Trong Quyết định số 588/QĐ-TTg "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030" mới được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gần đây có đề cập đến việc khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi và phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi. Điều này đang thu hút sự quan tâm của dư luận, nhất là các bạn trẻ.
Theo TS Nguyễn Hữu Trung – phụ trách phòng khám Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cơ sở 2, việc khuyến khích này hoàn toàn có căn cứ khoa học. Kết hôn trước 30 tuổi, và sinh con thứ hai trươc 35 tuổi đem lại nhiều lợi ích về mặt sức khỏe cũng như tinh thần cho các cặp đôi, góp phần nâng cao chất lượng dân số và hạnh phúc mỗi gia đình.
Chất lượng trứng và khả năng thụ thai tốt nhất
Ở độ tuổi 20 – 24, phụ nữ có chất lượng trứng tốt nhất và dễ thụ thai nhất. Ngoài việc giảm chất lượng trứng sau tuổi 30, chức năng buồng trứng sẽ xuống cấp dần và dĩ nhiên, việc mang thai không diễn ra thuận lợi. Ở mốc 35 tuổi trở đi khả năng thụ thai bắt đầu giảm mạnh. Đến khi bước sang tuổi 45, rất ít phụ nữ có thể thụ thai một cách tự nhiên.
Có một thai kỳ khỏe mạnh và thai nhi ít mắc dị tật bẩm sinh
Thai kỳ khỏe mạnh hay không khỏe mạnh đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành sự phát triển của thai nhi. Ở độ tuổi 25 - 30, trứng và buồng trứng đều khỏe mạnh và cơ hội sinh ra những em bé khỏe mạnh cao hơn rất nhiều.
Ở độ tuổi 25 - 30, trứng và buồng trứng, sức khỏe của người mẹ cũng tốt hơn và khả năng trải qua một thai kỳ khỏe mạnh cao hơn. Nguồn: kenhphunu.com |
Bên cạnh đó, phụ nữ càng lớn tuổi sinh con càng đối diện nguy cơ cao gặp biến chứng trong thai kỳ như tiểu đường, cao huyết áp…; nguy cơ sảy thai.
Đặc biệt, nguy cơ con chậm phát triển về thần kinh vận động cũng tăng theo tuổi của mẹ, do mẹ càng lớn tuổi thì khả năng các nhiễm sắc thể ở trứng dính vào nhau càng cao, dẫn đến các bệnh liên quan đến rối loạn nhiễm sắc thể cho thai nhi như hội chứng Down, Edwards…
Theo một nghiên cứu, mẹ 25 tuổi có tỷ lệ sinh con bị bệnh Down chỉ là 1/1250; 30 tuổi là 1/952, trên 35 tuổi là 1/378, trên 45 tuổi là 1/30.
Và dĩ nhiên, nếu bạn mang thai dưới 30 tuổi bạn sẽ có một thai kỳ khỏe mạnh hơn so với độ tuổi ngoài 30.
Khả năng sinh thường tốt hơn
Ở độ tuổi 25 - 30, phụ nữ có sức khỏe, cổ tử cung đàn hồi tốt, khớp xương linh hoạt và dễ dàng sinh thuận tự nhiên hơn. Đồng thời, đứa trẻ được sinh theo đường âm đạo cũng sẽ có sức đề kháng tốt hơn so với trẻ sinh mổ.
Khả năng phục hồi sau sinh tốt
Lợi thế hơn ở tuổi 25 là phụ nữ sẽ phục hồi sau sinh tốt. Do họ còn trẻ, có sức khỏe nên khả năng phục hồi tốt hơn độ tuổi từ 30 trở đi. Trong khi đó, phụ nữ lớn tuổi đòi hỏi quá trình chăm sóc phải kỹ lưỡng và thời gian để phục hồi cũng chậm hơn.
phụ nữ 25 – 34 tuổi thuận lợi hơn do khả năng ổn định hơn về tâm lý, tài chính, có thời gian trau dồi những kiến thức để chăm sóc trẻ tốt hơn. Nguồn: baosuckhoecongdong.vn |
Có sự ổn định hơn về tâm lý, tài chính, do đó việc chăm sóc trẻ được tốt hơn.
Ở khía cạnh chăm sóc con cái sau sinh thì phụ nữ 25 – 34 tuổi thuận lợi hơn do khả năng ổn định hơn về tâm lý, tài chính, có thời gian trau dồi những kiến thức về chăm sóc trẻ... chuẩn bị tốt nhất trước khi đảm nhiệm thiên chức mới, và chào đón đứa trẻ ra đời.
Nếu bạn sinh con quá muộn, bạn sẽ vội vàng trong việc lên kế hoạch sinh thêm con. Tuy nhiên, việc sinh con sớm sẽ giúp bạn thong thả khi muốn có đứa thứ 2. Nhờ vậy, bạn sẽ có nhiều thời gian để chăm sóc đứa đầu hơn.
Khi có ý định kết hôn và sinh con, các cặp đôi nên đi khám sức khỏe trước hôn nhân. Việc làm này rất quan trọng, giúp những bạn trẻ chuẩn bị kết hôn có thể bước vào đời sống vợ chồng một cách tự tin với lối sống tình dục an toàn, sẵn sàng chào đón một em bé khỏe mạnh, đồng thời giúp phát hiện và điều trị sớm (nếu có thể) một số bệnh tật có thể ảnh hưởng đến vấn đề tình dục, mang thai, sinh đẻ về sau.