Hỏi: Mến gửi chủ mục Khăn Mùi Xoa
Em có một cuộc đời dễ chịu cho đến lúc này, mọi thứ luôn đúng hướng mà em đặt ra từ khi còn đi học. Từ ngoại tỉnh lên Hà Nội, em yêu và cưới mối tình đầu, một chàng trai phố cổ. Chúng em có một bé nhóc xinh xắn, ngoan ngoãn. Chồng em công việc ổn định, yêu thương vợ con, là mẫu đàn ông hoàn hảo của gia đình.
Cách đây vài năm chúng em khởi nghiệp kinh doanh, và một lần nữa em lại thành công, việc kinh doanh ngày càng ổn. Ở tuổi 35, em có mọi thứ mà một người phụ nữ mơ ước, trừ sự nghiệp riêng. Em tự hiểu không ai có thể có tất cả, em đã chọn làm người nội trợ để gia đình tròn vẹn hơn.
Mọi thứ sẽ có thể mãi như thế, nếu hôm trước em không gặp một người bạn cũ. Cô ấy cùng quê với em, cũng lên Hà Nội học, ở lại lập nghiệp, nhưng chưa lập gia đình. Bạn em giờ là người quản lý điều phối dự án của một NGO lớn, cô ấy dành toàn bộ tâm sức cho các hoạt động mang lại nhiều lợi ích cho xã hội.
Trong cuộc cà phê sau hơn 10 năm ra trường, bạn em hỏi em về dự định tiếp theo. Em đã không trả lời được, em không có dự định nào, bởi vì những mục tiêu em đặt ra trước đây không xa hơn những gì hiện tại em có được.
Có thể bạn em không có ý gì khi hỏi vậy, một câu hỏi bình thường thôi. Nhưng em đã nghĩ rất nhiều, và em muốn hỏi chủ mục, điều gì sẽ đến nếu em bước ra khỏi vòng an toàn này? Hay nói cách khác, em có nên bước ra khỏi vòng an toàn không, để lần đầu tiên trong đời có một dự định nằm ngoài những dự định?
Đáp: Chào em.
Em đang có một cuộc sống ổn định và yên bình (anh nghĩ không nên định nghĩa đó là thành công hay không, mặn hay nhạt, an toàn hay an phận). Cuộc sống “luôn đúng hướng mà em đặt ra” có nghĩa em là người rất nhất quán, cũng là một người tháo vát, thêm một chút may mắn nữa.
Vậy rất khó để chỉ một cuộc trò chuyện với ai đó lại có thể khiến em lung lay, muốn phá vỡ cái vòng an toàn của mình. Đó chỉ có thể là vì chính em, trong thâm tâm từ lâu đã hoài nghi rằng mình có hoàn toàn hài lòng với cuộc sống (hay nói chính xác hơn là lối sống) hiện tại hay không.
Tranh minh họa: Tào Linh. |
Anh không thể trả lời câu hỏi của em, rằng em có nên bước ra khỏi vòng an toàn không, có nên phiêu lưu một chút với những dự định mới không? Mà không phải anh thì cũng chẳng ai dám khuyên em đâu, với những gì mà em đang có. Ngay chính anh, cuộc sống cũng đầy biến cố bởi vô số sai lầm, với anh thì em là một mẫu giỏi giang mà anh không thể noi theo được.
Nhưng anh nhận ra qua tâm sự ngắn của em một điều mà có thể chính em cũng không nhận ra, đó là anh không thấy em đề cập tới những người thân của em trong những dự định của mình. Em nói tới sự đúng hướng của em. Em nói em không có sự nghiệp riêng, nhưng cũng không nói tới sự nghiệp của chồng em.
Em nói tới sự hài lòng với hiện tại, của em. Thế còn chồng em, con em, bố mẹ hai bên? Họ có hài lòng như em không, họ có xem sự ổn định bình yên này là tài sản chung, là thứ quý giá mà tất cả đã cùng nhau xây dựng. Chính em nữa, em có nhìn nhận như vậy không?
