Mạng xã hội Trung Quốc đang xôn xao một đoạn video về cậu bé 11 tuổi. Khi đang làm bài tập về nhà cậu bé này bất ngờ tự tát mạnh vào má mình. Điều này khiến nhiều người cảm thấy tò mò.
Được biết, cậu bé trong clip là học sinh lớp 5, đang chuẩn bị cho kỳ thi vượt cấp. Hôm đó vì không làm được bài tập, thấy bản thân ngu ngốc nên mới tự tát vào mặt.
Phía trước cậu bé, trên giá sách có treo tờ giấy với hai câu viết chữ to: "Cha mẹ đã làm việc chăm chỉ, tôi không thể lười biếng. Nếu không có lỗi với họ"; "Học không tốt sẽ không vào được trường đại học danh tiếng. Điều đó coi như cuộc đời đã kết thúc..."
Ảnh minh họa. |
Giáo sư tâm lý học Đại học Bắc Kinh Từ Khải Văn từng nói, trẻ em ngày nay được sinh ra trong mật ngọt, nuôi trong nhà kính. Kỳ vọng của phụ huynh ngày càng cao, khả năng chống đỡ với thế giới bên ngoài của trẻ ngày càng thấp.
Một người mẹ ở Thượng Hải chia sẻ câu chuyện của con gái lên trang cá nhân. Cô bé 9 tuổi bị rụng tóc nặng dẫn tới hói đầu. Khi đưa con đến bệnh viện, người mẹ bất ngờ khi bác sỹ chẩn đoán đây không phải rụng tóc tự nhiên, mà do chính cô bé tự nhổ.
"Áp lực học tập căng thẳng, cộng với thái độ nghiêm khắc từ bố mẹ, chương trình học kín tuần... khiến cô bé bị stress. Tự nhổ tóc mình trở thành phương pháp duy nhất giải tỏa căng thẳng", bác sĩ điều trị tâm lý chia sẻ.
"Văn hóa 996": Làm việc từ 9h sáng đến 9h tối 6 ngày mỗi tuần, trước đây chỉ sử dụng trong công việc, nay được áp dụng trong học tập ở Trung Quốc. Nhiều đứa trẻ vì áp lực học tập mà dẫn đến ảnh hưởng tâm lý, sức khỏe, tinh thần và cả thể xác.
Một nghiên cứu chỉ ra, một số trẻ trước 15 tuổi não bộ phát triển chậm hơn so với bạn bè cùng trang lứa, vì thế "khả năng thức tỉnh" trong học tập yếu hơn. Là cha mẹ, không nên sử dụng một thước đo duy nhất cho sự thành công của trẻ. Thay vào đó, hãy chấp nhận những thiếu sót để tìm ra con đường phù hợp nhất hỗ trợ trẻ. Như vậy, mọi đứa trẻ đều có thể trở thành một tài năng hữu ích.