Nhận thấy tầm quan trọng của một giọng nói hay , chuẩn, đẹp, bằng những hiểu biết của mình, ông Nguyễn Bình Nguyên Lộc đã tổng hợp các phương pháp luyện giọng nói dành cho những ai muốn gây ảnh hưởng tích cực đến người khác bằng giọng nói của mình.
Giọng nói chiếm 38% sức mạnh thông điệp truyền tải khi bạn giao tiếp với người khác. Người có giọng nói hay không những có thể gây ấn tượng tốt trong mắt người khác mà mức độ thành công và cảm xúc trong cuộc sống cũng cao hơn.
Cùng một nội dung, nhưng người đã học qua phương pháp luyện giọng nói, nói sẽ khác hơn nhiều so với một người trước giờ chưa bao giờ quan tâm đến giọng nói của mình. Giọng nói hay một phần là do trời phú, nhưng điều có không có nghĩa là không có phương pháp luyện tập. Tất cả là do sự cố gắng và quyết tâm của bạn.
Đối với một luật sư, một giáo viên, một chuyên viên tư vấn, một nhân viên tiếp thị sản phẩm, phát thanh viên... đến người bán vé số, những người có liên quan đến việc nói để truyền tải thông tin thì giọng nói hay là điều không thể thiếu Vậy phương pháp nào để có được một giọng nói hay?
Bí mật của giọng nói hay
Thở bụng
Giọng nói hay trước tiên phải có độ vang, mạnh và rõ ràng. Những loài động vật như ve, ếch, dế...điều sử dụng bụng mình để chứa hơi nên âm thanh mới to, rõ và vang vọng như thế.
Bạn có để ý rằng tại sao em bé lại khóc to và lớn thế không? Đó là vì em bé đẩy hơi từ bụng đấy! Bạn có thể tự kiêm tra xem rằng mình đẩy hơi từ bụng hay ngực bằng cách áp tay lên vùng bụng và quan sát cách thở của mình. Sau đó bạn điều chỉnh cho phù hợp rồi luyện tập từng ngày để dần dần thở bụng thành thói quen của bạn. Khi bạn thở bằng bụng thành công thì bạn sẽ thấy giọng mình vang, ấm và trầm bổng.
Phát âm rõ ràng
Do những đặc điểm khác biệt của từng giọng vùng miền nên âm sắc của mỗi người sẽ khác nhau và cũng sẽ có các phương pháp điều chỉnh âm khác nhau. Khi nói, bạn hãy cố điều chỉnh phát âm của mình theo phát âm phổ thông, đặc biệt nên phát âm rõ ràng và không sai chính tả.
Mỗi ngày bạn nên dành thời gian 30 phút để luyện tập, sai chỗ nào thì luyện chỗ đó hoặc nhờ một người bạn nghe những âm bạn sai và sửa lại cho bạn. Điều đó sẽ khiến bạn có thói quen và nhanh chóng điều chỉnh âm chính xác.
Tốc độ
Người ta thường thích người nói chậm hơn họ hoặc bằng họ. Khi bạn nói nhanh hơn người khác, vô tình bạn tạo ra áp lực cho người lắng nghe mình.
Giọng nói quá chậm sẽ khiến người nghe cảm thấy buồn ngủ và mệt mỏi, nhưng giọng nói quá nhanh sẽ khiến người khác khó tiếp thu và khó nghi nhớ những lời bạn nói. Tốc độ chuẩn nhất là 150 từ/ 1 phút. Nhưng không phải ai cũng giữ được tốc độ này và tùy theo người nghe bạn nói là ai thì bạn có phương pháp điều chỉnh giọng điệu và tốc độ phù hợp với người đó, như thế sẽ dễ dàng hơn.
Ngoài ra, một giọng nói hay cũng có điểm nhấn trong khi nói, phải có lúc lên giọng lúc xuống giọng. Thế nên khi bạn nói mà tốc độ lẫn giọng điệu bạn cứ bằng bằng và không có điểm nhấn thì người nghe sẽ buồn ngủ lắm đấy!
Sức truyền cảm
Giọng nói cũng mang theo tâm hồn của người nói muốn truyền tải. Bạn có thể đọc một bài thơ hay nhưng trong đó lại thiếu đi cái hồn, cái tâm tư tình cảm mà nhà thơ muốn gửi gắm thì bài thơ bạn đọc ra chắc khác gì một câu nói.
Phương pháp tốt nhất là bạn phải thổi cái hồn vào giọng nói của mình bằng những cảm xúc thật. Sức mạnh của cái đẹp là sự chân thật, bạn không thể truyền cảm hứng cho người khác bằng sự giả dối hoặc điều bạn không tin.
Muốn truyền cảm hứng cho người khác, bạn phải nuôi dưỡng cho mình một tâm hồn đẹp và yêu thương. Còn rất nhiều cách để có được giọng nói hay nữa nhưng những phương pháp trên cũng đã đủ cho bạn luyện tập và trải nghiệm rồi. Nếu thực sự quan tâm điều bạn truyền tải, hãy luyện tập giọng nói!