Một lần nữa mạng xã hội ở Việt Nam lại nóng lên với những chia sẻ của các nạn nhân, hầu hết là phụ nữ, liên quan tới nạn quấy rối tình dục. Ở nhiều quốc gia, phương tiện giao thông cũng tham gia vào việc…chống quấy rối tình dục phụ nữ và các em gái.
Nếu từng tới Nhật Bản và sử dụng tàu điện ngầm – một phương tiện giao thông công cộng vô cùng phổ biến và tiện dụng ở đất nước này - ở một số thành phố lớn như Tokyo, bạn sẽ bất ngờ và kinh ngạc khi thấy có những toa tàu chỉ toàn phụ nữ. Bên ngoài toa ghi rõ dòng chữ WOMAN ONLY CAR (Toa dành riêng cho phụ nữ).Trên lối dẫn vào cửa toa này cũng ghi rõ Boarding Point for Woman Car (Điểm lên toa xe dành riêng cho phụ nữ). Dĩ nhiên sẽ vô cùng kỳ quặc nếu bạn nhìn thấy có một nam nhân đứng xếp hàng trong khu vực này.
Trên toa tàu đặc biệt ở Tokyo |
Nhật Bản được xem như quốc gia đầu tiên qui định toa riêng cho phụ nữ trên tàu điện ngầm, kể từ năm 2000. Qui định này là kết quả sau một báo cáo từng gây chấn động là có khoảng nột nửa số phụ nữ đi tàu điện ở Tokyo từng bị “sờ soạng”, quấy rối, nhất là vào giờ tan sở và giờ học sinh đi học/tan trường.
Khu vực đứng chờ lên tàu ghi rõ qui định lối vào toa dành riêng cho phụ nữ |
Sau Nhật Bản, một số quốc gia khác cũng áp dụng hình thức này ở một số nơi và thời điểm cụ thể như Mexico (năm 2000), Brasil (2006), Ai Cập, Iran (2007), Indonesia (2010, Thái Lan (2014)… Và ở một số quốc gia khác thì việc “chia giới tính” trên các phương tiện giao thông lại mang nhiều ý nghĩa phân biệt thể chế hơn. Ở Iran, trên xe bus thậm chí vợ chồng cũng phải ngồi hoặc đứng cách xa nhau.
Thái Lan qui định toa tàu dành riêng cho phụ nữ và trẻ em sau khi xảy ra vụ một em gái 13 tuổi bị tấn công và bị giết trên chuyến tàu đêm |
Không chỉ có các toa tàu điện ngầm dành cho phụ nữ, năm 2009 Ấn Độ, một quốc gia được biết đến với nạn quấy rối tình dục dai dẳng, thậm chí nghiêm trọng trên các phương tiện giao thông công cộng (điển hình như vụ cưỡng hiếp tập thể ngay trên xe bus năm 2012), đã giới thiệu những chuyến tàu dành riêng cho phụ nưở Delhi, Mumbai, Calcutta và Madras. Trên những chuyến tàu này, chỉ có nhân viên của sở hoả xa là nam giới.
Ấn Độ là quốc gia đầu tiên và duy nhất hiện nay duy trì cả chuyến tàu (tất cả các toa) phục vụ khách hàng nữ |
Dubai dành riêng một số toa tàu điện cho phụ nữ vào giờ cao điểm, ghế trước của xe bus được qui định chỉ dành cho phụ nữ. Và thậm chí ở đây còn có những nhóm taxi màu hồng do phụ nữ lái và chỉ chở khách nữ.
Đội quân taxi hồng ở Dubai |