Mua muối
Người xưa đã truyền lại câu tục ngữ “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Người ta thường nói những kinh nghiệm sống của ông bà xa xưa luôn đúng, vì vậy, cho đến hiện nay, tục mua muối ngày đầu năm vẫn được lưu giữ.
Muối trong văn hóa phương Đông là vật có thể trừ tà, trấn áp các luồng khí xấu để chúng không xâm nhập vào ngôi nhà… Ngoài ra, việc mua muối vào ngày đầu năm còn tượng trưng cho hành động rước phước lành, may mắn về.
Đặc biệt hơn, muối với vị mặn mà, đậm đà đặc trưng còn ý chỉ cho mối tình cảm khắn khít, keo sơn và đồng điệu giữa các thành viên trong gia đình với nhau.
Mặc đồ màu đỏ
Bằng cách kiêng mặc đồ trắng và đen trong ngày đầu năm, người Việt thường chọn trang phục màu đỏ, cam, hồng hay vàng cho 3 ngày Tết. Trong đó, đồ màu đỏ được xem là phương án tuyệt vời nhất vì sắc màu này chính là đại diện của hạnh phúc, đủ đầy, sung túc và may mắn.
Chính vì vậy mà các món quà, giỏ quà hay câu đối ngày Tết đều được làm từ màu đỏ để mang đến may mắn.
Không chỉ riêng gì tại nước ta, hầu hết các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… đều ưu tiên trang phục màu đỏ trong dịp Tết cổ truyền.
Vì vậy, hãy sắm ngay cho bản thân những bộ trang phục màu đỏ nổi bật và bắt mắt để diện trong năm mới, cầu mong cho một năm tiếp theo đầy may mắn, thành công trong mọi mặt.
Đi lễ chùa cầu may mắn, sức khỏe
Vào 3 ngày Tết, việc nên làm nhất chính là đến chùa để cầu may mắn, sức khỏe cho bản thân lẫn gia đình.
Theo quan niệm của người Việt, nhất là những ai theo Phật giáo, ngày đầu năm đi lễ chùa có thể giải trừ mọi xui rủi, thanh lọc được tâm hồn để chuẩn bị cho một năm mới hạnh phúc, vui vẻ hơn.
Khi đi chùa vào những ngày đầu năm, nên chọn trang phục thật kín đáo và phù hợp, tránh làm mất tôn nghiêm ở chốn linh thiêng.
Chúc Tết ông bà, người lớn
Những ngày đầu năm mới, người Việt khi gặp nhau sẽ thường chúc Tết, mừng tuổi bằng phong bao lì xì cho nhau nhằm chúc phúc giúp đối phương thêm niềm vui, may mắn, tài lộc.
Những câu chúc Tết, những phong bao lì xì chắc chắn sẽ giúp người nhân thêm phần lạc quan, hứng khởi hơn sau một năm làm việc mệt mỏi, căng thẳng.
Phong tục chúc Tết, mừng tuổi ông bà được thực hiện vào mùng 1 Tết, vào ngày này, con cháu trong gia đình sẽ đến nhà ông bà để thay nhau trao những gói lì xì, mừng tuổi cho những bậc trưởng lão.
Hái lộc
Song song với việc đi Lễ chùa cầu may mắn và sức khỏe, mọi người sẽ hái lộc được chuẩn bị sẵn tại đây. Trong mỗi túi lộc, người nhận sẽ được “lì xì” năm mới đặc biệt hơn với muối, gạo, tiền, câu chúc…
Những vật này tượng trưng cho viên mãn, đủ đầy, tiền tài và cả sức khỏe.
Đi tảo mộ
Vào 3 ngày Tết đầu năm, người Việt luôn hướng đến ông bà tổ tiên của mình. Ngoài việc mời ông bà đã khuất về nhà đón Tết trong ngày tất niên, các gia đình còn sắp xếp đến thăm mộ của họ vào 3 ngày đầu năm.
Việc tưởng nhớ đến công sinh thành, dưỡng dục của ông bà đã khuất vô cùng ý nghĩa và nên lưu giữ về sau.
Ăn gì vào ngày đầu năm để luôn may mắn?
Ăn hoa quả hình tròn: Vào dịp đầu năm mới, người Việt thường ưu tiên những món ăn, loại quả có hình dáng thật hoàn mỹ, tròn trịa tượng trưng cho sự thành công, suôn sẻ, thuận bườm xuôi gió. Vì vậy, các loại quả có hình tròn là những món nên ăn vào những ngày Tết.
Ăn rau xanh: Ông bà tà từ xưa đã quan niệm rằng trong nhà càng có nhiều cây cỏ, rau quả thì cuộc sống càng sung túc, tươi mới, sức khỏe mới cường tráng. Vì vậy mà trong 3 ngày Tết, rau xanh là thực phẩm rất tốt về mặt khoa học lẫn phong thủy, quan niệm trong dân gian.
Ăn xôi gấc: Ngày Tết tránh màu trắng và đen, khuyến khích sử dụng màu đỏ. Do đó, xôi gấc là món ăn chẳng thể nào thiếu trong mâm cỗ cúng ngày Tết của các gia đình Việt. Màu đỏ tượng trưng cho may mắn, tài lộc và thành công vượt trội.
Theo phong tục của người Việt từ xưa đến nay tuân thủ theo các việc nên làm và kiêng kị trong 3 ngày Tết sẽ mang đến những điều tốt đẹp, tươi mới và một năm mới tấn tới, thành công cho gia đình. Vì vậy, các phong tục trên đây được xem là nét văn hóa cổ truyền của ngày Tết Nguyên Đán rất đáng để gìn giữ.