Thời gian qua, tình trạng cuộc gọi quấy rối người dùng (cuộc gọi rác), gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt hàng ngày của người dân có chiều hướng ngày càng gia tăng.
Mới đây, các nhà mạng đã thống nhất về việc sẽ cùng chặn cuộc gọi rác bằng các biện pháp kỹ thuật. Theo đó, căn cứ vào số lượng cuộc gọi bất thường, tần suất cuộc gọi, khoảng cách giữa các cuộc gọi, độ dài cuộc gọi và phản hồi của người dùng di động, nhà mạng sẽ dựa trên cơ sở đó để xác định một thuê bao có phải nguồn phát sinh cuộc gọi rác hay không, theo VietNamNet.
Thực tế cho thấy, rất nhiều người dùng di động đã bị làm phiền bởi những cuộc gọi rác hàng ngày. Sự phiền phức ngày một tăng lên khi những cuộc gọi rác được thực hiện bất kể giờ giấc. Cuộc gọi rác tập trung nhiều nhất vào các dịch vụ như rao bán nhà đất, căn hộ, condotel, mời mua bảo hiểm, các dịch vụ tài chính, học tiếng Anh… Không thể phủ nhận việc quảng cáo qua điện thoại (telesales) là một trong những kênh tiếp cận khách hàng rất hiệu quả nhưng để ra "nông nỗi" này là do đâu?
Những “cuộc gọi rác” nhằm chào mời sản phẩm dịch vụ không chỉ làm phiền mà thậm chí còn gây hoang mang cho nhiều người do thông tin cá nhân bị tiết lộ. Thậm chí, nhiều trường hợp oái oăm cho chủ thuê bao lại đến từ telesales.
Chị Hà (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) kể lại câu chuyện đầy éo le: Hôm đó, tôi đang đi viếng đám ma người bạn. Trong không khí tang thương của gia đình, ai cũng buồn bã, rơi lệ thì chuông điện thoại rung lên bần bật. Lần một không nghe, chuông lại rung lên lần hai. Sợ có việc quan trọng, cắm vội nén hương chưa kịp khấn chị rút điện thoại nhỏ nhẹ: “Dạ, a lô ai đấy ạ”.
Một giọng nói thánh thót như chim họa mi đầu dây bên kia vang lên: “Chị Hà ơi, chị đã chọn được ngày cưới chưa. Trung tâm tiệc cưới chúng em đang triển khai chương trình mùa chim làm tổ, khuyến mãi thiên thần, tặng hoa và giảm 30% album ảnh đẹp long lanh. Chị đến với chúng em nhé, rẻ mà ấm áp lắm chị ạ”. Cơn giận ứ lên tận cổ nhưng đang trong đám tang, chị chỉ có thể tắt máy chấm dứt cuộc gọi chứ không thể làm gì hơn.
Chị Nga (ngụ tại Q.Tân Bình, TP.HCM) kể: Hầu như liên tục trong những tuần qua, cứ ngay sáng thứ hai đầu tuần là chị nhận được cuộc gọi xưng nhân viên của một ngân hàng (NH) A để mời chào chị vay vốn. Mỗi ngày, chị nhận được từ 2 - 3 cuộc điện thoại từ các dịch vụ khác nhau. “Điều đáng bực mình là cùng NH đó nhưng mình đã từ chối nhiều lần mà sao họ vẫn cứ gọi hoài. Có khi một tuần gọi đến 3 lần vẫn với một nội dung. Họ làm việc kiểu gì vậy? Không sợ tốn tiền gọi sao? Quá kỳ lạ”, chị Nga chia sẻ.
Hay như Trung, một sinh viên đang ngụ tại Q.Tân Phú (TP.HCM) thuật lại những câu chuyện khá hài khi anh hay nhận được những cuộc điện thoại bán hàng ngược đời như bán thuốc mọc tóc cho người bị hói; bán thực phẩm chức năng chống lão hóa…
“Mình đang là sinh viên mà toàn được mời mua mấy sản phẩm cho người già, hóa ra họ chỉ biết có số điện thoại và cứ thế mà gọi chứ không biết già trẻ, lớn nhỏ thế nào. Thậm chí có lần mình mở điện thoại để đó nhưng không nói gì, bạn bên kia nói một lúc xong không nghe trả lời lại quay sang chửi mình là bất lịch sự. Thiệt không hiểu họ làm dịch vụ kiểu gì?”, Trung ngán ngẩm.
Nhưng “khủng bố” nhất hiện nay có lẽ là những cuộc gọi bất tận từ các công ty bảo hiểm. Rất nhiều khách hàng cảm thấy giận dữ nhưng bất lực khi bị tấn công bất kể giờ nào, nơi nào từ các “cuộc gọi rác” này.