Có một bộ phim Đan Mạch tên là “Loving Adults” (Tình yêu người trưởng thành), nói về sự mâu thuẫn của một cặp vợ chồng dẫn tới đổ vỡ hôn nhân. Hai người có một cậu con trai bị bệnh nan y, và để chăm lo cho con, họ đã thỏa thuận người vợ sẽ từ bỏ sự nghiệp rộng mở của một nghệ sĩ vĩ cầm trở thành bà nội trợ toàn thời gian.
Còn người chồng, dốc sức kinh doanh kiếm tiền cho con chữa bệnh. Khi những khó khăn qua đi, cậu con đã được phẫu thuật và sắp tốt nghiệp trung học, thì người bố phát sinh tình cảm với một đồng nghiệp. Anh ta thú nhận với vợ, mong muốn ly hôn. Nhưng người vợ nói cô không chấp nhận một cái kết bất công như vậy.
- Tôi đã nuôi cả gia đình này - người chồng nói.
- Không, anh đã được chọn để ra ngoài kiếm tiền, còn tôi được chọn để ở nhà chăm con. Đó là sự phân công dựa trên đồng thuận, và chúng ta được - mất như nhau.
Người chồng sau đó im lặng. Gia đình là sự nghiệp của nhiều hơn một người, luôn như vậy. Mỗi người có thể tự đặt ra những hình mẫu của người phối ngẫu, có thể quy hoạch cuộc hôn nhân hay thậm chí thỏa thuận tiền hôn nhân thành văn bản chi tiết theo quy định của pháp luật. Nhưng khi cuộc hôn nhân đã bắt đầu, thì đó không còn là bài toán cá nhân nữa.
Có thể một trong hai người rất giàu có, rất giỏi giang, rất có vị thế hay ảnh hưởng xã hội… còn người kia thì ngược lại. Có thể đó là một cuộc hôn nhân bắt đầu với những tính toán bất đối xứng, vụ lợi, hay chỉ để hợp thức hóa một thỏa thuận ngầm nào đó không phải là tình yêu. Dù thế nào chăng nữa, ngay khi trở thành vợ chồng, hôn nhân góp phần tạo nên gia đình, và gia đình là sự nghiệp của nhiều hơn một người.
Cô bạn cũ của em chưa lựa chọn hôn nhân, cô ấy chọn sự nghiệp, cũng có thể gọi là chọn phụng sự xã hội. Câu hỏi của cô ấy về dự định tiếp theo của em, anh cũng nghĩ không có ẩn ý khiêu khích gì. Chỉ là chính em, với sự tự tin và cái tôi có vẻ lớn, đã trỗi dậy khao khát có một thành tựu cá nhân, một lối rẽ bất ngờ không mang danh gia đình thôi.
Anh không biết năng lực độc lập vốn có của em là gì, dù chắc chắn, em sẽ là người đã làm gì sẽ rất khó sơ sểnh hỏng việc. Đó cũng là một năng lực không nhiều người có. Bởi vậy, chỉ cần bắt tay vào, rất có thể em sẽ tiếp tục thu lại những kết quả nằm trong tính toán.
Nhưng hãy thử một lần đặt những thành viên khác của gia đình em, của cuộc hôn nhân êm đẹp mà em đang có, vào những suy nghĩ cá nhân em. Không phải chỉ trong đầu em đâu, hỏi họ xem, chia sẻ với họ, lắng nghe họ mà xem. Biết đâu em sẽ không cô đơn như bây giờ nữa, trong chính chiếc kén vàng mà em cho rằng chỉ một tay mình đã kết thành, rồi chính mình phải chui ra.
Đừng sợ, gia đình tồn tại và vững bền chính là bởi vì nó vốn luôn an toàn, ngay cả khi mỗi sáng chúng ta đều lao vào những rủi ro.