Bí quyết quản lý tài chính của sinh viên mới ra trường
Phương Hà (24 tuổi, Hà Nội) đã có khoản tiết kiệm gần 80 triệu đồng sau 4 năm đại học. Được biết, trong khoảng thời gian sinh viên, cô gần như không đi làm, chỉ có đi thực tập vào kỳ cuối với mức hỗ trợ khá ít.
Dù sống xa bố mẹ nhưng Phương Hà ở ké nhà anh họ do đó không mất tiền thuê nhà. Ngoài ra, phụ huynh gửi đồ ăn từ dưới quê lên nên cô bạn không phải đi mua đồ ăn ngoài.
Phương Hà tóm gọn có 2 bí quyết để cô dành dụm được số tiền khá lớn ngay khi vừa mới ra trường. Thứ nhất là bản thân được gia đình hỗ trợ chi phí sinh hoạt, thứ hai là có ý thức tiết kiệm từ sớm và biết đến sức mạnh của lãi kép.
Bảng tổng kết số tiền tiết kiệm được trong 4 năm của Phương Hà |
Cụ thể hơn khi học đại học, mỗi tháng cô bạn sẽ được gia đình cho 4 triệu đồng và thường sẽ chỉ tiêu khoảng 3,2 triệu đồng/tháng. Khoản này bao gồm 1 triệu đồng đóng tiền điện nước, dịch vụ, Internet; 1,2 triệu đồng đi siêu thị và ăn hàng quán với bạn bè; 1 triệu đồng dành cho xăng xe, mua sắm và những chi phí phát sinh là 1 triệu. Do vậy mỗi tháng, Phương Hà sẽ tiết kiệm được 900 nghìn đồng. Như thế, tổng tiền tiết kiệm sau 4 năm mà chưa có lãi kép là 38,4 triệu đồng.
Ngoài ra, khi đỗ đại học cô bạn được họ hàng cho 5 triệu, cùng với lì xì lễ Tết sau khi trừ đi chi phí mua đồ sắm sửa sẽ còn khoảng 10 triệu. Tổng cộng khoản này tiết kiệm được 15 triệu đồng.
Bên cạnh đó, năm cuối đại học tức từ tháng 1/2022 đến tháng 6/2022, cô bạn đi thực tập với mức hỗ trợ 2 triệu/ tháng. Phương Hà chia sẻ bản thân chi thêm 1 triệu đồng/ tháng để ăn trưa và đôi lúc uống cà phê cùng đồng nghiệp. Tức là trong 6 tháng cô bạn tiết kiệm được 6 triệu đồng.
Và 3 tháng cuối cho đến khi tốt nghiệp đại học, cô trở thành nhân viên chính thức với mức lương 8 triệu, không nhận hỗ trợ từ bố mẹ, mỗi tháng cô bạn vẫn chi tiêu như cũ khoảng 4,2 triệu đồng/tháng và tiết kiệm được 11,4 triệu đồng.
Với số tiền tiết kiệm được, cô gửi tiền vào ngân hàng theo tháng. Sau 4 năm, cô nàng nhận thêm 1 khoản lãi kép là 5-7 triệu đồng.
Một trường hợp khác, Hải Phương (21 tuổi) đang là sinh viên năm cuối tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội). Cô đã có khoản tiết kiệm hơn 70 triệu đồng sau 4 năm Đại học và 3 năm kinh nghiệm trong ngành Truyền thông.
“Mình mới có ý thức tiết kiệm từ năm 2. Mình để dành tiền khi trong đầu chưa có nhiều suy nghĩ dùng tiền vào các dự định lớn lao cụ thể như mua nhà, mua xe… Mình tiết kiệm tiền đơn thuần vì bản thân không cần dùng quá nhiều tiền, thêm vào đó là suy nghĩ cần dự phòng cho các trường hợp xấu trong tương lai. Tiền tiết kiệm hoàn toàn do mình làm ra từ công việc văn phòng, không có từ tiền đầu tư", Hải Phương nói.
Ảnh minh hoạ |
Dưới đây là bí quyết của Hải Phương để dành dụm được số tiền tiết kiệm:
- Đi làm từ sớm để gia tăng thu nhập
Hải Phương dành năm nhất để tham gia câu lạc bộ và học tập. Nhờ lời giới thiệu từ một người quen trong câu lạc bộ, tìm được công việc part time trong ngành Truyền thông với mức lương 5 triệu đồng/tháng vào năm hai. Đó cũng là công việc văn phòng đầu tiên của Hải Phương.
Sang năm hai, cô bạn cũng nhận lời làm công việc truyền thông cho một người thân, gồm quản trị Fanpage và trao đổi với các đối tác, nhận thêm thu nhập 2-3 triệu đồng/tháng. Tổng cộng, cô kiếm được 7-8 triệu đồng/tháng nhờ hai công việc.
Sang năm 3, do kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn đã tăng lên nên cô bạn kiếm được 8-10 triệu đồng/tháng nhờ hai công việc này. Lên năm 4, tổng thu nhập của Hải Phương chạm mức 12 - 14 triệu đồng/tháng.
- Tiết kiệm chi tiêu
Từ năm hai, Hải Phương chỉ tiêu không quá 5 triệu đồng/tháng dành cho chi phí sinh hoạt, không kể ngày lễ Tết. Bên cạnh đó, cô còn gửi tiết kiệm online rất đều đặn. Tháng nào có lương hay thưởng thì cô đều gửi tiết kiệm, dù đó có là con số ít hay không.
Hải Phương chia sẻ cách cô phân bổ chi phí sinh hoạt: “Mình không đóng tiền nhà, mua thức ăn do ở cùng nhà bố mẹ. Tiền học phí là khoảng 10 triệu đồng/kỳ, tính ra mình chi 1,6 triệu đồng/tháng để đóng học phí. Mình bắt đầu đóng tiền học và không nhận trợ cấp từ gia đình khi bắt đầu là sinh viên năm 3. Khoảng 1 triệu đồng để đi cafe, xem phim và ăn uống bên ngoài cùng bạn bè. Thêm 1 triệu đồng mua mỹ phẩm, tiền xăng xe, đồ dùng học tập và đi làm. Còn lại là số tiền mình dành để đi du lịch. Mình thấy bản thân không quá tiết kiệm, bởi lối sống không đặt nặng vật chất".
Ảnh minh hoạ |
Lời khuyên gửi tiết kiệm thông minh dành cho sinh viên
Cả Hải Phương và Phương Hà đều mở tài khoản tiết kiệm từ thời sinh viên, nhờ đó tận dụng được sức mạnh của lãi kép.
Riêng Phương Hà chọn gửi toàn bộ tiền tiết kiệm online sang lấy sổ tài khoản tiết kiệm giấy 1 lần. Như vậy, cô bạn sẽ hạn chế được tối đa tình huống, vì những mong muốn mua sắm không cần thiết mà rút tiết kiệm ra chi tiêu.
Được biết, Phương Hà đã mở tài khoản tiết kiệm từ những ngày đầu tiên học ở Hà Nội. Cô bạn nhớ lại: “Tháng đầu tiên, sau khi nhận được tiền sinh hoạt từ gia đình, mình liền chuyển luôn 500 nghìn vào tài khoản tiết kiệm. Sau đó, cuối tháng còn thừa bao nhiêu, mình sẽ để lại để đến lần đáo hạn tiếp theo gửi vào. Sau 1 thời gian, mình tính trung bình mỗi tháng để dành được 800 nghìn đồng, từ đó về sau cứ đúng hạn, mình gửi vào tài khoản tiền tiết kiệm online”.
Trong khi đó, Hải Phương thì khuyên các bạn sinh viên nên tự tìm hiểu các hình thức về gửi tiết kiệm để không phụ thuộc các vấn đề tài chính từ gia đình.
Hải Phương bày tỏ: “Nhiều người mình quen thường nhờ bố mẹ mua vàng hay gửi tiết kiệm hộ. Mình thấy điều này không sai, nhưng nó sẽ hình thành thói quen khiến bạn không tự chủ trong các vấn đề tài chính của mình. Mình quan niệm: Tiền cũng là một loại tài sản. Nếu mình không biết dùng tiền, đầu tư tiền đúng cách thì cũng giống như tài sản, chúng sẽ mất giá theo thời gian".