Anh K.H (Q.4) giận dữ kể hầu như ngày nào anh cũng bị nhân viên của công ty bảo hiểm D làm phiền. Lúc đầu anh còn lịch sự trả lời nhưng có khi vừa dứt cuộc điện thoại, lại có cuộc khác gọi đến vẫn của công ty bảo hiểm này nhưng là một người khác. Riết rồi anh đâm giận dữ, trả lời cộc lốc. “Sự đeo bám của họ biến tôi thành người thô lỗ, bất lịch sự. Tôi không thể chịu đựng nổi nhưng tôi bất lực, chỉ có không dùng điện thoại nữa mới thoát”, anh K.H bức xúc.
Anh H.T (Q.7, TP.HCM) thì thực sự bị khủng hoảng khi nhận quá nhiều “cuộc gọi rác” cùng cách thức “tấn công” của họ. “Có bữa họ gọi, tôi vừa mở máy thì đầu máy bên kia hỏi “Anh có phải là phụ huynh của em Nguyễn... đang học ở trường... không?”. Mới nghe câu đầu tiên, tôi đã thót tim vì lúc này đang là giờ học, tưởng con gái xảy ra chuyện gì.
Ai dè, đến câu sau thì phía gọi tự giới thiệu là ở một trung tâm ngoại ngữ mời đưa bé đến tham gia buổi học thử”, anh H.T kể và nói thêm: “Thực sự lúc đó tôi rất muốn chửi thề. Gọi kiểu này, ai mà yếu tim có thể đột quỵ chứ không đùa”. Thực tế, các cuộc gọi tương tự từ các trung tâm ngoại ngữ, trung tâm dạy kỹ năng, bảo hiểm... rất nhiều và không ai hiểu vì sao những nơi này có được cả danh sách điện thoại bố mẹ kèm theo tên con mình.
Anh Ngô Thanh T. (TP.Bắc Ninh) kể lại chuyện mới đây một nhân viên công ty bảo hiểm nhân thọ gọi điện đến số di động mời chào mua gói sản phẩm hưu trí cho người già mà đến giờ vẫn chưa hết hoảng. “Thông tin cá nhân của gia đình, chúng tôi thường rất cẩn trọng giữ kín nhưng không hiểu họ thu thập ở đâu, khi nào mà đọc vanh vách tên mẹ tôi, vừa nghỉ hưu, bao nhiêu tuổi rồi mời mua gói bảo hiểm để dưỡng già”, anh T. nói.
Việc trung tâm gym, yoga tại Q.Ba Đình (Hà Nội) có số điện thoại của mình khiến mấy ngày nay anh V. (ngụ Hà Nội) mất ăn, mất ngủ. Ngày nào anh cũng bị đầu máy 04.629532xx tra tấn mời đi tập gym (thể hình) để có được thân hình săn chắc, 6 múi.
“Họ săn lùng mình bất cứ lúc nào, mà tài ở chỗ không chỉ số điện thoại họ còn biết mình thân hình hơi gầy gò, độc thân. Cứ ra rả qua điện thoại, đến với chúng em đi. Anh vừa được khám sức khỏe miễn phí, lại có huấn luyện viên tập riêng. 3 tháng đầu tăng 4 - 5 cân, 6 tháng sau bụng bắt đầu có múi, 1 - 2 năm là sẽ đầy đặn, săn chắc. Anh qua mua thẻ hội viên dài hạn chúng em giảm giá 40 - 50% anh nhé”, anh V. rầu rĩ thuật lại.
Theo các chuyên gia, về lâu dài để nâng cao hiệu suất telesales, các công ty cần đo lường từ số lượng đến chất lượng cuộc gọi. Cách đơn giản là thiết lập tổng đài kiểm soát cuộc gọi để ghi âm và kiếm soát số lượng cuộc gọi, đánh giá chất lượng gọi. Ngoài ra, các doanh nghiệp nên áp dụng các phần mềm thu thập, hệ thống hóa dữ liệu của từng yếu tố như: từ khóa, cú pháp câu, ngữ điệu giọng nói,… từ đó, đưa ra các công thức tối ưu. Việc rút kinh nghiệm cũng cần được thực hiện theo tần suất hằng ngày.
Thực tế, hiện có rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ cài autocall cho phép tự động gọi ra theo danh sách nhập sẵn trên hệ thống với nội dung có trước. Đơn giá theo số lượng cuộc gọi, dao động 200.000-300.000 đồng cho 1.000 cuộc gọi trong vòng 7 ngày. Nếu sử dụng nhiều và thường xuyên, giá còn giảm thêm.
Vì vậy, việc chặn cuộc gọi rác là chủ trương đúng đắn của Bộ Thông tin & Truyền thông nhằm làm trong sạch hóa thị trường viễn thông, giảm những phiền hà, khó chịu cho người sử dụng.