• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"Mẹ con là người tốt, mẹ nói bố cũng là người tốt, sao bố mẹ con lại không sống cùng nhau?”

Nhiều năm qua, tôi chứng kiến nhiều cặp đôi còn rất yêu thương nhau, nhưng vẫn chọn cách...

Vài năm về trước, tôi hay chơi với một bạn bé 7 tuổi, một người bạn vong niên, tôi học được từ bạn bé ấy nhiều trò hay kinh khủng khiếp mà hồi bé tôi không hề biết, ví dụ trò đập hai lá bài Yugi vào nhau xem lá nào ngửa mặt là thắng, bỏ qua chỉ số công thủ, hay trò thổi bong bóng bằng nước bọt, mà đến bây giờ tôi vẫn hay chơi với những bạn bé vong niên khác, rất là oai phong...

Bố mẹ bạn bé ly hôn được một thời gian, một hôm bạn từng hỏi tôi một câu khiến tôi chết lặng:

“Chú ơi, mẹ con là người tốt, mẹ nói bố cũng là người tốt, sao bố mẹ con lại không sống cùng nhau?”

Mẹ bạn bé không cho bạn một đáp án thỏa mãn, và tôi cũng không nhớ tôi đã trả lời thế nào, nhưng chắc chắn đó không phải là một câu trả lời đàng hoàng, vì thậm chí tôi nhớ đã không dám nhìn vào mắt bạn bé trong cả buổi nói chuyện đó.

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Bạn bé cũng đã lớn lên, giờ chắc là đã đi học cấp 2, thậm chí có khi còn có người yêu rồi, lâu lắm chúng tôi không có dịp gặp lại nhau, nhưng thực sự câu hỏi đó nó cứ nằm đó ám ảnh trong đầu tôi từ ngày ấy.

Nhiều năm qua, tôi chứng kiến nhiều cặp đôi còn rất yêu thương nhau, nhưng vẫn chọn cách chia tay. “Nhằm giúp nhau tự do, giải phóng và tiến bộ”, họ buồn bã nói vậy.

Tôi cũng chứng kiến nhiều đứa con của những cuộc ly hôn, được mẹ nuôi dưỡng và cách ly từ bé, bị mẹ hoặc ông bà ngoại tiêm vào đầu kha khá hình ảnh xấu về một người cha tệ bạc và thất bại. Đến lúc người trẻ ấy tự nhận ra rằng ồ hóa ra cha tôi cũng không quá tệ như tôi tưởng tượng, thì cũng là lúc người cha đã bắt đầu già. Hai cha và con họ thường rất tiếc nuối đã làm lãng phí 15 năm đẹp nhất của cuộc đời cho sự lạnh nhạt với người thân, mặc dù vẫn rất muốn tốt cho nhau. Người mẹ, hay ông bà ngoại có lỡ tạo hình ảnh xấu suốt 15 năm, “cũng chỉ muốn bảo vệ cho con, cho cháu họ mà thôi”, họ lý luận như vậy.

Ai cũng muốn tốt cho người thân, mà ai cũng có lý.

Nhưng sao không ai cảm thấy hạnh phúc?!

Đến ngày hôm nay, giữa cơn hỗn loạn học online hậu Covid, một câu chuyện trên Facebook của thầy giáo tôi lại làm câu hỏi quen thuộc này dấy lên một lần nữa. Một sinh viên của thầy có ý trách thầy hay chê sinh viên qua một status, và cảm thấy rất nặng nề vì cả thuở sinh viên đã sống trong sự so bì. Cảm thấy thầy cô xa cách. Cảm thấy thầy cô cũng loay hoay, và học trò cũng loay hoay, dù biết cả hai đã từng rất cố gắng...

Người học trò của thầy tôi mong giá như các thầy cô chịu chìa tay ra, thầy tôi lại nói rằng thực ra thầy đã chìa tay nhiều lần, nhưng không nhận được phản hồi tích cực. Về phần tôi, tôi ước một điều là giá như cuộc nói chuyện của hai thầy trò diễn ra từ 4-5 năm trước, khi bạn sinh viên đó ở năm thứ nhất, thứ hai.

Hình như kết nối này đã đến trễ mất vài năm rồi thì phải...

Có lẽ nếu bố mẹ của bạn bé có dịp nói ra được những ức chế với nhau, bạn bé của tôi có thể không bao giờ có băn khoăn như vậy.

Có lẽ những người bố, những người con lạnh nhạt với nhau có thể nói ra được những vấn đề của mình, họ đã không cùng mất 15 năm hiểu lầm.

Có lẽ cuộc nói chuyện của thầy tôi và người học trò diễn ra từ sớm hơn một chút.

Tôi không biết đời người được mấy cái 15 năm, nên nếu có điều gì đó cảm thấy không ổn, điều gì cảm thấy không đúng, làm ơn hãy nói ra với nhau, bất kỳ điều gì, vì ít nhất bạn đã từng cố thử.

Có thể người tốt rốt cục vẫn không sống được cùng nhau, nhưng ít nhất là họ bớt hiểu lầm về nhau.

Tuấn Linh

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật