Những bác sĩ không mặc áo blouse trắng
Bước vào một cuộc chiến chưa từng có, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội huy động tổng lực, tung 65 đội phản ứng nhanh "ra trận". Trong đó, 60 đội tại các quận huyện và 5 đội tinh nhuệ đóng ở tuyến thành phố. Mỗi đội có từ 6 - 8 thành viên thường trực 24/24, bất kể thời gian ngày hay đêm, có lệnh là lên đường.
Nhiệm vụ chính của hơn 500 "thợ săn virus" là giám sát, lấy mẫu, điều tra dịch tễ ở tất cả các khu cách ly tập trung, bệnh viện, cho đến từng ca nghi nhiễm cụ thể ở ngoài cộng đồng…
Lực lượng chức năng phun khử khuẩn tại thôn Hạ Lôi, Mê Linh. Ảnh: TTXVN |
Mặc dù không trực tiếp tham gia khám chữa, cấp cứu bệnh nhân, nhưng các y, bác sĩ, cán bộ làm công tác y tế dự phòng luôn là những người đi đầu trong “trận chiến” chống dịch bệnh COVID-19, xông pha vào các vùng tâm điểm để kiểm soát, dập dịch nhanh chóng và hiệu quả.
Chia sẻ với phóng viên Lao động thủ đô, Bác sĩ Chuyên khoa II Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hà Nội cho biết: Nhằm quyết liệt phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn huyện Mê Linh, thực hiện sự chỉ đạo của Sở Y tế Hà Nội, tối 9/4, 5 đội cơ động của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, 30 đội cơ động của 30 Trung tâm y tế quận/huyện/thị xã và 20 sinh viên đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho người dân thôn Hạ Lôi.
Cùng với sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, sự tham gia của cán bộ y tế dự phòng, ngay trong đêm, người dân xã Hạ Lôi đã được mời đến theo danh sách, được đón tiếp, hướng dẫn kê khai y tế và thực hiện lấy mẫu xét nghiệm dịch bệnh COVID-19. Các nhân viên y tế đã bắt đầu lấy mẫu xét nghiệm từ 18h tối 9/4 cho đến khoảng 2h sáng ngày 10/4. Qua đó, đã lấy được 1.675 mẫu xét nghiệm.
Được biết, mỗi mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân đều được nhân viên y tế ghi chép, mã hóa, tách chiết, phân loại… một cách tỉ mỉ và thận trọng. Việc lấy mẫu xét nghiệm phải tuân theo quy tắc nghiêm ngặt về quy trình, bởi chỉ một sơ suất nhỏ sẽ ảnh hưởng kết quả xét nghiệm và độ chính xác.
Sẵn sàng lên đường bất kỳ lúc nào, làm việc từ 13-15 tiếng mỗi ngày
Hiện nay, mỗi ngày Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố đều triển khai các đội phản ứng nhanh phòng chống dịch thường trực và sẵn sàng lên đường bất kỳ lúc nào có thông tin về trường hợp liên quan tới nhiễm bệnh COVID-19.
Các y, bác sĩ làm công tác y tế dự phòng tại thôn Hạ Lôi, Mê Linh. Ảnh cắt từ clip. |
Với những nhân viên y tế được điều động trong đêm, theo bác sĩ Khổng Minh Tuấn, họ là những người đi vào "tâm dịch", trực tiếp tiếp xúc với các trường hợp nghi nhiễm để lấy mẫu xét nghiệm, từng giây, từng phút đối diện với nguy cơ lây nhiễm COVID-19, song tất cả đều sẵn sàng nhận nhiệm vụ, vì sức khỏe của cộng đồng.
Trung bình mỗi ngày các đội phản ứng nhanh của CDC phải lấy hàng nghìn mẫu bệnh phẩm. Theo tính toán, mất khoảng 5 phút để kỹ thuật viên lấy được 1 mẫu hoàn chỉnh, chưa tính thời gian di chuyển, chuẩn bị dụng cụ, khử khuẩn nội bộ... Như vậy, giữa tâm dịch, một nhân viên y tế phải làm việc từ 13-15 tiếng mỗi ngày mới hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Khi mẫu về, toàn bộ các phòng thí nghiệm của CDC Hà Nội làm việc 24/24 giờ, chia 4 ca liên tục. Tất cả vì mục tiêu mẫu bệnh phẩm phải được xét nghiệm ngay, trả kết quả sớm nhất, chính xác.
Đại bản doanh của CDC Hà Nội là toà nhà 11 tầng. 3 giờ sáng 6/3, toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố họp khẩn, khởi động giai đoạn mới của chiến dịch. Từ đó đến nay, "đèn từ khu xét nghiệm sáng triền miên", tiến sĩ Nguyễn Thị Kiều Anh, Phó giám đốc CDC Hà Nội, nhớ lại.
"Phải nói là chị biết ơn các bạn ấy. Vì tất cả đã làm việc với một tinh thần tuyệt vời. Mỗi lần vào labor ngồi box cấy, nghĩa là phải sau 4-5 tiếng xong hết việc mọi người mới được ra. Bây giờ gần 12 giờ trưa, các bạn chưa ăn gì đâu, nhanh nhất khoảng 3-4 giờ chiều mới có thể ra.
Lúc ấy, thương đến chảy nước mắt, sưng hết cả hai vùng má không khác gì Vũ Hán. Khó thở, mệt lả nên chỉ ngồi uống nước và uống sữa, thở một lúc, xong lại vào chiến đấu tiếp. Một ngày 24 tiếng, 4 ca liền chạy như thế, mà toàn phụ nữ".
Yêu cầu kỹ thuật trong labor là các bác sĩ, kỹ thuật viên không được làm việc liên tục suốt 8 tiếng đồng hồ. Vì vào đó, họ phải mặc trang phục phòng hộ chuyên dụng trông giống như phi hành gia. Bộ đồ đó rất kín, mặc vào phải làm việc liên tục như một cỗ máy.
Trong khi cơ thể chỉ chịu đựng được 4 tiếng. Thực hiện công việc nhẹ hơn một chút may ra được 6 tiếng. Trong 4-6 tiếng đó, ngứa không được gãi, khát không được uống, vệ sinh không được đi. Nếu cởi ra coi như đã hủy bộ quần áo đó.
Trong tình hình bây giờ, một bộ đồ bảo hộ đúng quy chuẩn như vậy rất quý hiếm, có tiền cũng không mua được. Kỹ thuật viên một phần vì tiết kiệm, phần quan trọng hơn, trong ca làm nếu hở ra một chút xíu thôi coi như mang luôn nguy cơ lây nhiễm vào người.
"Kể cả uống nước bằng ống hút cũng không được, ống hút vẫn cần phải kéo khẩu trang ra. Kéo khẩu trang ra là lây nhiễm. Anh em cứ nói đùa có khi phải mặc bỉm. Nhưng thực ra cần gì bỉm đâu, vì mặc bộ đấy vào, mồ hôi vã ra hết nước rồi" - ông Khổng Minh Tuấn chia sẻ.
Mỗi ngành, lĩnh vực đều có những khó khăn, vất vả đi kèm niềm vui và hạnh phúc riêng. “Bởi lẽ, thông thường với mỗi bác sĩ điều trị, khi thành công là cứu được một ca bệnh hay một số ca bệnh. Nhưng thành công của hệ thống y tế dự phòng hay cán bộ y tế dự phòng nói chung sẽ bảo vệ cho cả một quần thể cộng đồng không bị các dịch bệnh khác nhau.
Bởi vậy, chúng tôi dù không có bệnh nhân nhưng lại có thể bảo vệ sức khỏe của rất nhiều người, đó là niềm hạnh phúc khó tả của những bác sĩ công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng”, bác sĩ Khổng Minh Tuấn cho biết thêm.