Có lẽ bắt đầu từ tứ thơ của nữ sĩ Silva Kaputikyan xứ Armenia, cặp đôi Phương Thảo – Ngọc Lễ cho ra bản hít một thời trên Làn sóng xanh với phần lời khẳng định: Con gái nói có là không. Con gái nói không là có... Nói chung những chuyện ăn không nói có, nói một là hai này nó như một cái mạng nhện, tơ bẫy lằng nhằng nhưng hiệu quả.
Nó dần quấn chặt một con ruồi bảnh bao biết thắt cravat. Bắt nó tự nguyện chết dính trong tấm lưới hôn nhân quay như chong chóng. Rồi từ đó cái thân xác bên trong bị tiêm độc, rồi bị hóa lỏng, rồi bị hút rỗng dần đi, còn bên ngoài vẫn còn nguyên cái vỏ. Rồi rồi rồi...
Là một anh bạn tôi nói thế thôi chứ không phải tôi nói, và tất nhiên nói ở quán bia hơi chiều qua chứ không phải ở nhà trước mặt bà xã, “con nhện mập đời anh”. Sau những câu chuyện thời sự về xăng cộ, về chiến tranh Nga – Ukraine, về các nhân vật tham nhũng “vào lò” thì câu chuyện của hội bia cỏ chúng tôi lại quay về đề tài muôn thuở, là thở than chuyện phụ nữ trong nhà.
Một anh vung tay bức xúc: “Hồi mới tìm hiểu đong đưa chứ đã có gì chính thức ngỏ lời hẳn hoi đâu. Thấy con gián chạy qua dưới gậm bàn. Cô ấy tái mặt run rẩy nhảy phắt lên ngồi gọn trong lòng mình. Là thằng lính mới từ mặt trận về, mình thương những gì yếu đuối.
Thế là xong! Ai biết đâu cưới nhau xong nom thấy gián là nó cầm dép đuổi theo đập bem bép không trượt phát nào. Không chỉ gián mà nhện, thạch sùng lẫn chuột bao tử còn đỏ hon hỏn cùng chung số phận. Con nào sống sót thì rủ nhau đi sạch.
Hôm đó nhậu về muộn, bấm chuông cửa mở. Nó bảo anh giỏi xéo luôn đi. Rượu đang phừng phừng. Thì ông xéo chứ sợ đếch. Nó đuổi theo không kịp, lăng chiếc dép đang xỏ ở chân đúng phát giữa lưng mặc dù tôi không phải gián. Nó khóc. Thì tôi đành quay lại. Tiên sư cái cái con gián gậm bàn chết tiệt!”.
Tranh minh họa: Tào Linh. |
Một anh khác trầm ngâm khúc triết: “Muốn hiểu tính cách phụ nữ cứ là phải khảo sát cái tủ lạnh chứ gián rết chuột bọ chẳng ăn thua gì đâu. Số phận và tâm hồn phụ nữ trú ngụ trong tủ lạnh.
Tủ lạnh gọn gàng ngăn nắp. Ngăn mát các hộp sữa chua nha đam cùng bia lon xếp hàng như lính Nga duyệt binh. Ngăn đông lạnh luôn có thực phẩm tươi vừa đủ mới mua thì đó là một người phụ nữ vén khéo chỉn chu, vượng phu ích tử. Họ là những nội trợ chuyên nghiệp.
Tổ hợp dinh dưỡng món ăn đã hình thành trong đầu từ trước khi bước chân ra chợ rồi. Mua cá chép nấu riêu thì phải có cà chua, dọc, hành, ớt, thìa là... Cá nheo cá ngạnh phải có măng chua, thêm chút ngổ, nghệ có phỏng. Ấy nhưng nhà tôi đi chợ về quăng con cá cái huỵch, thả miếng thịt thủ cái toẹt, hoàn toàn không có một thứ gia vị tươi nào mua kèm.
Sau đó cô ấy vội vàng đến hội nhà văn hay ngồi quán cà phê tìm cảm hứng sáng tác. Cuốn sách dạy nấu ăn của cô ấy sắp được tái bản nhưng tủ lạnh thì như cái thùng rác lưu cữu, chất ngất tú ụ những đồ mua sẵn cho cả tuần. Lắm khi dưới đáy ngăn lạnh ta có thể khai quật được cả một tảng thịt như thịt voi mamut đông cứng trong băng hà thế kỷ để quên từ năm ngoái.
Thế đấy! Đừng mong gì. Những người phụ nữ của công việc chính trị xã hội hay phụng sự nghệ thuật bao giờ cũng đầy cá tính. Gia vị cuộc đời của họ là thành công và sự tung hô chứ tôi thì quen không gia vị rồi. Cứ luộc cái mặt lợn đen lên chấm muối cũng ngon, mỗi miếng lại đưa ma một ngụm rượu”.
Anh thứ ba khẳng định hùng hồn: “Tủ lạnh cũng chẳng bằng Facebook. Các anh cứ kết bạn hoặc theo dõi bà xã trên Facebook thì biết vợ mình thế nào. Con tôi đẻ ra tôi biết, như con người ta thôi nhưng với bà ấy nó là thánh, là thần đồng giỏi hơn Trần Đăng Khoa. Thằng bé mới sinh ướt nhèo, rốn vẫn băng lòng thòng, mặt nhăn như con khỉ thì bả đã đưa vội nó lên phây: Ối dồi ôi cục vàng mười của mẹ. Con chào các bác đi nào!
Ba tháng thằng cu biết lẫy thì bà reo tưng bừng trên mạng: Ối dồi ôi mới nứt mắt mà đã thích nằm sấp y hệt bố mày. Bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi thì bà ấy vỗ tay reo: Tênh tênh tênh tênh... rức hết cả đầu. Rồi nó lớn lên đi học. Học thì dốt bỏ mẹ ra, nhưng bà ấy toàn khoe bảng điểm quan hệ vì mụ ấy cậy là trưởng ban phụ huynh nhà trường.
Bà ấy lại còn tập gym với ăn uống kiêng khem kiểu organic mới khổ tôi. Thỉnh thoảng đi đâu về tôi thấy mấy bà bạn trong nhóm bả trải đệm trong phòng khách, đầu cắm xuống đất chân chổng lên giời. Họ nhất loạt chào tôi trong tư thế ấy khiến tôi nghi ngờ chính mình, định vị sai cả tư thế bản thân. Chóng hết cả mặt. Tôi vội chui vào toilet, thấy các hũ kem dưỡng da, hũ dầu gội dưỡng tóc cũng xếp hàng chổng ngược trên bệ kính. Kinh quá! Tôi bị cao huyết áp các anh ạ”.
Họ càng uống nói càng hăng. Tôi sợ quá ngoảnh nhìn quanh quất. May ở quán bia toàn đàn ông. Vừa may có tin nhắn của bà xã tôi: “Có về không tôi đổ cơm cho con Lou”. Tôi vội đứng dậy xin phép về trước. Đằng sau lưng, dường như họ bắt đầu nói chuyện về tôi.