ty xe khách Phương Trang.
Quê An Giang, trước khi đại dịch xảy ra, anh Nguyễn Hữu Tâm là tài xế chính tuyến Châu Đốc – Bến xe miền Tây (TP.HCM).
Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, tuyến xe mà anh đang chạy phải dừng hoạt động để chống dịch. Nghỉ ở nhà được một thời gian ngắn, đầu tháng 6, Công ty Phương Trang, nơi anh làm việc, ủng hộ hàng trăm xe cho TP.HCM chống dịch. Không một chút do dự, anh đăng ký tham gia ngay.
“Gia đình không phản đối?”, tôi hỏi.
Bằng một giọng đậm chất Nam bộ, anh Tâm thành thật đáp: “Cũng may, tui chưa có gia đình riêng, nhà chỉ có một mình mẹ già. Ban đầu thuyết phục cũng hơi khó nhưng sau đó mình nói tình, bà già cuối cùng cũng đồng ý cho đi”.
Cùng tham gia tình nguyện với anh Tâm trong đợt đó còn có hơn chục đồng nghiệp người miền Tây khác và tất cả đều “ra trận” với một tâm thế sẵn sàng lao vào nguy hiểm.
Về TP.HCM, các anh được bố trí vào phục vụ tại một bệnh viện dã chiến thu dung ở TP Thủ Đức. Hàng ngày, anh Tâm cùng các đồng nghiệp có nhiệm vụ đưa đón bác sỹ, đưa đón bệnh nhân COVID-19 nhập và xuất viện.
Và, trong một lần xét nghiệm định kỳ, anh Tâm cùng một số đồng nghiệp được xác định dương tính với COVID-19.
Anh Tâm cho biết, ban đầu, khi mới cần giấy xét nghiệm dương tính, cũng lo lắng lắm, thế nhưng nhờ các bác sỹ động viên nên mình cũng bình tĩnh lại. Rồi theo hướng dẫn của bác sỹ điều trị, tập luyện; được lãnh đạo công ty nơi mình cung cấp thuốc men, nhu yếu phẩm đầy đủ nên cuối cùng anh cũng đã vượt qua.
“Người duy nhất trong gia đình mình không dám báo mình bị bệnh là mẹ và bà chỉ được người thân nói lại sau khi mình khỏi bệnh. Cũng may, bà không bị sốc, nên sức khỏe bà không sao”, anh Tâm chia sẻ thêm.
Cũng giống như anh Tâm, anh Võ Công Diện (quê Cần Thơ) cũng khá vô tư khi tình nguyện về TP.HCM tham gia chống dịch. Thậm chí, khi bị phát hiện dương tính anh cũng không quá lo lắng.
Anh bảo, khi ký giấy tham gia tình nguyện mình cũng không “lăn tăn” gì! Thấy mấy anh lớn tuổi hơn mình dám dấn thân thì không lý do gì mình còn trẻ hơn mà ngại khó.
“Khi bị nhiễm cũng thế, mình cũng không quá lo lắng. Thấy mấy ông anh lớn hơn mà vẫn cố gắng vượt qua thì tại sao mình phải đầu hàng. Thế là khỏi bệnh”, anh Diện cho biết.
Khỏi bệnh, tất cả đều đồng lòng ở lại chống dịch
Trong một lần trò chuyện cách đây không lâu, một lãnh đạo của Tập đoàn Phương Trang cho biết, hiện có gần 50 tài xế của tập đoàn tham gia chống dịch tại các bệnh viện ở TP.HCM và tính đến thời điểm này, có ít nhất 11 người bị dương tính và tất cả, may mắn, đều đã khỏi bệnh.
Khi các anh em bị bệnh, tôi cũng như ban lãnh đạo đều lo lắng lắm. Đích thân tôi gọi điện thăm hỏi động viên liên tục,điện cho từng người một. Rồi tôi còn trực tiếp mua thuốc men, chất bồi bổ cho các anh. Rất may, tất cả đều bình an! Về phía công ty, chúng tôi đánh giá cao tinh thần tình nguyện của các anh, luôn sát cánh ủng hộ các anh về tinh thần lẫn vật chất để các anh an tâm chống dịch.
Ông Đào Viết Ánh - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Phương Trang.
Và đặc biệt hơn, toàn bộ 11 người trong nhóm này không chịu về nhà nghỉ ngơi mà đều đồng lòng tình nguyện ở lại cùng với các y bác sỹ tham gia chống dịch.
Nói về lý do ở lại, anh Võ Công Diện cho biết, sau khi được công bố hết bệnh vào ngày 19/8, bác sỹ cho về nhà tự cách ly. Thế nhưng, anh cùng các đồng nghiệp của mình quyết định ở lại.
“Mình từng là F0 nên mình ở lại sẽ giúp cho các bác sỹ sẽ tiện hơn do mình đã biết cách chăm sóc, biết cách tập luyện sức khỏe và điều này sẽ có ích cho những bệnh nhân khác. Đây cũng được xem như là một trong những cách mà mình đền đáp lại công sức của các bác sỹ nơi đây”, anh Diện nói.
Hay như anh Nguyễn Minh Hồng, một người từng là F0 và giờ cũng là một tình nguyện viên cho biết, đã 2 tháng nay anh chưa được về nhà. Nhớ vợ nhớ con, nhưng việc ở bệnh viện thu dung mà anh đang phục vụ thiếu người, toàn bệnh viện chỉ có 15 anh em tài xế tình nguyện. Thế là anh quyết định ở lại để tham gia chuyển bệnh nhân nặng lên tuyến trên, F0 khỏi bệnh về nhà, trang thiết bị y tế, chở bình oxy, y bác sĩ đi chăm sóc bệnh nhân,…
Đồng quan điểm, anh Trần Văn Hùng, một đồng nghiệp cũng là một F0 vừa khỏi bệnh cho biết, mặc dù ở bệnh viện làm việc không có giờ giấc. Thế nhưng, có một thực tế là lực lượng tài xế mỏng, nếu mình không làm thì không có ai làm, và nếu không có ai làm thì nhiều bệnh nhân khác sẽ lâm nguy.
“Nửa đêm, rạng sáng mà bác sĩ gọi đi chở bệnh nhân, bình oxy mình chạy liền. Mình không chạy thì không đủ người để lo giúp những việc đó", anh Hùng chia sẻ.
Trở lại với trường hợp của anh Hùng, việc anh vượt qua COVID-19 cũng là một điều kỳ diệu, bởi trước khi anh tình nguyện lái xe phục vụ ở khu cách ly, bệnh viện dã chiến anh hoàn toàn chưa chích mũi vaccine nào do bị cao huyết áp.
"Lúc đó thiếu người, tôi đăng ký tình nguyện. Khi bị nhiễm, ai cũng lo quá trời, lo bệnh trở nặng. Tôi cũng không hiểu sao mà mình vượt qua được nhanh. Giờ đã khỏe rồi, vợ và 2 con ở dưới quê cũng bớt lo”, anh Hùng bảo.
Ngoài những người tôi nhắc tới trong bài viết này, còn có anh Đạt, anh Luân, anh Trung,… tất cả đều “hiền như cục bột”, họ làm tình nguyện trong sự âm thầm và ít khi chịu nói về mình. Nhưng với cá nhân tôi và có thể nhiều người khác nữa, nghĩa cử của các anh xứng đáng được trân trọng bởi hành động bất chấp nguy hiểm lao vào tâm dịch chính là cái tâm trong sáng, là sự can đảm mà không phải ai cũng có thể làm được.
Buổi trò chuyện kết thúc, trước khi chia tay tôi để trở về với chiếc vô lăng quen thuộc, anh Tâm bảo, giờ niềm vui của mình là lên xe, chở những bệnh nhân hết bệnh trở về nhà. Nhìn họ cười vui, tự tin mình vui theo. Và đó cũng lại lý do mà anh quyết tâm, khi nào dịch chưa hết anh chưa về nhà. Một nghĩa cử đáng trân trọng!