UBND TP.HCM yêu cầu tạm dừng hoạt động bán vé số của đại lý vé số và bán vé số dạo trên địa bàn thành phố, tạm dừng các dịch vụ ăn uống mang về trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 9-7. Nhiều người bán vé số lâm vào cảnh lao đao, vốn dĩ thu nhập đã thấp nay còn nỗi lo miếng cơm manh áo.
Tại con hẻm dưới chân cầu Nguyễn Văn Cừ (quận 1) là căn nhà trọ của hơn 30 người bán vé số ở TP.HCM. Người ở đây có đặc điểm chung là đến từ Phú Yên, cao tuổi hoặc khuyết tật. Họ hoạt động theo mô hình một người đứng ra làm quản lý, thuê nhà, lãnh vé số từ đại lý và chia cho các thành viên còn lại đi bán.
Ông Ngô Văn Tiến, một trong những người bán vé số cho biết: “Ngoài chợ bữa nay nẫu (họ, người ta - tiếng địa phương - PV) bán giá cắt cổ quá! Ai đời bán 2 trái cà 7.000 đồng, bó cải ngọt gần 20.000 đồng”.
Bà Sáu Lan (75 tuổi) kể: “Ngủ xếp lớp như cá mòi vậy cháu. Mỗi người được vài ô gạch, cựa mình cũng chật. Mà kệ, mọi người đi bán mệt rồi nên ngủ ngon”.
Từ khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, buổi chiều ở căn nhà trọ không còn tất bật, mỗi người không còn có việc để làm.
Bà Như Mai (62 tuổi) cho biết: “Kinh tế khó khăn, đâu ai dư giả để mua vé số. Nhiều bữa tôi đi bộ từ 5h chiều tới 4h sáng mà vẫn chưa bán hết. Về nhà ngủ một chút rồi 6h dậy đi bán cho kịp”.
Đồng cảnh ngộ, bà Lan (60 tuổi) vẫn từng ngày mưu sinh ở đất khách, vừa tự chăm lo cho bản thân vừa gửi tiền về cho người chồng khuyết tật. “Thôi, mùa dịch mà có chỗ ở, có miếng ăn là phước rồi” - người trong nhà tự an ủi nhau.
Bà Như Mai tiếp lời: “Nẫu biết mình khổ, nên nẫu thương. Mà nhà đâu có tủ lạnh, rau củ chỉ để đủ ăn, còn lại đem chia cho hàng xóm. Giờ ai cũng khó hết à”.