Ngày 14/10, Bộ Tư pháp Hàn Quốc đối mặt nhiều chỉ trích vì nội dung phân biệt chủng tộc được đưa vào tài liệu giáo dục cho chương trình hướng dẫn kết hôn quốc tế.
Được xuất bản vào năm 2019, cuốn sách hướng dẫn có tiêu đề "Tìm hiểu tập tục xã hội và văn hóa hôn nhân của nước ngoài" nhằm giải thích các đặc điểm cụ thể của những người ngoại quốc đến xứ củ sâm thông qua kết hôn với công dân nước này.
Một đám cưới chồng Hàn vợ Việt ở Seoul. Ảnh: Internet. |
Tài liệu này được sử dụng trong một khóa học bắt buộc kéo dài 4 giờ do Văn phòng Nhập cư cung cấp cho công dân Hàn Quốc đang có kế hoạch kết hôn với những người đến từ danh sách các quốc gia được chỉ định (Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Campuchia, Mông Cổ, Uzbekistan và Thái Lan).
Cuốn sách hướng dẫn được cho sẽ cung cấp sự "cân bằng" trong quan điểm về văn hóa của vợ/chồng đối với sự thành công của cuộc hôn nhân. Tuy nhiên, cuốn sách bị phát hiện chứa nhiều nội dung mang tính phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử, theo Zing.
Ngày 13/10, nhà lập pháp Kim Jin-ae của đảng Dân chủ Đồng hành đã lên án Bộ Tư pháp vì sự thiếu nhạy cảm về văn hóa khi phát hành sách này.
"Thật không thể tin cuốn sách được xuất bản vào năm 2019 lại có nội dung nhạy cảm như vậy. Việc giáo dục mọi người về văn hóa của vợ/chồng họ chỉ qua một hoặc hai câu là phân biệt đối xử", ông Kim nói.
Cuốn sách hướng dẫn mô tả người Việt Nam không dễ thừa nhận hành động sai trái và có xu hướng bao biện cho lỗi lầm của mình hơn là xin lỗi.
“Việc xúc phạm những người Philippines có lòng tự trọng cao có thể dẫn đến bạo lực không mong muốn. Bạn nên hạn chế bình luận về màu da hoặc mái tóc xoăn của họ vì họ luôn mặc cảm về ngoại hình của mình. Người Trung Quốc có xu hướng coi các nhóm dân tộc láng giềng khác là những kẻ man rợ, thô lỗ”, cuốn sách ghi.
Những người sinh ra ở nước ngoài dự kiến sẽ chiếm 10% dân số Hàn Quốc vào năm 2030. Ảnh: Reuters. |
Cũng theo nội dung cuốn sách, người Thái Lan thường thiếu sâu sắc, tập trung vào hoàn thành công việc một cách nhanh chóng mà không quan tâm đến chất lượng. Người Campuchia nhút nhát và ít nói, nhưng thay đổi thái độ hoàn toàn khi bị xúc phạm, dẫn đến bạo lực trong một số trường hợp.
"Thật kinh khủng khi tưởng tượng một nhóm người sắp kết hôn ngồi trong lớp học và nghe những điều vô lý này”, một người đàn ông quốc tịch Uzbekistan trong độ tuổi 20 có vợ là người Hàn Quốc nhận xét.
"Tôi cảm thấy bị xúc phạm khi một cuốn sách hướng dẫn chính thức của chính phủ lại mô tả đất nước tôi một cách khủng khiếp như vậy", một phụ nữ Campuchia khoảng 30 tuổi sống ở tỉnh Gyeonggi nói với Korea Times.
Những người Hàn Quốc kết hôn với người nước ngoài từ một trong 7 quốc gia kể trên phải tham gia khóa học này như một điều kiện tiên quyết để xin thị thực kết hôn cho vợ/chồng của họ.
Những người đã sống chung với vợ/chồng tương lai lâu hơn 6 tháng hoặc người nước ngoài sống ở Hàn Quốc trên 91 ngày sẽ được miễn khóa học này.
Sau khi bị chỉ trích, Bộ Tư pháp Hàn Quốc thông báo sẽ không sử dụng cuốn sách hướng dẫn này nữa.
“Chúng tôi rất lấy làm tiếc vì đã đưa vào cuốn sách những nội dung tiêu cực có thể dẫn đến định kiến về một số quốc gia nhất định. Chúng tôi sẽ sửa lại hoàn toàn cuốn sách dựa trên ý kiến của các chuyên gia nhân quyền”, thông cáo báo chí cho biết.
Nghi phạm vụ bạo hành tại Yeongam say xỉn và đánh đập vợ mình trước mặt đứa con trai 2 tuổi. Ảnh: Korea Times. |
Những năm gần đây có làn sóng phụ nữ ngoại quốc nhập cư vào các vùng nông thôn Hàn Quốc, nơi mà “hôn nhân đa văn hóa” chiếm tới 18,4% tổng số cuộc hôn nhân - trong số này, cô dâu Việt chiếm tới 3/4.
Trong số 6.000 cô dâu Việt sang Hàn mỗi năm, nhiều người bị kỳ thị, xa lánh, hoặc tệ hơn là bị đánh đập, bạo hành.
Những vụ việc nổi cộm gần đây khiến công chúng cả ở Hàn Quốc và Việt Nam giận dữ về nạn bạo hành cô dâu Việt, cũng như về việc các chính quyền ở Hàn trợ cấp cho đàn ông nước này tìm vợ Việt.
Những người chỉ trích nói việc môi giới chồng Hàn - vợ Việt chẳng khác nào “mua vợ”, còn người ủng hộ thì nói đó đơn thuần là việc mai mối.
Theo một cuộc khảo sát của Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc với 920 phụ nữ định cư theo diện kết hôn, 42,1% cho biết họ từng bị bạo hành và 68% chịu đựng các trải nghiệm không mong muốn về tình dục.
Để giảm thiểu tình trạng này, cuối năm 2019, chính phủ nước này thành lập đường dây nóng giao tiếp đa ngôn ngữ để hỗ trợ các cô dâu/chú rể ngoại quốc.
Bên cạnh đó, các lớp, khóa học giáo dục cho những người định cư theo diện kết hôn và các gia đình đa sắc tộc được tăng cường để giúp họ nhanh chóng ổn định cuộc sống.
(Tổng hợp)