• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Làm gì khi bị ngộ độc thực phẩm?

Vào mùa hè, nguy cơ ngộ độc thực phẩm tăng gấp nhiều lần do thời tiết khô hanh, nóng...

Ngộ độc thực phẩm là gì?

Ngộ độc thực phẩm là hội chứng cấp tính xảy ra do ăn, uống thức ăn có chất độc, biểu hiện bằng những triệu chứng. Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm rất đa dạng, nhưng chủ yếu là những triệu chứng của đường tiêu hoá sớm nhất sau ăn là đau bụng, buồn nôn, nôn, đi ngoài phân lỏng.

Tuy nhiên cũng có nhiều bệnh nhân lại không có biểu hiện về tiêu hoá (không nôn, không đi ngoài..), song lại thể hiện ở mức độ nặng hơn như: loạn nhịp tim, co giật, liệt cơ khi nguyên nhân không phải là nhiễm khuẩn mà là nhiễm các độc tố như khi ăn thịt cóc, cá nóc độc, nấm độc…

Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, trong quý I năm 2021, toàn quốc ghi nhận 20 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 531 người mắc và 3 trường hợp tử vong. Số vụ và số người mắc đều tăng so với cùng kỳ năm trước.

Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm bằng cách nào?

Số liệu thống kê các vụ ngộ độc thực phẩm những năm gần đây cho thấy, hầu hết nguyên nhân gây ngộ độc là do ăn phải thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh: Salmonella, Campylobacter, E.coli... 

Để tránh các loại vi khuẩn này lại xâm nhập vào nguồn thực phẩm, khi chế biến thức ăn chúng ta cần phải thực hiện những điều sau:

1. Lựa chọn và mua thực phẩm tại các cơ sở tin cậy, ổn định, có cửa hàng cố định, có giấy xác nhận, chứng nhận về ATTP do cơ quan thẩm quyền cấp. Nên chọn cá, tôm, gà, vịt... còn sống; với thực phẩm đã giết mổ, chế biến sẵn thì nên mua ở những nơi bán có uy tín, có bảo hành chất lượng cho các sản phẩm bán ra. Tuyệt đối không dùng thực phẩm quá hạn sử dụng, có mùi vị lạ bất thường hoặc bị ôi thiu, nấm mốc... 

Thời tiết nóng bức, thực phẩm rất dễ bị hỏng, vì vậy nên chọn các loại thực phẩm tươi và sử dụng trong ngày.

2. Nấu chín kỹ thức ăn trước khi ăn; thịt phải chuyển sang màu nâu đỏ hoàn toàn, tuyệt đối không ăn thịt còn màu đỏ hồng.

3. Ăn chín uống sôi. Hạn chế ăn đồ sống hoặc tái. Không ăn thức ăn ôi thiu, đã hết hạn sử dụng.

4. Bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín. Không nên dùng lại đồ ăn thừa, nhất là khi chúng không được bảo quản vệ sinh. Để tránh lãng phí, hãy mua và nấu vừa đủ số lượng thức ăn cho mỗi bữa ăn của gia đình.

5. Các thực phẩm để dành, không để quá 2 giờ và phải hâm kỹ trước khi ăn. 

6. Không để chung thực phẩm sống và chín. Bảo quản thịt, cá chưa chế biến trong bao kín và để trong ngăn lạnh không quá 5°C, chú ý các loại thực phẩm dễ bị ôi thiu.

7. Luôn luôn rửa sạch tay thật kỹ trước khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi vuốt ve, chạm vào động vật nuôi.

8. Giữ bề mặt thực phẩm; nơi và dụng cụ chế biến luôn khô ráo, sạch sẽ.

9. Sử dụng các thiết bị, biện pháp phòng chống côn trùng và động vật gây hại để bảo vệ thực phẩm. Khi ăn khoai mì phải lột vỏ, ngâm trong nước lạnh nhiều giờ trước khi luộc, trong lúc luộc nên mở nắp nồi để loại bỏ độc tố có trong củ mì. Không nên ăn những củ khoai tây đã mọc mầm, củ có vỏ chuyển sang màu xanh, củ đã đào khỏi mặt đất quá lâu để tránh ngộ độc solanin.

10. Sử dụng nguồn nước đạt quy chuẩn kỹ thuật để chế biến thức ăn.      

11. Mùa nắng nóng thường sử dụng đá để làm mát đồ uống, cho nên cần lưu ý sử dụng nguồn nước sạch và đun sôi nước trước khi làm đá. Không nên uống nước lã. Không uống nước đun sôi để nguội qua đêm hoặc để quá lâu.

Nhận biết triệu chứng ngộ độc thực phẩm

Triệu chứng cụ thể của ngộ độc thực phẩm tuỳ thuộc vào từng nguyên nhân gây nên:

Nếu nguyên nhân do vi khuẩn, virus hoặc độc tố vi khuẩn tiết ra: Người bệnh thường chỉ biểu hiện như đau bụng, nôn, tiêu chảy, có thể kèm theo khát nước, khô môi, sốt, vã mồ hôi...

Nếu nguyên nhân do thực phẩm nhiễm hóa chất: Bệnh nhân có biểu hiện phức tạp, không chỉ ở đường tiêu hoá mà cả ở các cơ quan khác, ví dụ như đau đầu, chóng mặt, nhịp tim nhanh, trụy mạch.

Nếu nguyên nhân do chính các loại thực phẩm này vốn đã có độc tố: Bệnh xuất hiện ngay sau khi ăn các loại thực phẩm nhất định mà trong tự nhiên được biết là có thể có chứa độc tố như sắn (khoai mì), măng, cá nóc, cóc,...

Thông thường, ngộ độc thực phẩm triệu chứng cấp tính sẽ xuất hiện chỉ sau vài phút, vài giờ hoặc trong vòng 1 - 2 ngày sau khi nhiễm độc từ thức ăn. Ngộ độc thực phẩm dạng nặng có thể dẫn đến tử vong, nhẹ cũng gây mệt mỏi, suy kiệt cả về thể chất và tinh thần cho người mắc bệnh.

Cách sơ cứu khi bị ngộ độc thực phẩm

Cần bình tĩnh thực hiện tuần tự các bước sơ cứu sau đây:

Gây nôn (nếu bệnh nhân không có biểu hiện nôn): Để hạn chế độc tố từ thức ăn ngấm vào cơ thể. Trong lúc tiến hành gây nôn, cần đặt người bệnh nằm nghiêng, phần đầu kê hơi cao để chất thải khi nôn ra không bị trào ngược vào phổi, không kích thích quá mức gây sặc cho người bệnh. Với trường hợp đã hôn mê thì không nên thực hiện kích thích gây nôn vì sẽ dễ gây sặc, ngạt thở.

Cho người bệnh uống thật nhiều nước và được nghỉ ngơi: Sau khi bệnh nhân nôn và đi ngoài liên tục thì cơ thể sẽ bị mất nhiều nước. Chính vì vậy, đó là lúc cần tiến hành bù nước cho người bệnh.

Có thể sử dụng nước lọc, dung dịch oresol hoặc uống nước gạo rang để bù lượng nước mất đi.

Đưa bệnh nhân đến ngay tại cơ sở y tế gần nhất để được nhân viên y tế trợ giúp và theo dõi.

(Tổng hợp)

AN LY

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật