Gucci "gây bão" với logo mới nguệch ngoạc như chữ trẻ con
Ngày 10/01, trên Fanpage có 18 triệu lượt thích, Gucci đã thay đổi ảnh đại diện trên trang mạng xã hội. Vốn là thương hiệu thời trang cao cấp hàng đầu Italy, đại diện cho một phong cách sống thượng lưu và quý tộc, hình ảnh mới của Gucci gây bất ngờ. Nhà mốt dùng logo chữ viết tay nguệch ngoạc như chữ trẻ con trên nền màu xanh trơn đơn giản. Dòng chữ "Fall Winter 2020 Men's Collection" thậm chí còn giữ nguyên nét run rẩy, không đều màu mực.
Dù bị chê vì logo khó hiểu, thương hiệu cao cấp vẫn đang "tạo trend" trên mạng xã hội. |
Trước đây cũng có những thiết kế logo của các thương hiệu gây xôn xao dư luận. Có thương hiệu phải nhiều lần chỉnh sửa, thậm chí còn bỏ hẳn logo và thay mới hoàn toàn.
Việc phân tích mổ xẻ hình ảnh logo rất đa dạng, từ chuyện nhận xét có tính hài hước cho tới những cáo buộc logo mang dáng dấp quỷ dữ.
Khi IHOP thêm 1 nụ cười vào logo của mình, người ta cho rằng họ đã thêm vào 1 yếu tố gây sợ hãi. |
Khi chuỗi sản xuất bánh crepe của Mỹ IHOP lần đầu tiên cải tiến logo của họ vốn đã được dùng suốt 20 năm bằng cách thêm vào một nụ cười không xúc phạm ai, họ bị cáo buộc là đã đưa vào hình ảnh công ty một yếu tố gây sợ hãi.
Những game thủ lớn tiếng đã viết thư phản kháng yêu cầu công ty phải đổi logo và Corsair đã phải đáp ứng bằng cách âm thầm bỏ nó hồi tháng 6/2015. |
Công ty công nghệ Corsair đã cho ra mắt logo mới vào tháng 9/2014, một tháng sau vụ lùm xùm "Gamergate" vốn khiến cho nữ giới làm việc trong ngành này bị quấy rối trên mạng và thậm chí còn bị dọa giết.
Thiết kế logo cho phân nhánh game của công ty có hình ảnh hai thanh gươm bắt chéo nhau ở chuôi - hình ảnh này đã nhanh chóng bị lên án vì trông giống như một hình xăm ở phần lưng dưới của phụ nữ, hình xăm có tên "tramp stamps" (những dấu ấn của gã lang thang).
Đối mặt với những đồn thổi sai lệch liên tục, P&G đã phải bỏ những gợn sóng trong hình ảnh "người đàn ông trên Mặt Trăng" vào năm 1991. |
Hãng Procter & Gamble (P&G) cũng gặp rắc rối với một loạt cáo buộc đến nỗi buộc phải bỏ logo của mình.
Nhãn hàng tiêu dùng toàn cầu này đã đưa vào sử dụng hình ảnh thương hiệu "người đàn ông trên Mặt Trăng" vào năm 1851. Thế nhưng vào những năm 1980, đã bắt đầu có lan truyền tin đồn rằng những gợn sóng trong hàm râu và mái tóc của người đàn ông đó có ẩn giấu hai cái sừng và là hình ảnh "666" bị đảo lại tức là dấu hiệu của quái vật.
Năm 2007, họ thắng 19 triệu USD trong vụ kiện đối thủ là nhà phân phối Amway lan truyền cáo buộc thất thiệt nhằm gắn kết hình ảnh của P&G với Quỷ Satan. Mặc dù P&G bỏ logo Mặt Trăng để thay vào đó bằng logo với các ký tự, hình ảnh Mặt Trăng đã lặng lẽ quay trở lại logo của họ trong mẫu thiết kế lại hồi 2013.
Logo được cho là "thiếu nhạy cảm chủng tộc". |
Đội bóng có tên Washington Redskins từng đối mặt với đơn kiện nhằm vào hình ảnh "redskins" trên khắp nước Mỹ và một chiến dịch truyền thông hồi 2013 đã khiến cho 50 thượng nghị sỹ cùng Tổng thống Barack Obama khi đó đã lên tiếng yêu cầu họ phải thay đổi.
Vào năm 2014, biểu tượng mặt đỏ bị đẩy xuống và không còn là logo quan trọng nhất của đội bóng chày này nữa.
Logo của Thế vận hội London 2012 bị Iran phản đối vì họ cho rằng, đây là một mưu đồ ủng hộ Israel không nói ra. |
Logo của Thế vận hội London 2012 đã khiến cho Iran có phản đối chính thức. Nước này đã đe dọa tẩy chay kỳ thế vận hội này trừ phi ban tổ chức thay đổi logo. Theo Tehran, những con số 2012 được sắp xếp trông như hình răng cưa thật ra là ngụ ý thể hiện từ "Zion" - tức sự phục quốc Do Thái. Theo họ, đây là một mưu đồ ủng hộ Israel không nói ra.
Logo này cũng bị so sánh với một nhân vật trong loạt phim hoạt hình Simpsons đang thực hiện hành vi tình dục trong khi một số người còn nói rằng họ thấy trong đó có dấu hiệu của chữ Thập ngoặc - biểu tượng của Đức Quốc xã.
Đội bóng biện hộ rằng bất cứ sự liên hệ nào với kẻ giết người hàng loạt khét tiếng kia chỉ là vô tình. |
Có trụ sở ở London thuộc tỉnh Ontario, đội bóng London Rippers đã hứng chịu búa rìu dư luận khi bình thường hóa hình ảnh Jack the Ripper - kẻ giết người hàng loạt ở London hồi thế kỷ 19.
Người quản lý đội bóng David Martin nói với London Free Press rằng "ripping" là một thuật ngữ thông dụng trong môn bóng chày và hình ảnh nhân vật chìm trong logo là "Diamond Jack" - một cầu thủ hockey bất đắc chí đã trở nên thành công vượt mong đợi trong môn bóng chày.
Logo ra đời vào những năm 1920 với ngụ ý kèm hình ảnh "hiền lành", nhưng lại bị méo mó dưới cái nhìn của những bộ óc "đen tối". |
Công ty sản xuất xúc xích Kostelecké Uzeniny của Cộng hòa Czech có logo gây chú ý. Họ giải thích logo này như sau: “Một quý ông lịch lãm với mái tóc xức dầu bóng bẩy và chiếc cà vạt sọc đang cúi người xuống đĩa xúc xích Kostelec nóng hổi thơm ngon để thưởng thức.”
Họ tin rằng, logo ra đời vào những năm 1920 này vẫn phù hợp với triết lý của họ ngày nay: “chất lượng trong mọi khía cạnh, sự tinh tế và niềm vui trong cuộc sống hàng ngày”.
Nhưng hình ảnh này vô tình có một số ngụ ý và ngay cả những hình ảnh "hiền lành" nhất cũng bị méo mó dưới cái nhìn của những người có đầu óc không lành mạnh.