Hồi nhỏ, thậm chí cả đến lúc có tuổi rồi, mỗi khi có chuyện gì đó cần trình bày với mẹ, tôi ngại nhất phải nghe một câu mẹ tôi nói, là nói như đùa thôi, nhưng gây thương tổn khá mạnh: “Tôi lạ gì, tôi đẻ ra cô mà, tôi đi guốc vào bụng cô ấy!”.
Về mức độ gây thương tổn, câu đó chưa phải câu tệ nhất. Các bậc làm cha mẹ thỉnh thoảng thốt ra những điều mà con cái nghe và… đau lòng rất lâu (trong khi người nói, bao giờ cũng nghĩ cha mẹ nào chẳng hết mực yêu thương con cái, hết cơn giận đã khiến xả ra những lời ấy, thì tuyệt đối không nhớ nữa).
Những câu ghê gớm nhất mà tôi nghe ở nhiều bậc làm cha mẹ khác là “Tao biết thế này đã không sinh mày ra!”, hoặc “Đời tao bất hạnh vì mày!”, “Con tao sinh ra không có loại như mày!”; “Mày là đổ bỏ đi!”… đại loại thế. Đứa con có lỗi nghe những lời ấy nảy sinh trong tâm những điều gì chỉ có nó mới biết.
Nhưng dù có vô tâm thế nào, một hàng rào vô hình cũng đã được dựng lên trong lòng đứa trẻ, không phải với cha mẹ mà với cả thế giới. Đánh mất sự tự tin hoặc nuôi dưỡng sân hận, những điều ấy có khi làm một con người đi lạc cả đời.
Ảnh minh họa: internet. |
Đã bao giờ các bạn thốt ra những câu ấy với con cái chưa? Nếu chưa thì thật là may mắn cho đứa trẻ, cho chúng ta nữa.
Khi làm mẹ, tôi hiểu ra rằng không phải cứ mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày, đem một đứa bé đến với cuộc đời, rồi chăm lo bú mớm tã lót và nuôi nấng, là có quyền nói rằng hiểu nó. Một người mẹ nghe tiếng con khóc biết con đói ăn hay hờn giận, chuyện đó rất dễ. Nghe câu chuyện của con ở lớp, biết con thích hay không thích bạn nào, chuyện đó cũng dễ. Nhưng đấy chưa phải là hiểu.
Cha mẹ hiểu con được bao nhiêu? Mỗi đứa trẻ có một thế giới riêng. Càng lớn thế giới đó càng rộng ra. Người làm cha mẹ sinh ra đứa trẻ nhưng không có nghĩa là sinh ra thế giới nội tâm của nó. Biết điều ấy để vun đắp cho nội tâm con cái mình theo hướng tốt đẹp, đấy mới chính là việc cần làm…
Không có cha mẹ nào không yêu thương con cái. Yêu thương đương nhiên là bước đầu của hiểu biết. Nhưng để con cái cảm thấy được tình yêu đó, tin rằng bố mẹ thực sự hiểu mình, lại là chuyện không đơn giản.
Tôi đã nghe rất nhiều cháu bé nói ra mong ước của mình với bố mẹ. Phần lớn trong số đó là mong bố mẹ đừng kiểm soát mình một cách quá đáng. Công nhận là để xâm nhập thế giới nội tâm của con, các ông bố bà mẹ thường ít khi đi… đường chính. Trước thì đọc trộm nhật ký, giờ đọc trộm facebook, dùng nick ảo kết bạn với con để điều tra xem nó viết gì hàng ngày… Điều đó nếu bị phát hiện tất nhiên sẽ cực kỳ phản tác dụng!
Hiểu con có quan trọng không? Tất nhiên là hết sức quan trọng, tất cả các ông bố bà mẹ đều mong sẽ hiểu con mình, mong hoặc chủ quan hơn, tin rằng đã hiểu, “đi guốc vào bụng” mà. Nhưng tôi, có đôi khi tôi ngần ngừ trước mấy chữ: Hiểu con.
Thế nào là hiểu? Nhìn những đứa trẻ cắm cúi đi học thêm để có điểm số làm vừa lòng cha mẹ, như cha mẹ muốn, tôi không thấy sự hiểu con trong đó.
Mỗi ngày, nhìn ngắm đứa con bé bỏng của mình lớn dần lên, chấp nhận những điểm khác biệt của nó, không tìm cách so sánh nó với những đứa trẻ khác. Yêu thương, tin cậy nó… Nếu làm được những điều ấy một cách tự nhiên, chân thành, có thể lúc nào đó những người làm cha mẹ bỗng dưng thấy việc cố gắng tìm hiểu con là không cần thiết nữa. Thay vì tìm cách xâm nhập vào thế giới của con để biết con nghĩ gì, hãy mang đến cho con tình yêu thuần khiết và sự tin tưởng. Bất cứ ai cũng cần hai thứ đó để tốt lên và trưởng thành.