Sáng 8/4, trao đổi với PV Infonet, hoạ sĩ Lê Tâm người chứng kiến vụ việc xảy ra hơn tại Báo Văn nghệ xác nhận bản tường trình mà chị Dạ Thảo Phương chia sẻ trong thư ngỏ tố cáo PTBT báo Văn nghệ là “do tôi viết”.
“Việc này sự tham gia của tôi là ghi lại được một văn bản tường trình, trong đó ghi rất rõ sự việc diễn ra”, hoạ sĩ Lê Tâm nói.
“Quan điểm của tôi hay tất cả những người khác thì việc người phụ nữ bị hại cần phải được giải quyết, xem xét một cách đầy đủ”, Hoạ sĩ Lê Tâm chia sẻ quan điểm về sự việc.
Theo ông, ở thời điểm đó vụ việc chưa được xử lý đầy đủ, thấu đáo. Từ cách xử lý đó, dẫn đến câu chuyện đeo đẳng với người trong cuộc đến hơn 20 năm.
Bản tường trình do hoạ sĩ Lê Tâm viết vào ngày 20/4/2000 |
"Có những việc giấu kín sau một thời gian không giải quyết, đến một lúc nào đó sẽ quay trở lại", hoạ sĩ nói và cho rằng Hội Nhà văn Việt Nam, Báo Văn nghệ cần xem xét lại sự việc để rõ ràng mọi việc.
“Không nên để hiện tượng như này kéo dài, bởi sẽ không chỉ là một trường hợp này mà còn rất nhiều trường hợp khác nữa. Thực tế phụ nữ chịu thiệt thòi rất nhiều từ cách xử lý của bản thân cho đến góc nhìn của xã hội về sự việc. Đã có rất nhiều góc nhìn khác nhau, không phải góc nhìn nào cũng ủng hộ.
Tất nhiên những người mà có cách nhìn nghiêm túc sẽ mong muốn việc này được giải quyết một cách đầy đủ, dù câu chuyện đã xảy ra hơn 20 năm rồi.
Mà thực ra hai mấy năm hay mấy trăm năm thì vẫn cần được xem xét lại”, hoạ sĩ Lê Tâm nhấn mạnh.
Từ khi thư ngỏ tố cáo của Dạ Thảo Phương được tung lên mạng, đã có nhiều ý kiến cho rằng đã quá thời hạn hiệu lực để xem xét, nhưng hoạ sĩ Lê Tâm cho rằng “điều đó không có ý nghĩa”.
“Cho dù có văn bản quy định về điều này nhưng sự việc này là vấn đề nghiêm trọng, cần phải nhìn nhận một cách nghiêm túc.
Không chỉ riêng vấn đề này mà tôi nghĩ vấn đề nào cũng vậy. Thời hạn là do con người quy định, đặt ra, hoàn toàn chủ quan. Hiện tượng này, sự việc này là vấn đề nghiêm trọng, cơ quan chức năng phải làm việc theo trình tự. Còn việc xem xét lại, tìm lại các manh mối liên quan để giải quyết vấn đề theo tôi không có thời hạn”, hoạ sĩ Lê Tâm cho hay.
Theo bản tường trình, trưa ngày 14/4/2000, khoảng sau 13 giờ, hoạ sĩ Lê Tâm đang ở phòng vi tính thì nghe tiếng gọi của nhà thơ Bế Kiến Quốc. Hoạ sĩ đã chạy lên tầng 3 cùng một số người khác.
Tại phòng Văn nghệ trẻ, hoạ sĩ Lê Tâm mở cửa ra và ghi trong bản tường trình: Lúc này, anh Lương Ngọc An đang ở tư thế chồm lên chị Dạ Thảo Phương, hai bàn tay ở khu vực cổ của chị Dạ Thảo Phương.
Chị Dạ Thảo Phương giãy giụa và kêu cứu, tiếng kêu không bình thường. Khi tôi tới gần anh Lương Ngọc An và chị Dạ Thảo Phương thì anh Lương Ngọc An bắt đầu buông tay ra khỏi chị Dạ Thảo Phương.
Sau đó, ông Tâm cùng phóng viên Phong Điệp, Nhật Hà ở lại giúp chị Dạ Thảo Phương lấy lại bình tĩnh.
Theo ghi nhận của hoạ sĩ Lê Tâm lúc đó, một ngón tay của chị Dạ Thảo Phương bị sưng và chảy máu. Sự việc đã được báo cáo với ông Trương Vĩnh Tuấn – Phó Tổng Biên tập Báo Văn nghệ thời điểm đó.
Nhận định về sự việc hoạ sĩ Lê Tâm đã viết trong bản tường trình rằng “bản thân tôi thấy sự việc trên là một sự việc rất không bình thường tại một cơ quan của Hội Nhà văn Việt Nam, một tờ báo có uy tín của cả nước, và tôi có trách nhiệm tường trình sự việc trên để cơ quan xem xét".
Trước đó, vào tối 6/4, tài khoản xã hội mang tên Dạ Thảo Phương đã đăng tải nội dung thư ngỏ tố cáo PTBT Báo Văn nghệ Lương Ngọc An đã cưỡng dâm và vu khống chị nhiều năm trước.
Trong đơn, chị Dạ Thảo Phương cũng cho biết, lý do đến tận bây giờ mình mới lên tiếng vì: “Tôi cần phải lên tiếng. Đó là một đòi hỏi bức thiết của cá nhân tôi, với tư cách là một nạn nhân khổ đau oan ức, cũng là một đòi hỏi của thực tế xã hội đối với trách nhiệm của một công dân, đòi hỏi của lương tri đối với một người cầm bút”.