Không chỉ xuất hiện nhiều trên các trang báo của Việt Nam, Phạm Văn Thuộc còn được nhắc đến khá nhiều trên các hãng truyền thông lớn ở nước ngoài, trong số đó có tờ Reuters của Anh. Được biết, anh Thuộc là người đang sở hữu hàng trăm chiếc đồng hồ cổ có nguồn gốc từ châu Âu được chế tác rất tinh xảo và mang nhiều giá trị.
Bén duyên từ những tiếng chuông
Bắt đầu từ sở thích được nghe tiếng chuông vọng lại từ các tháp đồng hồ thời Pháp thuộc khi còn là một cậu bé, anh Thuộc cho biết bản thân đã từng dành 2 năm để kết bạn với một chủ sở hữu tại châu Âu trước khi thuyết phục họ bán lại một chiếc đồng hồ nào đó.
"Năm 2000, do có người nhà sang định cư ở châu Âu nên tôi có cơ hội được tham quan và chiêm ngưỡng tháp đồng hồ ở những quảng trường lớn. Ấp ủ niềm đam mê từ đó, năm 2003-2004, tôi bắt đầu sưu tầm đồng hồ cổ thông qua những người bạn ở các nước như Đức, Pháp, Anh, Bỉ và Ý. Trong đó, nhiều kỷ niệm nhất là những chiếc đồng hồ do tôi phải trực tiếp bay sang châu Âu tới 2-3 lần mới có thể mua được", anh Thuộc kể lại.
Anh Phạm Văn Thuộc (xóm 10, xã Thụy Bình,Thái Thụy, Thái Bình) chủ nhân của bộ sưu tập đồng hồ cổ nhà thờ châu Âu. Ảnh: Reuters. |
Sau gần 20 năm nghiên cứu, sưu tầm với niềm đam mê bất tận, giờ đây, ông Thuộc đã sở hữu một “bảo tàng” đồng hồ nhà thờ châu Âu vào loại hiếm có trên thế giới. Phạm Văn Thuộc xem những chiếc đồng hồ như một phần của cuộc sống của anh, còn người dân vùng quê miền Bắc Thái Bình lại xem đó là những thức quà quen thuộc vào mỗi buổi sáng khi những tiếng vo ve, tích tắc và chuông cứ vọng ra từ cơ ngơi đồng hồ cổ đồ xộ.
Đến thời điểm này, Phạm Văn Thuộc không chỉ là người được Hội kỷ lục gia Việt Nam (VIETKINGS) xác lập kỷ lục người có bộ sưu tập đồng hồ công cộng nhiều nhất cả nước mà còn được mệnh danh là người có bộ sưu tập đồng hồ cổ châu Âu nhiều nhất châu Á.
Một trong những chiếc đồng hồ cổ nhất trong bộ sưu tập "cổ máy thời gian" của người con Thái Bình. Ảnh: Reuters |
Từ người sưu tầm trở thành người thợ sửa đồng hồ, thợ hàn, thợ sơn
Không dừng lại ở việc nghiên cứu hay sưu tầm đồng hồ cổ, anh Thuộc còn tự hào bởi bản thân anh cũng đã có thể tự sửa chữa đồng hồ, hay thậm chí là trở thành cả thợ hàn, thợ sơn để có thể góp phần hoàn thiện những cỗ máy của riêng mình.
Được biết, trong số 20 chiếc đồng hồ người con quê lúa Thái Binh đang sở hữu có những con máy để có thể vận chuyển về Việt Nam phải mất từ 2-3 năm. Vì thế, khi tận mắt quan sát tất cả "cổ máy thời gian" và lắng nghe anh Thuộc chia sẻ thì mới hiểu được rằng, sẽ không có gì là sai nếu nói Phạm Văn Thuộc là một tay thợ sửa đồng hồ cổ chuyên nghiệp.
|
Các chi tiết nguyên bản từ chân đến máy đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Ảnh: Dân trí. |
"Ở Việt Nam, đâu có mấy người đam mê loại đồng hồ này, người hiểu biết và có thể sửa chữa chúng thì lại càng hiếm nên mỗi ngày, tôi đều tự mày mò thêm một chút. Có những con máy về tới Việt Nam rồi nhưng cũng chưa vội mừng vì tôi phải dày công nghiên cứu tới vài tháng trời mới có thể chạy ổn định được.
Quá trình sửa chữa rất công phu, nhiều khi bản thân tôi cũng không thể làm được việc gì khác do toàn bộ tâm trí đã dành trọn vào những con máy ấy. Lại có những con máy gần như nguyên bản hoàn toàn, không cần gia công gì thêm, mang về là đã có thể vận hành luôn dù đã có tuổi đời hàng trăm năm", anh Thuộc nhớ lại những khó khăn trong suốt hành trình theo đuổi đam mê của mình.
Không chỉ là người nghiên cứu và sưu tầm hàng trăm chiếc đồng hồ cổ, anh Thuộc còn là một người thợ sửa chuyên nghiệp. Ảnh: Reuters. |
Trao đổi với phóng viên tờ Reuters, anh Thuộc càng hào hứng hơn khi được hỏi về chiếc đồng hồ đặc biệt nhất. Anh niềm nở chia sẻ: “Tôi có một chiếc đồng hồ được sản xuất tại Ý, là chiếc đồng hồ lâu đời nhất và có từ năm 1750. Có lẽ điều tôi thích nhất ở nó là mặc dù được làm cách đây nhiều năm nhưng nó vẫn hoạt động đúng giờ và cực kỳ chính xác. Thật hạnh phúc vì bản thân có cơ hội được sở hữu những chiếc "cổ máy thời gian" độc nhất vô nhị. Thậm chí, ngay cả khi chúng được sản xuất cùng năm bởi cùng một nhà sản xuất cũng không có sự trùng hợp nào xảy ra".
Theo đuổi đam mê không phải là điều đơn giản
Người được mệnh danh là người có người có bộ sưu tập đồng hồ cổ châu Âu nhiều nhất châu Á cho biết: "Hiện nay, tôi có tất cả 13 chiếc đồng hồ công cộng, đều là những chiếc sản xuất từ những năm đầu thế kỷ XIX, thường được sử dụng tại quảng trường ở các nước châu Âu. Mặc dù đều là những “cỗ máy khổng lồ” nhưng chúng chạy rất tốt, đánh chuông rất hay. Đây là thành quả của cả quá trình đam mê nghiên cứu và sáng tạo".
Song, anh Thuộc cũng thừa nhận rằng "theo đuổi đam mê không phải là điều đơn giản" bởi lẽ có cơ duyên tìm gặp và thuyết phục để có thể mua được những “cỗ máy thời gian” khổng lồ này đã khó, nhưng để mang chúng về Việt Nam lại càng khó hơn. Nếu không vì sự đam mê thì chắc chắn không thể hiện thực được. Quả thực hiện nay, để tìm được một nơi trưng bày hàng trăm chiếc đồng hồ cổ, không phải điều đơn giản".
|
Nhiều cỗ máy đã có niên đại hàng trăm năm được anh Phạm Văn Thuộc kỳ công mang về từ châu Âu. |
Chia sẻ với tờ Reuters, anh Thuộc giải bày: "Hiện tại, các quảng trường ở châu Âu thường lắp đồng hồ điện tử chứ không phải đồng hồ máy cơ nữa. Vậy nên, khi người châu Âu nhớ về quá khứ, họ sẽ tìm đến những chiếc đồng hồ máy. Tôi tin rằng, với nhiệt huyết và niềm đam mê “cỗ máy thời gian”, tôi vẫn sẽ tiếp tục sưu tầm, tìm hiểu. Và biết đâu, sẽ gặp được những bộ đồng hồ đặc biệt hơn những bộ đồng hồ mà tôi đang có".
Một chiếc đồng hồ thờ cổ của châu Âu được bày trí tại sân nhà của anh Phạm Văn Thuộc. Ảnh: Reuters. |
Mặc khác, ở thời đại của những thay đổi về công nghệ như hiện nay, việc đồng hồ điện tử dần thay thế đồng hồ máy cơ ở châu Âu, anh Thuộc càng hy vọng bộ sưu tập của mình có thể lưu giữ một phần lịch sử đã biến mất. Bằng niềm đam mê và tự hào của chính bản thân về "bảo tàng" đồng hồ cổ châu Âu, người con quê lúa Thái Bình tâm niệm: "Những chiếc đồng hồ nhắc nhở tôi về sự quý báu của thời gian, và từ đó khiến tôi thêm trân trọng hơn từng phút, từng giây hiện hữu trên cuộc đời này".