Ngày nay, không khó để bắt gặp những nội dung quảng bá xu hướng ăn kiêng trên các nền tảng truyền thông xã hội như Instagram và TikTok. Đi kèm với đó là những lời hứa giúp người xem giảm cân và có cơ thể khỏe mạnh hơn.
Tuy nhiên, không phải nhà sáng tạo nội dung nào cũng đủ kiến thức để đưa ra lời khuyên về sức khỏe và giới thiệu các sản phẩm “thần kỳ” như trà giải độc, thực phẩm chức năng theo chế độ hạn chế calo, theo SCMP.
Đó là mặt tiêu cực của hiện tượng này. Bên cạnh thúc đẩy những lý tưởng cơ thể không thực tế, nội dung như trên còn ảnh hưởng đến các vấn đề khác, chẳng hạn thiếu hụt dinh dưỡng và suy giảm sức khỏe tinh thần.
Sâu xa hơn, lời khuyên ăn uống trên mạng có thể khiến người dùng tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn ăn uống. Ảnh: Outlook Psychology. |
Lời khuyên không kiểm chứng
Một thống kê cho thấy việc sử dụng Instagram thường xuyên có liên quan đến tỷ lệ mắc các triệu chứng rối loạn nhịp tim. Một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh này là do ám ảnh về thức ăn lành mạnh.
Nghiên cứu về những người trưởng thành trẻ tuổi ở Mỹ được đăng trên tạp chí của Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng vào năm 2016 đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc sử dụng mạng xã hội và sự lo lắng trong ăn uống.
“Bạn không nên tin theo trào lưu ăn kiêng một cách mù quáng hoặc làm vậy chỉ vì người khác thích. Một kế hoạch ăn uống phù hợp với người này nhưng không có nghĩa sẽ mang lại kết quả tương tự cho bạn.
Sự khác biệt nằm ở tuổi tác, giới tính, lối sống”, Cyrus Luk, chuyên gia dinh dưỡng tại Bệnh viện Quốc tế Matilda và là thành viên ủy ban điều hành của Hiệp hội Chuyên gia Dinh dưỡng Hong Kong, chia sẻ.
Theo Luk, nếu có bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến dinh dưỡng, mọi người nên tìm đến chuyên gia để xin lời khuyên. Bởi vì họ được đào tạo lâm sàng và sẽ tư vấn cho bệnh nhân dựa trên chế độ ăn uống, tình trạng sức khỏe, mức độ hoạt động và lối sống hiện tại. Ngoài ra, khuyến nghị của họ cũng được hỗ trợ bởi các bằng chứng khoa học.
Luk cho biết con người có thể giảm tới 0,9 kg (2 pound) mỗi ngày trong thời gian từ 24h đến 72h nếu nhịn uống nước.
Người dùng nên nghe tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng thay vì tin lời trên mạng. Ảnh: Delish. |
Các nghiên cứu quy mô nhỏ, ngắn hạn từ động vật và tế bào cho thấy việc chỉ uống nước, không nạp thức ăn làm giảm một số yếu tố nguy cơ bệnh tật, bằng cách cải thiện độ nhạy insulin và huyết áp.
Nó cũng kích thích autophagy, một quá trình giúp cơ thể phá vỡ và tái chế các phân tử bị hư hỏng từ tế bào. Tuy nhiên, những lợi ích này có thể tồn tại trong thời gian ngắn và chưa được thử nghiệm trên người với quy mô lớn.
Vì thế, việc kiêng uống nước mang lại nhiều rủi ro. Trong ngắn hạn, cơ thể sẽ bị giảm lượng đường trong máu và hạ huyết áp. Tình trạng này gây ra chóng mặt, choáng váng, làm tăng nguy cơ ngất xỉu, tai nạn.
“Nước không cung cấp năng lượng hoặc chất dinh dưỡng, vì vậy, về lâu dài, bạn sẽ giảm được một lượng cân đáng kể. Thế nhưng, phần lớn trọng lượng này là nước, glycogen, chất béo và thậm chí có cơ bắp. Thiếu nước làm ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch và sức khỏe chung”.
Đối với lời khuyên nhịn uống nước là một cách tuyệt vời để "giải độc", Luk nhấn mạnh rằng không có bằng chứng nào cho thấy cơ thể cần điều đó bằng cách loại bỏ thức ăn.
Rối loạn ăn uống
Bên cạnh đó, nhiều nhà sáng tạo nội dung còn đưa ra thực đơn thay thế toàn bộ trái cây và rau quả trong chế độ ăn uống vì hàm lượng đường cao.
Tuy nhiên, theo chuyên gia dinh dưỡng đến từ Hong Kong, nước trái cây tươi cung cấp nước, đường fructose, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa, đồng thời là bước đệm để hấp thu chất dinh dưỡng thiết yếu. Nhưng chúng chứa ít chất xơ, protein và chất béo.
“Chế độ ăn kiêng chỉ có nước trái cây thường dẫn đến thiếu hụt calo nghiêm trọng và giảm cân nhanh chóng. Giống như nhịn ăn chỉ uống nước, hầu hết việc sụt trọng lượng đến từ việc mất nước, glycogen, chất béo trong cơ thể”.
Trong thời gian ngắn, cách này có thể khiến người áp dụng bị tiêu chảy, mệt mỏi vì thiếu hụt năng lượng, buồn nôn và chóng mặt.
Nếu không có kế hoạch phù hợp, người dùng dễ bị mắc chứng rối loạn ăn uống. Ảnh: The Cut. |
Còn nếu kéo dài lâu ngày, việc tiêu thụ một lượng lớn nước trái cây khiến họ có nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa và béo phì vì hàm lượng fructose cao. Hoặc bị suy dinh dưỡng do thiếu chất đạm và chất béo.
Đối với xu hướng eat clean (ăn sạch) - tránh thực phẩm đã qua chế biến, tinh chế và chỉ tiêu thụ những thứ nguyên chất, hữu cơ - Luk cho rằng cách này có thể giúp chúng ta giảm nguy cơ béo phì, huyết áp cao, cholesterol cao và một số bệnh khác.
Thế nhưng, mặt tiêu cực là nó dễ khiến người dùng bị ám ảnh bởi đồ ăn, từ đó hình thành chứng rối loạn ăn uống.
Trên thực tế, một số thực phẩm chế biến vẫn có thể được đưa vào chế độ ăn uống lành mạnh.
Đặc biệt, những video theo chủ đề “Tôi ăn gì trong một ngày" luôn thúc đẩy chế độ ăn kiêng siêu hạn chế. Ban đầu, chúng có thể giúp người xem giảm cân, nhưng về lâu dài, họ sẽ rất khó duy trì một cách bền vững.
Trẻ em, thanh thiếu niên, người già và phụ nữ mang thai cũng có nhu cầu dinh dưỡng cụ thể và không nên bắt đầu kế hoạch ăn uống mới nếu không có lời khuyên của bác sĩ.
Những người mắc các bệnh lý như tiểu đường, ung thư và biếng ăn cũng không nên tiết chế quá mức. Vì điều này sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng và làm bệnh của họ trở nên trầm trọng hơn.