• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành nào cần lao động nhất trong năm 2021?

Theo dự báo, các lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí, tự động hóa, công nghệ...

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh (FALMI), năm 2021, thành phố tiếp tục xác định mục tiêu giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới.

Điều kiện khách quan về hội nhập kinh tế quốc tế và các chủ trương, chính sách trong nước sẽ thúc đẩy phát triển nhanh một số ngành, thu hút nguồn nhân lực tập trung ở lĩnh vực điện tử , công nghệ thông tin , cơ khí , tự động hóa , công nghệ thực phẩm , logistics ...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ông Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh (FALMI) nhận định, ngành điện tử, công nghệ thông tin thành phố sẽ phát triển nhanh theo hướng công nghiệp phần mềm, kỹ thuật số trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có mức tăng trưởng, chất lượng tăng trưởng cao.

Nhu cầu nhân lực ở lĩnh vực này tăng mạnh ở các vị trí: An ninh mạng, lập trình, phát triển ứng dụng, thiết kế và điều hành web, thiết kế và thực hiện quy trình công nghệ, kỹ sư điện tử, thiết kế vi mạch, kỹ thuật viên điện tử, bảo trì hệ thống điện tử...

Ở lĩnh vực cơ khí, tự động hóa, thành phố tập trung phát triển các chuyên ngành cơ khí công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, giảm thiểu sản phẩm cơ khí gia công đơn thuần, ưu tiên phát triển nhóm ngành như: Cơ khí khuôn mẫu, máy móc thiết bị điện, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản và công nghiệp chế biến.

Các nhóm ngành cơ khí được khuyến khích phát triển gồm: Sản xuất dụng cụ gia đình, máy công cụ, máy động lực, dụng cụ y tế, quang học, đồng hồ... thu hút lực lượng kỹ thuật viên cao cấp, kỹ sư giám sát, điều khiển trung tâm, kỹ sư công nghệ tự động điều khiển dây chuyền sản xuất tự động trong các nhà máy, chuyên gia nghiên cứu và chuyển giao công nghệ...

Ở lĩnh vực công nghệ thực phẩm, thành phố tập trung đầu tư khai thác hết năng lực chế biến thực phẩm hiện có và nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm sữa, dầu thực vật, chế biến thịt, thủy sản, hướng phát triển sản phẩm tinh chế, có giá trị gia tăng lớn bằng công nghệ hiện đại. Nguồn nhân lực ở lĩnh vực này là kỹ sư công nghệ thực phẩm, phân phối sản phẩm, kiểm tra chất lượng sản phẩm, chuyên gia hương vị, công nhân sản xuất - chế biến thực phẩm, công nhân đóng gói sản phẩm.

FALMI cũng dự báo sự phát triển nhanh của internet sẽ thúc đẩy thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ và nhu cầu nhân lực ở ngành này là marketing supervisor, digital planning manager (quản lý kế hoạch kỹ thuật số), digital marketing (tiếp thị số), điều phối viên truyền thông, copy writer (người viết quảng cáo)...

Ngành tài chính, tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm dự báo nhu cầu nhân lực ở các vị trí chuyên viên phát triển mạng lưới, thanh toán quốc tế, kiểm tra dữ liệu, phát triển thị trường, chuyên viên tư vấn đầu tư. Ngành dệt, may, giày da tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư dây chuyền tự động hóa...

Đối với ngành dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn hiện nay tuy giảm do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng dự báo sẽ gia tăng nguồn nhân lực trong những năm tiếp theo, nhất là sau khi kiểm soát được dịch bệnh. Nhu cầu nhân lực ở lĩnh vực này là hướng dẫn viên du lịch, nhân viên điều hành tour, quản lý nhà hàng, quản lý lữ hành quốc tế, nhân viên tư vấn du lịch có kỹ năng thực hành, ứng dụng kiến thức vào thực tiễn, kỹ năng du lịch. Ngược lại, ngành logistics dự báo cần nhiều nhân lực phục vụ chuỗi cung ứng với các vị trí là nhân viên chứng từ (docs-cus), thanh toán quốc tế, thu mua, nhân viên hiện trường, giao nhận (operations-ops), nhân viên điều vận đội xe, bãi (co-ordinator), quản lý hàng hóa…

Theo FALMI, năm 2021, thị trường lao động thành phố cần khoảng 270.000 - 300.000 chỗ làm việc, trong đó có khoảng 140.000 chỗ làm mới, nhu cầu nhân lực đã qua đào tạo chiếm 85,8% (gồm trình độ sơ cấp chiếm 25,21%, trung cấp chiếm 21,3%, cao đẳng chiếm 18%, đại học trở lên chiếm 21,29%). Từ nguồn nhân lực này, thành phố sẽ tập trung phát triển các ngành công nghiệp thế mạnh, trọng yếu, có giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế thành phố, như: Công nghệ thông tin - truyền thông, cơ khí - tự động hóa, chế biến thực phẩm, công nghiệp dược, nhựa, cao su. Bên cạnh đó, thành phố phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, hình thành trung tâm sản xuất, cung ứng giống cây, giống con chất lượng cao cho khu vực và cả nước...

P.V

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật