Người ta vẫn thường bảo "có yêu thì mới có ghen". Hiểu một cách đơn giản, chúng ta thường tin rằng tình yêu là cơ sở duy nhất và cũng là lý do chính đáng chẳng thể phủ nhận để cảm giác ghen tuông trồi lên trong tâm tưởng.
Tuy nhiên, các nhà tâm lý học lại có góc nhìn khác. Nhân danh tình yêu để "hợp lý hóa" cảm giác ghen tuông hay cả sự kiểm soát dành cho đối phương, thực chất, chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm.
Jana - Chuyên gia Tâm lý học đến từ Đại học Sydney (Úc) khẳng định: "Ghen tuông khi biết người yêu hoặc người bạn đời của mình đã có mối quan hệ thể xác hoặc tình cảm với người phụ nữ khác là cảm xúc hoàn toàn chính đáng, dễ hiểu. Nhưng nếu như bạn luôn ghen tuông chỉ vì đối phương có những mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp thân thiết, thật đáng tiếc, tôi phải khẳng định rằng chính bạn mới là người đang có vấn đề".
Tranh minh họa |
Jana cũng nêu ra một vài ví dụ về những mối quan hệ, những hành vi hoàn toàn bình thường nhưng dưới góc nhìn của một người phụ nữ có nỗi bất an quá lớn, đó lại trở thành dấu hiệu ngoại tình - một lý do chính đáng để hợp lý hóa cảm giác ghen: Anh ấy đi ăn trưa/trò chuyện cùng đối tác/đồng nghiệp nữ, anh ấy bấm like ảnh của một cô người mẫu hoặc một cô gái nổi tiếng trên mạng,...
Sau đó, Jana khẳng định với những người phụ nữ luôn ghen tuông vì những điều nhỏ nhặt như vậy, đây là 2 sự thật trong tâm thức mà có thể chính họ cũng không hề nhận ra.
1. Họ hoàn toàn không tự tin vào chính bản thân mình
Chúng ta cần hiểu rằng dù là đàn ông hay phụ nữ, ai ai cũng có những mối quan hệ thân thiết, khác giới ngoài người yêu hoặc người bạn đời của mình. Đó có thể là bạn thân lâu năm, đồng nghiệp chí cốt hoặc đối tác làm ăn lâu dài,... Người trưởng thành có cả ngàn mối quan hệ cần duy trì để phục vụ cho việc phát triển bản thân và sự nghiệp.
Đừng vội đánh đồng tất cả những người bạn, những đối tác khác giới của chồng/người yêu là những đối tượng có khả năng hủy hoại mối quan hệ của bạn.
"Một người phụ nữ tự tin sẽ cảm thấy ồ, việc người yêu/chồng của mình có mối quan hệ rộng là điều đáng tự hào đấy chứ! Nhưng một người phụ nữ thiếu tự tin thì khác. Họ nhìn tất cả những người phụ nữ xung quanh người tình của mình với ánh mắt dò xét cùng tâm thế "phòng thủ" vì cho rằng họ có thể cướp anh ấy đi bất cứ lúc nào" - Jana khẳng định.
Tranh minh họa |
Jana cũng giải thích thêm rằng việc xây dựng sự tự tin trong cuộc sống nói chung hay trong tình yêu nói riêng là vô cùng quan trọng.
Một người không có sự tự tin trong tình yêu khó lòng có thể xây dựng được một mối quan hệ lành mạnh bởi điều choán lấy tâm trí họ trong phần lớn thời gian là suy nghĩ "phải kiểm soát người yêu mình thật chặt".
"Suy nghĩ ấy khiến bạn chẳng còn đủ tâm sức để tận hưởng tình yêu được nữa" - Jana nhấn mạnh.
2. Họ vẫn chưa vượt qua được những nỗi ám ảnh hoặc tổn thương trong quá khứ
Ghen tuông là cảm giác xuất phát trong tâm trí chúng ta, nhưng bạn cần biết rằng nó sẽ "phát tác" ra bên ngoài dưới dạng các hành vi kiểm soát đối phương: Buộc anh ấy phải cho mình biết mật khẩu điện thoại/Facebook/Instagram, cấm anh ấy gặp gỡ/tương tác với bạn bè khác giới,...
"Một người từng bị lừa dối trong quá khứ sẽ có xu hướng kiểm soát người bạn đời/người yêu của họ ở mức độ cao hơn so với một người chưa từng phải trải qua cảm giác đau lòng này. Nhưng đó cũng không phải là lý do chính đáng để bạn cho mình quyền kiểm soát đối phương trong tất cả mọi chuyện, dù hai người có đang hẹn hò hay đã về chung một nhà đi nữa" - Jana khẳng định.
Quan điểm của Jana khi đưa ra lời khẳng định này chính là mỗi người cần tự nhìn nhận, tự đối mặt và tự xoa dịu những nỗi đau trong quá khứ của mình. Sự hỗ trợ của người bạn đời, người yêu chỉ là một phần nhỏ, hoàn toàn không nên phụ thuộc vào họ để giải quyết nỗi đau.
"Người hiện đang ở bên cạnh bạn xứng đáng được nhận một tình yêu và một cách đối xử đúng đắn, thay vì việc bị ép buộc phải trở thành liều thuốc xoa dịu cho những vấn đề mà người trước đã gây ra" - Jana chia sẻ.