Anh giai người Ý vừa gây mất điện thành phố mới Thủ Đức vì cú tông đổ 5 trụ điện hôm qua. Vụ tai tạn xảy ra tầm 3 giờ sáng, nguyên do là buồn ngủ !
Một nghiên cứu khoa học được công bố trên nhật báo Khoa học Sciencedailly cho biết những tài xế ngủ ít hơn 4 giờ trong 24 giờ trước khi cầm lái có nguy cơ gây tai nạn gấp 15,1 lần so với những người ngủ 7-9 giờ, trong khi lái xe có nồng độ cồn vượt qui định “chỉ” có nguy cơ gây tai nạn gấp 1,5 lần người không vi phạm. Thiếu ngủ được xếp vào nguy cơ cao nhất gây tai nạn khi lái xe.
Hiện trường vụ tai nạn mới đây tại Thảo Điền (Thủ Đức, TP.HCM) do lái xe buồn ngủ. |
Khổ nỗi, các chú công an lại chỉ có máy bắn tốc độ và đo nồng độ cồn chứ chưa có máy kiểm tra tình trạng thiếu ngủ của lái xe! Tại Mỹ, có khoảng 7% tổng số vụ tai nạn xe cơ giới và 16% các vụ tai nạn chết người liên quan đến việc người lái xe buồn ngủ. Ở Việt Nam hình như chưa có khảo sát nhưng khi tai nạn xảy ra- đặc biệt với xe khách, xe chạy hợp đồng đường dài – thì nguyên do hầu hết liên quan tới tình trạng thiếu ngủ của tài xế. Còn tại sao tài xế thiếu ngủ mà vẫn lái xe lại là câu chuyện dài nữa…
Ngủ đủ 7-9 tiếng/24 giờ giúp bạn lái xe tỉnh táo, an toàn |
Đáng lo ngại hơn trước nguy cơ tai nạn liên quan tới tài xế thiếu ngủ, theo tác giả nghiên cứu khoa học trên Sciencedailly, ông Brian Tefft, phân tích: “Các lái xe thiếu ngủ thường cố gắng để thức, nhưng THỨC không giống với TỈNH TÁO. Những lái xe thiếu ngủ có nguy cơ cao trong việc mắc sai lầm như không nhận thấy tình huống quan trọng, đánh giá sai khoảng cách.v.v., có thể gây ra hậu quả thương tâm”.
Để hạn chế tình trạng này, trên các xe hơi hạng sang và một số mẫu xe phổ thông đời mới, nhà sản xuất cài đặt tính năng nhắc nhở tài xế sau 2 tiếng lái xe – là khoảng thời gian nên dừng lại để lấy lại sự tỉnh táo. Một số xe có khả năng phát cảnh báo khi phát hiện người lái có dấu hiện buồn ngủ. Tuy nhiên, những công nghệ trên xe này chỉ có ý nghĩa hỗ trợ. Điều quan trọng vẫn nằm ở ý thức của người cầm lái. Trước mỗi chuyến lái xa, bạn nên dành thời gian ngủ đủ (theo khuyến nghị là 7-9 tiếng) để đảm bảo an toàn cho chính mình và những người khác, chứ không nên trông đợi vào các biện pháp để cưỡng lại cơn buồn ngủ (như nghe nhạc, ăn trái cây, uống cà phê…).