Từ 2021, Tạp chí Phụ nữ mới tổ chức chuyên mục LadyCar (gồm các bài viết/ chia sẻ về Xe và Các phương tiện di chuyển khác dưới góc nhìn Phụ nữ).
Chuyên mục do nhà báo Thủy Phạm, một người đam mê và có kiến thức sâu rộng về Xe và Du lịch, đảm nhiệm. Chị chia sẻ: "LadyCar là thế giới xe, thế giới di chuyển của phụ nữ, những câu chuyện truyền cảm hứng từ họ và cho họ".
Chị nói thêm: Ngày nay, những câu nói kiểu như: “Đừng bán xăng cho phụ nữ”, “Hãy treo biển : Xe có trẻ con & Phụ nữ lái xe”, “Biết ngay, lại phụ nữ cầm lái”… thường thấy nhan nhản trên các phương tiện đại chúng. Cứ lâu lâu, trên báo chí, trên mạng xã hội lại có những câu “chỉ trích” phụ nữ lái xe như thể chỉ đàn ông mới có khả năng là “người cầm lái”, trên đường xe cũng như trên đường đời.
Nhiều người kể cả phụ nữ chúng ta cũng hoang mang quên mất rằng 133 năm trước (năm 1888) đã diễn ra một chuyến đi được xem là đặt nền móng cho ngành công nghiệp ô tô thế giới mà người thực hiện chuyến đi đó, sau tay lái cỗ xe trang bị động cơ đốt trong đầu tiên trên thế giới, là một phụ nữ, bà Bertha Benz.
Nhà báo Thủy Phạm |
Ngày nay, người đứng đầu tập đoàn xe hơi lớn hàng đầu nước Mỹ, General Motors, là một phụ nữ. Ít nhất 4 người phụ nữ khác cũng ở vị trí tương tự ở các tập đoàn Ford tại châu Âu, BMW tại Bắc Mỹ… Chủ tịch hãng xe Việt Nam Vinfast cũng là một phụ nữ. Một trong những tay drift xe cự phách trên đường đua khiến các đấng mày râu Đông Nam Á phải xanh mắt cũng là một phụ nữ…
Hi vọng, chuyên mục Ladycar sẽ là một trong những người bạn đồng hành mới với tất cả phụ nữ đam mê xe và những cung đường.
Nhà báo Thủy Phạm (tên đầy đủ là Phạm Thị Thu Thủy) sinh năm 1971, có hơn 20 năm kinh nghiệm sau tay lái, sáng lập CLB Phụ nữ & Xe hơi. Chị là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên một mình sau tay lái đi xuyên Việt 7- 8 lần, xuyên Lào, thậm chí ngang dọc trời Âu.
Chị lái xe từ năm 2000, từ đó tự thấy "mở rộng được bán kính đời mình" dễ dàng hơn.
Tháng 1/2009, lần đầu tiên chị lái xe hơi xuất ngoại. Hành trình xuyên Lào kéo dài 10 ngày, với tất cả 3.000 km cùng đại ngàn rừng núi.
Chị xuất phát từ TPHCM cho 600km tới Kontum. Cửa khẩu sang Lào thuận lợi nhất là Bờ Y (thuộc thị trấn Pleikần, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kontum), vốn được mệnh danh là "ngã ba Đông Dương", nối liền 3 tỉnh Kontum (Việt Nam) với Attapeu (Lào) và Se Kong (Campuchia). Đặt chân tới đất Lào, nhà báo Thủy Phạm chính thức thực hiện chuyến khám phá xuyên đất nước này trước khi tới cửa khẩu Na Mèo về lại Việt Nam.
Để chuẩn bị cho hành trình, chị bắt đầu lên mạng tìm kiếm thông tin và bản đồ đường đi. Chị đã đưa ra lộ trình vạch sẵn định đi qua cửa khẩu nào, tỉnh thành nào của Lào, tất cả đều phải nhớ điền đầy đủ và chính xác để đảm bảo an toàn cho mình.
Chị cho biết chị không bao giờ uống rượu bia, đây là một nguyên tắc chung bất di bất dịch với bất kể ai ngồi sau vô lăng.