• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Học sinh lớp 1 viết 10 chữ vào vở, ai nấy đọc mà "đổ mồ hôi": Không dám tưởng tượng "hậu quả" khi mẹ nhìn thấy

"Ước mơ" của cậu bé này cho thấy con vẫn còn "non và xanh" lắm.

"Ước gì bố lấy mẹ khác, mẹ này ghê lắm" - đây là dòng chữ của một học sinh lớp 1 "viral" những ngày gần đây trên mạng xã hội. Những câu từ còn sai chính tả, nhiều lần bôi xóa. Nhiều người dự đoán, đây có lẽ là "kết quả" sau khi mẹ đi họp phụ huynh học kỳ 1 về, hoặc sau khi được mẹ kèm học, không được mua đồ chơi... Nhưng dù là lý do gì thì qua đó có thể thấy, tâm trạng của em học sinh này đang khá ức chế và có suy nghĩ không tốt lắm về mẹ mình.

Học sinh lớp 1 viết 10 chữ vào vở, ai nấy đọc mà

"Khổ chủ" thì có vẻ khó chịu nhưng dân tình thì vô cùng thích thú. Bằng chứng là bức ảnh thu hút hơn 15 ngản lượt thích cùng hàng ngàn bình luận. Nhiều người hài hước chia sẻ đây chính là suy nghĩ của họ lúc nhỏ mỗi khi bị mẹ đánh đòn. Thì ra, ai cũng có lúc cảm thấy bố mẹ mình thật không giống... bố mẹ, và mình là nạn nhân không được gia đình yêu thương.

Không ít cư dân mạng thấy "đổ mồ hôi" thay cho em học sinh, họ để lại bình luận: "Đốt luôn tờ giấy này đi con . Đừng để mẹ thấy mẹ buồn"; "Mẹ nào cũng ghê như vậy thôi con, có mẹ mới đời con càng bi kịch hơn nữa"; "Đúng là còn non và xanh, ha ha, có mẹ nào bằng mẹ mình hả con?"; "Con gái em: Mẹ ơi bảo bố lấy thêm mẹ nữa đi. Để đẻ thêm em cho con chơi, con thích có 2 mẹ. Đứng hình mất 5 giây"...

Chuyện trẻ con "cơm không lành canh không ngọt" với bố mẹ không phải chuyện hiếm, bởi cách nhìn nhận sự việc của trẻ khác với người lớn chúng ta. Có vài vấn đề dưới góc độ cha mẹ là lo lắng cho con, nhưng với con là kiểm soát, ghê gớm. Trước đó, khi đi họp phụ huynh, một ông bố ở Hà Nội cũng chia sẻ một bức ảnh chụp gây chú ý. Trong hình ảnh được người này đính kèm, có thể thấy hai câu thơ nghe qua hài hước nhưng lại rất... chua chát: "Lúc ở nhà mẹ cũng là con quỷ/Khi đến trường mẹ cũng có khác gì".

Ứng xử ra sao khi con nói ghét mẹ?

Khi trẻ cảm thấy tức giận, chúng có thể nói những lời gây tổn thương như "con ghét mẹ". Đó là một câu nói ngắn gọn nhưng chứa bao cảm xúc tiêu cực, và đối với các mẹ, họ cảm thấy vô cùng hụt hẫng khi nghe thấy câu nói đó.

Nếu bạn không biết xử lý ra sao, có thể tham khảo cách ứng xử của bà mẹ ở Mỹ tên là Ariadne Brill này:

Một lần, lúc đang trong kì nghỉ hè, khi đi ngang qua một cửa hàng, cậu con trai bốn tuổi của cô xin mẹ mua một món đồ chơi và cô đã từ chối không mua. Ngay lập tức, nó hét lên "Con ghét mẹ". Câu nói dữ dội đó đã thổi bay thần trí của cô. Ariadne chưa bao giờ nghe chính miệng con mình nói ra câu này, cô hoàn toàn sửng sốt.

Tuy nhiên, khi định phản ứng, cô bỗng nhớ mình đã từng đọc đâu đó rằng: Khi con cái ghét ba mẹ, hãy dùng tấm lòng bao dung của bậc làm cha làm mẹ để tha thứ lỗi lầm của con, giận dữ đáp trả lại cũng không cứu vớt tình hình được, không thể dạy được cho trẻ cách điều chỉnh những cảm xúc tiêu cực.

Sau khi cố kìm chế bản thân bằng cách thở thật sâu, Ariadne cho biết mình đã nói với con rằng: "Chắc bây giờ con thấy khó chịu lắm phải không".

Nước mắt bắt đầu chảy từ đôi mắt con và một giọng run run vang lên: "Con thực sự rất buồn khi Jorgy chết (Jorgy là chú chó của gia đình vừa mới qua đời), bây giờ mẹ cũng không cho mua đồ chơi mà con thích", càng nói nước mắt càng theo đó tuôn ra. Những giọt nước mắt đó, tôi tin rằng là do nỗi mất mát và đau buồn...".

Một lúc sau, đợi cho con bình tâm lại, cô nhẹ nhàng nói tiếp: "Ngày hôm nay thật buồn con nhỉ?", "Vâng ạ", cậu bé thở dài đáp, nghe rõ sự tổn thương. Ariadne nhẹ nhàng ôm con vào lòng và rời cửa hàng. Trên đường về, cô và con trai kể về những kỷ niệm của cả gia đình cùng chú chó, cả Ariadne và con đều khóc. Một vài giờ sau, con nói rằng con không ghét cô mà chỉ là vì ghét chuyện Jorgy đã ra đi.

Từ câu chuyện thực tế của mình, bà mẹ người Mỹ khuyên các bậc phụ huynh đừng nóng giận mà hãy tìm hiểu kỹ nguồn cơn sự việc để giải quyết. Ban đầu, hãy thử một câu nói nhẹ nhàng và thấu hiểu như: "Con buồn lắm phải không?" hay "Có phải con không muốn nghe những lời mẹ vừa nói?". Tiếp theo xem xét lại chuyện gì đã và đang xảy ra. Đợi cho cơn nóng giận qua đi hãy tiếp tục nói: "Khi con sẵn sàng chia sẻ với mẹ, mẹ sẽ lắng nghe" hoặc "Mẹ sẽ chờ con bình tĩnh hơn".

Khi sự trưởng thành của trẻ bước vào những thời kỳ khác nhau, cha mẹ cần phải có những hướng dẫn khác nhau, nếu không trẻ có thể đi sai đường. Chẳng hạn, "thời kỳ chống đối hay "ghét" bố mẹ" là thời kỳ rất đặc biệt, nếu cha mẹ dạy dỗ sai cách thì có thể sẽ dẫn tới những đứa con bất hiếu.

Chúng ta cần phải sử dụng các phương pháp hữu hiệu để giúp trẻ đi đúng hướng càng sớm càng tốt. Nhất là khi con chuẩn bị bước vào tuổi dậy thì, cha mẹ cần học hỏi kiến thức để có thể cho con biết tâm sinh lý con sẽ thay đổi thế nào, những nguy cơ con có thể mắc phải. Điều quan trọng hơn là, cha mẹ cần quản lý tốt cảm xúc của chính mình.

Hiểu Đan

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật