• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những người nội trợ chuyên nghiệp ở Nhật Bản

Với giá trị quan ngày càng thay đổi và đa dạng, phụ nữ Nhật có rất nhiều lựa chọn trong...

Nhật Bản có tỷ lệ phụ nữ nắm giữ vai trò lãnh đạo hoặc tham chính thấp trên thế giới và thường bị các nhà hoạt động về bình đẳng giới phê phán và kêu gọi tăng cường vai trò của phụ nữ. Nhiều người sẽ đặt câu hỏi: Một nước phát triển, với quy mô kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới, tại sao vai trò của phụ nữ Nhật lại không được coi trọng như vậy? Là người đã sống với gia đình chồng là người Nhật Bản hơn 30 năm tôi thấy vấn đề không hẳn là như vậy.

Cơ cấu gia đình của Nhật Bản thường theo một hình mẫu: chồng đi làm toàn thời gian để nuôi gia đình còn vợ lo chu toàn việc gia đình. Có thể nói đây là sự phân công trách nhiệm trong gia đình. Vì thế không cho chuyện chồng nói rằng “Tôi đi làm để nuôi cô” và người vợ không thường không bao giờ tự ti rằng “Mình phải ở nhà để chồng nuôi”.  

Những người nội trợ chuyên nghiệp ở Nhật Bản

Nội trợ ở Nhật Bản có rất nhiều việc phải làm. Ngoài việc gìn giữ nhà cửa cho đẹp đẽ, sạch sẽ, đảm bảo ngày 3 bữa ăn ngon, đầy đủ dinh dưỡng cho cả nhà, quan hệ hàng xóm láng giềng, thực hiện những nghĩa vụ của một hộ gia đình trong tổ dân phố, người phụ nữ còn phải lo lắng cho việc học tập của con cái, từ khi vào mẫu giáo cho tới khi tốt nghiệp đại học và xin việc làm. Việc lựa chọn trường mẫu giáo nào, tiểu học nào, hoặc cho con thi vào trường cấp 2 hoặc cấp 3 nào để có thể sau này vào được trường đại học nào... đa phần là do các bà mẹ suy nghĩ, lựa chọn và giai đoạn sau cùng là báo cáo lại với chồng để cùng nhất trí.

Họ là người cầm cân nảy mực trong quản lý tài chính của gia đình. Chi tiêu cho vấn đề gì, chi tiêu như thế nào, từ việc nhỏ đến việc lớn là công việc của người phụ nữ. Nhớ lại khi bố chồng tôi còn sống, có lúc ông phải đi bệnh viện ông đã thay quần áo, chuẩn bị sẵn sàng nhưng ra đến cửa thì dừng lại rồi gọi “Keiko ơi” (Keiko là tên mẹ chồng tôi). Thế là mẹ tôi chạy ra, đưa cho ông ví tiền và rồi ông mới đi được.

Nếu chỉ là những việc nội trợ như vậy thôi thì cuộc sống của họ thực là đơn điệu và buồn tẻ. Nhưng không phải vậy. Giữa những công việc gia đình bộn bề, họ vẫn bố trí thời gian để tham gia những lớp học tùy sở thích của mỗi người. Ví dụ học nấu ăn, học vẽ, học cắm hoa, học chụp ảnh hoặc học để lấy chứng chỉ về những kiến thức chuyên môn, ví dụ về rau quả, về rượu vang...

Những người nội trợ chuyên nghiệp ở Nhật Bản

Những ai đã từng làm việc học tập hoặc sinh sống ở Nhật Bản chắc đã biết cường độ làm việc cũng như những đòi hỏi trong công việc ở Nhật Bản là khá cao và khắt khe. Quy mô di chuyển từ nhà tới nơi làm việc cũng khá lớn, mất nhiều thời gian (trung bình là 1 tiếng đi xe điện). Sáng sớm đã ra khỏi nhà và về nhà khi đã tối muộn... nên việc duy trì được sự cân bằng giữa cuộc sống gia đình sau khi kết hôn với việc làm là điều khá vất vả đối với phụ nữ.

Năm 2019 đã xảy ra một vụ bê bối là 1 trường đại học Y khoa ở Nhật Bản đã tự ý giảm điểm của các thí sinh nữ để nhận thí sinh nam vào học bởi họ tính tới việc khi phụ nữ tốt nghiệp và vào làm việc tại các bệnh viện trực thuộc trường, thì hiệu quả kinh tế của bác sỹ nữ sẽ không cao so với các bác sĩ nam. Sau đó có một cuộc khảo sát về vấn đề này và kết quả thật ngạc nhiên: nhiều phụ nữ cho biết: họ không tán thành việc làm của trường đại học nói trên nhưng hoàn toàn thông cảm/hiểu được vì sao trường lại làm như vậy. Họ là phụ nữ và họ hiểu được vấn đề.

Nhiều phụ nữ, dù tốt nghiệp nhiều trường đại học danh giá nhưng khi quyết định lấy chồng hoặc khi quyết định có con thì thường họ đứng trước 2 con đường: hoặc là tiếp tục công việc hoặc nghỉ việc để trở thành người nội trợ chuyên nghiệp, có con và dành toàn bộ tri thức và sức lực của mình để nuôi dạy con cái trưởng thành.

Chính phủ của Nhật Bản dường như cũng khuyến khích hình mẫu gia đình chồng đi làm-vợ làm nội trợ khi áp dụng một hệ thống an sinh xã hội đảm bảo quyền lợi của người nội trợ. Nếu người vợ là nội trợ chuyên nghiệp thì sẽ được hưởng bảo hiểm y tế và lương hưu cùng với chồng. Mỗi khi đi khám bệnh cũng chỉ phải trả 30% chi phí thực. Khi người chồng mất, người vợ tiếp tục được hưởng phần lương hưu của chồng suốt đời.

Còn ngược lại nếu người vợ đi làm với tổng thu nhập mỗi năm trên 2 triệu yên (tương đương khoảng 20 nghìn đôla) thì sẽ bị mất tư cách ăn theo chồng và phải tự mình đóng các khoản tiền an sinh xã hội như những người độc lập khác. Chính vì chính sách này an sinh xã hội này đã giúp cho nhiều người phụ nữ quyết tâm chọn con đường trở thành nội trợ chuyên nghiệp. Hơn nữa, nếu thích, những phụ nữ này vẫn có thể kiếm một công việc làm thêm giờ và các công ty cũng luôn lưu ý đảm bảo sao cho số giờ làm việc và số lương của họ không vượt quá con số 20 nghìn đôla/năm để họ vẫn duy trì được tư cách là người ăn theo.

Những người nội trợ chuyên nghiệp ở Nhật Bản

Tuy vậy, theo sự phát triển của xã hội, và trong bối cảnh xã hội Nhật Bản đang già hóa, tình trạng thiếu nhân công ngày càng trầm trọng, cộng thêm việc năm 2016 chính phủ Nhật Bản ban hành luật về Bình đẳng cơ hội làm việc, thì việc duy trì lực lượng lao động nữ đang trở thành vấn đề mà tất cả mọi công ty đều phải giải quyết. Các chính quyền trung ương, địa phương và các công ty đều nỗ lực trong việc trợ giúp cho người phụ nữ có gia đình, có con...ví dụ tăng số nhà trẻ, thiết lập phòng trẻ ngay tại công ty, cho phép chồng được nghỉ phép trường hợp phải trông nom con cái hoặc cha mẹ bị ốm, cho phép làm việc từ xa... để phụ nữ có thể tiếp tục công việc mà vẫn đảm bảo được việc chăm nom gia đình mình. Bản thân người nam giới Nhật Bản cũng dần dần chủ động tham gia vào việc nhà, việc dạy con để vợ có thể tiếp tục công việc của mình.

Với giá trị quan ngày càng thay đổi và đa dạng, phụ nữ Nhật có rất nhiều lựa chọn trong cách sống của mình. Họ có thể chọn cách không kết hôn mà dành thời gian đi du lịch, làm những gì mình ưa thích, tận hưởng cuộc sống độc thân, hoặc lấy chồng mà không sinh con, tiếp tục dành thời gian cho công việc, hoặc lấy chồng, nghỉ việc và trở thành cái mà người Nhật gọi là “Nội trợ chuyên nghiệp”.

Vì vậy, có bình đẳng hay không, có trọng nam khinh nữ hay không, tôi cho rằng đây là quan điểm của mỗi xã hội, của mỗi người khi đánh giá một xã hội khác mình. Bản thân xã hội Nhật có những cách làm riêng đặc thù và người phụ nữ có nhiều lựa chọn cách sống phù hợp với nhân sinh quan và giá trị quan của thân mình.

Phạm Lan Anh

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật