“Hồng Nhung ơi, dậy ăn sáng”
8h sáng cuối tuần, mình vẫn còn muốn ngủ nướng vì đêm qua thức khuya xem lại bộ phim Casablanca - chiếc đĩa phim mình được tặng cách đây hơn một thập kỷ. Nhưng tiếng anh hàng xóm sát vách gọi vợ, kèm mùi thức ăn thơm thơm tỏa ra từ căn bếp nhà anh khiến mình tỉnh giấc.
Mình chuyển về đây ở từ năm 2013. Ngõ nhà mình có tất cả 8 hộ gia đình. Hầu hết đều là người các tỉnh… lên Hà Nội lập nghiệp.
Trong 9 năm qua, có nhiều hộ vì nhiều lý do đã lần lượt bán nhà và đi ở nơi khác. Duy chỉ có nhà mình và hai nhà sát đó là chưa có ý định chuyển. Ba nhà sát nhau, và cũng hay trò chuyện, cộng thêm việc bọn trẻ sàn sàn tuổi nhau, chúng hay chơi với nhau nên ba gia đình thân thiết từ lúc nào không hay.
Hai gia đình ấy thật sự rất hạnh phúc, vậy bí quyết của họ nằm ở đâu?
Sau 9 năm ở đây, mình quan sát được rằng:
Anh chồng nhà sát vách – một nhân viên IT ngân hàng có thói quen sáng nào cũng dậy trước vợ, dắt xe của hai vợ chồng xuống ngõ, sau đó quay vào nhà nấu ăn, xong xuôi anh gọi lớn “Hồng Nhung ơi, xuống ăn sáng”. Nghe câu ấy hàng ngày, nghe cả 8 năm liền rồi, mà lần nào mình cũng thấy cưng xỉu.
Ảnh minh họa. |
Buổi sáng anh thường nấu nhiều món. Trong lúc đợi vợ, anh sắp xếp đồ ăn vào cặp lồng cơm của hai vợ chồng để lát nữa mang đi làm.
Chiều tối, nếu anh tan làm sớm hơn vợ, anh chủ động đón con, về nhà để chúng chơi với nhau, anh lại vào bếp nấu ăn và đợi vợ về. Cơm nước xong xuôi anh rửa bát, lau nhà. Đôi khi vợ anh về sớm hơn, cô ấy chỉ cần cắm nồi cơm, và đi tắm cho con. Còn việc nấu món gì, anh sẽ là người đảm nhận.
Thỉnh thoảng, đứng cửa trò chuyện cùng vợ anh, mình tấm tắc khen ngợi: “Em thật may mắn, có chồng chia sẻ việc nhà, chăm con cùng”.
Em chia sẻ với ánh mắt đong đầy niềm vui: “Anh ấy thích nấu ăn và nấu ăn ngon từ ngày còn sinh viên nên nấu cho em luôn từ đó đến giờ, với lại sau khi em sinh mổ hai đứa song sinh, sức khỏe cũng yếu hơn nên việc nhà anh làm tất”.
Nghe em tâm sự, mình lại thầm ngưỡng mộ với hạnh phúc mà em đang có. Quả tình, chỉ có người đàn ông tốt, tử tế thì mới bày tỏ sự biết ơn của mình với vợ. Bởi anh ấy hiểu rằng vợ anh đã phải hy sinh thanh xuân, sức khỏe, thời gian và sự tự do để làm vợ và là mẹ của các con mình.
Tất nhiên, như mọi cặp đôi khác, thỉnh thoảng họ có chút tranh luận, giận hờn. Nhưng lại nhanh chóng làm hòa và vui vẻ. Đi đâu họ cũng đi cùng nhau và luôn nắm tay nhau khi đi ngoài đường.
Có lẽ, “cái nắm tay” tưởng chừng rất đơn giản, nhưng lại là tiếng nói của tình cảm chân thành, là sự sẻ chia, yêu thương. Trong tình yêu, cái nắm tay mang lại nhiều cảm xúc nhất. Cái nắm tay của hai vợ chồng không chỉ là hơi ấm, sự thân mật, gần gũi mà ở đó còn có sự chở che, tin cậy… Họ nắm tay nhau để cảm nhận được sự “có nhau” trong cuộc đời.
Nhờ tình yêu và sự biết ơn của chồng, mà cô vợ lúc nào cũng rạng rỡ, xinh tươi đầy sức sống.
