Cuộc sống hôn nhân chẳng bao giờ thiếu những câu chuyện nhỏ nhặt thường ngày, củi gạo dầu muối, những chuyện "lông gà, vỏ tỏi". Người ta cứ nghĩ đó là những chuyện tầm phào, nhỏ nhặt không cần để tâm và cũng không thể nào ảnh hưởng đến hạnh phúc của một gia đình.
Tuy nhiên, những chuyện "lông gà, vỏ tỏi" ấy tích tụ lâu ngày, dần dần giết chết đi niềm tin và sự hòa hợp của đôi bên. Đến khi tích tụ đủ rồi thì chỉ cần một cơn gió thoảng cũng đủ làm "giọt nước tràn ly". Chẳng hạn như câu chuyện của Trang và Thắng dưới đây, vì những yêu cầu có phần khắt khe của Thắng mà Trang nhất quyết đòi ly hôn.
Ảnh minh họa. |
Trang và Thắng kết hôn đã nhiều năm, không còn ở độ tuổi của vợ chồng son, đã qua rất lâu cái thời nhún nhường người kia vô điều kiện. Đã vài chục năm bên nhau, những tưởng cuộc hôn nhân của hai người êm đềm, con đầu cũng đã học xong đại học, chuẩn bị kết hôn. Hai người cũng chuẩn bị lên chức ông bà tới nơi.
Tuy nhiên, trước ngày con trai lấy vợ một tháng, Trang đưa cho Thắng đơn ly hôn trong sự ngạc nhiên của chồng. Thắng cảm thấy điều này như một trò đùa: "Em ấu trĩ đến mức mang chuyện này ra làm trò đùa đấy à?". Câu hỏi của Thắng càng làm Trang cảm thấy việc ly hôn là đúng, cô không đủ bao dung và kiên nhẫn để chịu đựng một cuộc sống mà cảm xúc của mình không được tôn trọng nữa.
10 năm trở lại đây, cuộc hôn nhân của hai người xảy ra nhiều bất đồng quan điểm về những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống. Ví dụ, Thắng là người yêu thích sạch sẽ đến mức anh yêu cầu khi Trang rửa bát phải chia thành các kích cỡ khác nhau, không được rửa lộn xộn cùng lúc. Thắng cho rằng, bát to bát nhỏ rửa cùng nhau sẽ không hiệu quả và phải sắp xếp gọn gàng.
Hoặc như mỗi lần tắm xong, Thắng yêu cầu nhà vệ sinh không được có vết nước. Dù cô sẽ nói sau đó dọn dẹp nhưng Thắng vẫn cảm thấy không ổn. Thử hỏi, vừa tắm xong thì nhà tắm khô kiểu gì?
Ảnh minh họa. |
Chính vì những áp lực cuộc sống như vậy mà Trang không thể chịu đựng nổi nữa. Cô gắng gượng đến khi con trai tốt nghiệp đại học và lập gia đình, sau đó muốn "giải thoát" khỏi cuộc hôn nhân ngột ngạt này.
Trên thực tế, có rất nhiều quan điểm nhầm lẫn về sự hòa hợp trong hôn nhân. Có người từng nói tại sao không tìm hiểu kỹ trước khi lấy nhau để khi về sống chung lại nói không hợp? Chính quan điểm này đã khiến không biết bao người phụ nữ rơi vào bất hạnh mà không dám bước ra khỏi vũng lầy đó.
Con người chúng ta sẽ luôn thay đổi vì nhận thức, kinh nghiệm mỗi ngày sẽ khác. Dù có tìm hiểu kỹ một người như thế nào cũng không thể hiểu hết được con người họ. Chỉ khi sống chung với nhau, cùng nhau trải qua nhiều chuyện, khi đó cách ứng xử, cách nghĩ của mỗi bên bộc lộ ra mới thấy được mức độ hòa hợp thực chất.
Đương nhiên, chẳng có cặp đôi nào hòa hợp nhau 100% nhưng vì họ có thể bao dung, nhường nhịn và thấu hiểu, vì nhau mà thay đổi và cùng hướng đến mục tiêu chung. Nhưng nếu không tìm được tiếng nói chung, cảm xúc không được coi trọng thì sự bao dung đến cuối cùng cũng sẽ cạn kiệt. Mỗi người đều có giới hạn của riêng mình, nếu không có sự thấu hiểu, hòa hợp nuôi dưỡng thì tình yêu nhiều đến mấy cũng không vượt qua được sự khác biệt trong cuộc sống thường ngày.