Có lẽ đa số chúng ta đã vô cùng quen thuộc với chiếc bánh chưng được gói từ gạo nếp, đậu xanh, thịt mỡ, lá dong bên ngoài. Ngày nay, không chỉ dừng lại ở đó, bánh chưng được sáng tạo với nhiều cách làm độc đáo và mới mẻ. Cùng tìm hiểu những kiểu bánh chưng độc đáo này nhé!
Bánh chưng cốm
Bánh chưng cốm có màu sắc xanh sáng và tươi hơn bánh truyền thống. |
Bánh chưng cốm có mùi vị lạ miệng, đó là sự kết hợp của vị cốm thơm đặc trưng, cái ngọt của nhân đậu xanh và thơm ngậy của thịt mỡ. So với bánh thường, bánh chưng cốm mang màu xanh sáng và tươi hơn. Bánh chưng cốm khác bánh thường ở chỗ nguyên liệu có thêm cốm khô, được trộn cùng gạo nếp ngâm với lá thơm. Nhân đậu xanh nấu giống chè kho, có vị ngọt bùi.
Bánh chưng nếp cẩm
Màu sắc tím đen của bánh chưng nếp cẩm tương đối lạ với nhiều người. |
Khác với màu xanh, bánh chưng nếp cẩm có màu tím lạ mắt. Nguyên liệu để làm bánh chưng nếp cẩm là gạo nếp cẩm, đậu xanh, thịt lợn, gia vị và lá dong. Cách gói bánh và nấu tương tự như bánh chưng xanh truyền thống.
Khi cắt bánh, nhân đậu xanh cùng thịt mỡ nổi bật trên nền tím, làm cho món bánh thêm hấp dẫn. Đây là hương vị mới cho ngày Tết cổ truyền mà bạn có thể thử trong dịp Tết này.
Bánh chưng gấc
Bánh chưng gấc mang màu đỏ mang đến sự đầm ấm, thịnh vượng. |
Phổ biến sau những bánh chưng truyền thống hay bánh tét là bánh chưng gấc. Được cho là có xuất xứ từ làng Tranh Khúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội, bánh chưng gấc xuất hiện khoảng vài năm gần đây.
Với màu đỏ đẹp mắt chính là điểm độc đáo của chiếc bánh chưng gấc. Giống như bánh chưng xanh truyền thống, bánh chưng gấc cũng được làm từ gạo nếp cái hoa vàng, đậu xanh và thịt lợn, gói bằng lá dong. Tuy nhiên, điều khác biệt làm cho bánh có màu đỏ là gạo nếp được trộn với ruột gấc trước khi gói.
Bánh chưng gấc mang màu đỏ au, khi ăn có vị ngọt, ngậy từ gấc kết hợp với nhân đậu xanh mềm dẻo và vị thơm béo của thịt. Đây là món ăn được yêu thích trong ngày Tết của nhiều gia đình.
Bánh chưng ngũ sắc
Với bánh chưng ngũ sắc, mâm cơm ngày Tết trở nên độc đáo và ý nghĩa hơn. |
Sở dĩ được gọi là bánh chưng ngũ sắc bởi 5 màu dễ thấy sau khi bóc bánh. Đó là màu đỏ của gấc, màu xanh của lá riềng xay, màu vàng từ nghệ tươi và màu tím từ nếp cẩm. 5 màu sắc này tượng trưng cho ngũ hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ.
Không chỉ có hình thức đẹp, chiếc bánh chưng ngũ sắc còn có 5 mùi vị khác nhau, khi ăn không bị ngấy hay nhàm chán.