Còn gia đình hạnh phúc thứ hai là nhà có anh chồng làm kỹ sư điện. Anh này không lãng mạn, ga lăng như anh chồng ở gia đình thứ nhất nhưng mình cảm nhận được là anh ấy đúng chuẩn là anh chồng chân chất, anh chồng quốc dân. Còn trong mắt bạn Cún, anh ấy là ông bố quốc dân. Chả là bạn Cún và con gái anh gần tuổi nhau cho nên hay chơi với nhau. Hóa ra con gái mình cũng tinh tế phết chứ chẳng đùa.
Anh này quê Nam Định, anh ít khi nấu ăn sáng nhưng cái hay của anh là ở chỗ sáng nào anh cũng dậy sớm thể dục, dắt 2 cái xe Lead to chà bá của hai vợ chồng xuống ngõ, sau đó anh lau nhà sạch bóng kin kít, tiếp theo anh ra chợ mua đồ ăn sáng cho cả nhà, lúc ngô, khoai, khi thì bánh cuốn, phở gà…
Công việc của vợ anh thường về rất muộn, tầm 20 - 21h nhưng dù muộn, dù vợ có nhắn anh đừng chờ cơm kẻo đói, anh vẫn chờ chứ không bao giờ ăn trước. Anh lo cho con ăn sớm, còn vợ chồng anh thường kết thúc bữa tối vào lúc 22h. Ở nhà anh, mình hiếm khi thấy có sự phân biệt rạch ròi là anh phải thế này, vợ phải thế kia. Mà họ nhìn nhau để chia sẻ việc nhà, dạy dỗ con cái.
Ảnh minh họa. |
Anh có đặc điểm là rất tâm lý với con, nói chuyện với con lúc nào cũng nhẹ nhàng như tâm tình, thủ thỉ vậy. Mỗi lần Cún Đốm sang chơi, nếu nhà anh có đồ ăn gì ngon, đồ chơi đẹp anh đều bảo con chia sẻ với Cún Đốm nữa. Tâm lý các bạn nhỏ thì các bạn biết đấy, đôi khi ích kỷ và không muốn chia sẻ đồ cho ai. Nhưng khi được anh kiên nhẫn thuyết phục, con anh lại hợp tác. Thậm chí, mỗi khi Cún và con gái anh giận nhau do bạn này làm hỏng cây bút chì, bút sáp hay đồ chơi của bạn kia, thì chính anh đứng ra giải hòa hai bạn. Nghĩ cũng vui!
Kể về chồng, chị vợ bao giờ cũng dành cho anh sự biết ơn kèm ánh mắt tự hào: “Anh ấy nhà tớ thì không lãng mạn đâu, và cũng hiếm khi nói những lời có cánh, nhưng thương vợ, yêu con, chăm chỉ việc nhà và đặc biệt là người bố tâm lý với con. Tớ lấy chồng muộn, lúc ấy cũng gần 30 rồi nhưng may tớ đã chọn đúng”.
Đúng vậy, qua tâm tình của chị vợ, mình nhận thấy rằng phụ nữ hiện đại không sợ ế, chỉ sợ sai, và phụ nữ không hơn nhau ở tấm chồng mà hơn nhau ở sự lựa chọn. Và một sự thật là các gia đình hạnh phúc thường làm kinh tế giỏi hơn những gia đình lục đục. Bởi họ hạnh phúc nên đầu óc thường thoải mái và tập trung vào việc làm giàu hơn.
Gần đây, hai gia đình trên đều mua được ô tô tiền tỉ để thuận lợi trong việc di chuyển đi làm và về quê.
Nói tới đây, chắc các bạn cũng đã hiểu được bí quyết của các gia đình hạnh phúc rồi chứ. Và theo mình, món quà tuyệt vời nhất mà các ông bố dành tặng cho con không phải là những món quà đắt tiền hay học trường lớp tốt, mà món quà đơn giản chỉ là hãy yêu thương và đối xử tốt với mẹ của con mình.
Còn hai cô vợ của hai gia đình trên lúc nào cũng rạng ngời, lấp lánh dù chẳng cần đồ trang sức hay mỹ phẩm đắt tiền. Phải chăng họ lấp lánh bởi họ được chồng tôn trọng, thấu hiểu, biết ơn và chia sẻ tất cả những vất vả trong cuộc sống với họ.