Tôi gọi là “Tết Mẹ”. Đơn giản là vì Tết với tôi luôn gắn liền với hình ảnh người mẹ yêu kính. Mẹ là người có lẽ ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc đời tôi. Dấu ấn đậm nhất về mẹ là hai cái Tết tôi xa nhà. Một cái Tết tuổi ấu thơ và Tết kia tôi đã trưởng thành và ăn Tết ở chiến trường.
Nói về Tết, thế hệ chúng tôi sinh ra ít nhiều trùng thời điểm chiến tranh phá hoại, thế nên tôi phải xa mẹ về quê sơ tán ở Hà Nam, chỉ được gặp mẹ về thăm vào những dịp lễ Tết. Tết nào mấy anh em tôi cũng dài cổ đứng ở đầu làng đợi mẹ về. Bao giờ mẹ cũng về vào ngày áp Tết. Những dịp đó với lũ trẻ con chúng tôi là dịp vô cùng hạnh phúc. Ngoài tình cảm mẹ con, chúng tôi có quà Tết, có quần áo mới và dĩ nhiên cả những đồng tiền mừng tuổi để sau đó biến thành những trận bi đáo mê hồn.
Tết 1966, chiến tranh ác liệt lan đến cả cái làng quê bình yên tôi sơ tán. Trận địa pháo cao xạ đặt ở cánh đồng làng liên tục báo động chiến đấu. Năm ấy không hiểu vì lý do gì mà mẹ tôi không về trước Tết. Có nghe loáng thoáng mẹ nhắn sau Tết mới về được, gọi là Tết muộn.
Ảnh minh họa: internet. |
Ngày cận Tết, hợp tác xã tát ao chia cá cho các hộ xã viên. Trại chăn nuôi mổ lợn bán theo tiêu chuẩn tem phiếu. Hợp tác xã mua bán chia suất bán pháo, bán mứt và bánh kẹo... Tinh những thứ đám trẻ con thích nhất hạng. Bà ngoại tôi cùng cậu mợ tất bật gói bánh chưng, bó giò, rán cá chuẩn bị Tết rất xôm trò. Nhưng mấy anh em tôi buồn thiu. Khỏi nói, chúng tôi thất vọng nhường nào khi mẹ không về như mấy Tết trước. Sáng 30 Tết nhớ mẹ quá, tôi bàn với em trai hay là mình trốn về Hà Nội. Lúc ấy tôi lên mười tuổi. Em trai kế kém tôi hai tuổi lắc đầu quầy quậy. Nhưng ý tôi đã quyết. Tôi quyết định về nhà ăn Tết với bố mẹ.
Mười tuổi nhưng tôi là đứa trẻ ngỗ ngược và cũng rất sáng dạ, thông minh, láu lỉnh. Tôi biết cứ đi theo đường tàu hỏa là về đến ga Hàng Cỏ. Từ đấy tôi biết đường về nhà. Nói là làm, dặn dò kỹ em trai tôi ăn no bụng rồi lẳng lặng lỉnh khỏi làng từ sáng sớm. Cứ thế, tôi đi theo đường tàu hỏa. Tết ấy trời rét và có mưa phùn. Tôi quyết tâm cao độ và trí óc non nớt của đứa trẻ mười tuổi không thể tính hết những gì của chuyến hành trình đầy mạo hiểm và quá sức.
Nhiều năm sau tôi vẫn không quên những gì của chuyến đi ngược theo đường tàu ấy. Đi bộ nên ấm người, cái rét không là gì nhưng đói và khát thì không thể chịu nổi. Ngày 30 Tết nên trên đường vắng người, nhất là tôi đi dọc đường tàu nên chỉ có các nhà ga mới là nơi tập trung có người đi lại. Đói quá nên tôi trở nên liều lĩnh khác thường dám mò vào xin ăn. Có lẽ ngày Tết nên người dân hào phóng hoặc giả thấy thằng bé con như tôi nhếch nhác, bụi bặm nên thương xót. Tôi được nhân viên đường sắt cho ăn, uống. Đâu như phải quãng gần Giao thừa tôi mới mò đến được ga Giáp Bát và ngất xỉu vì quá mệt mỏi sau khoảng 50 cây số đi bộ. Tôi được sơ cứu và bó ấm. Tôi tỉnh lại nói số nhà rồi lại ngất xỉu.
Sau này mẹ tôi kể khi có người báo, tìm đến ga thì tôi đang ngủ mê mệt, người nhọ nhem nhọ thỉu. Mẹ khóc òa ôm lấy đứa con trai dại dột. Tôi nhớ mẹ bảo tôi trong giấc ngủ miên mải nhưng cười liên tục. Nụ cười gặp mẹ. Tôi cười trong những giọt nước mắt của mẹ lặng lẽ rơi xuống vì thương đứa con nghịch ngợm. Hôm sau mồng 1 Tết, mẹ bắt xe đưa tôi về quê. Cú đi bộ về Hà Nội ngày 30 Tết của tôi nổi tiếng khắp làng quê và trường học sơ tán. Còn may tôi không bị đánh đòn và đó là cái “Tết Mẹ” tôi ghi nhớ đến suốt đời.
Sau này lớn lên, tôi có những cái Tết xa nhà. Một cái Tết gieo vào tôi ấn tượng nhất về tình mẹ con là năm 1975 ở chiến trường Đông Nam Bộ. Lúc ấy, đơn vị chúng tôi đang tham gia vây đánh Phước Long. Đây là chiến dịch mở màn cho chiến dịch đường 14 đánh giải phóng tỉnh Bình Phước, chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc ngày 30/4/1975. Vẫn là cái Tết lính nhưng Tết đó rất đặc biệt.
Đường hành lang thông mở nên thư từ, quà cáp vào được tận chiến trường đúng dịp Tết. Tôi nhận được lá thư mẹ gửi. Nét chữ nguệch ngoạc sai lỗi chính tả nhưng gói đầy yêu thương của mẹ với đứa con trai bé bỏng nơi hòn tên mũi đạn. Mẹ thông tin chuyện gia đình, họ hàng, mẹ nhắn gửi những địa chỉ của bạn bè tôi đang trong chiến trường. Bao điều căn dặn từ gió mùa đông bắc (mẹ không biết trong đó không bị ảnh hưởng gió mùa) phải mặc ấm, quàng khăn rồi ăn uống đủ đầy, rồi yêu thương đồng đội, giữ gìn tránh bom, tránh đạn. Cánh lính đọc thư phì cười về sự lo lắng của mẹ nhưng anh nào anh nấy đều trầm tư suy nghĩ ngay sau đó. Tôi biết tất cả đều đang nhớ mẹ của mình, nhớ gia đình mình, nhớ Hà Nội đang vào xuân.
Tết đó chúng tôi nhận được nhiều quà từ hậu phương miền Bắc. Thuốc lá Tam Đảo, Điện Biên. Trà Hồng Đào, Ba Đình. Kẹo Hải Châu, Hải Hà. Nhiều thứ khác nữa. Một cái Tết đủ đầy vật chất và tràn ngập tinh thần lạc quan. Thậm chí chúng tôi còn có mứt Tết Hà Nội. Thật yêu thương. Chúng tôi dọn hầm pháo, lán ở trang hoàng bày biện tinh tươm. Hoa rừng lấy về nở bung đẹp đẽ. Cây hoa dân chủ với nhiều phần quà được đặt giữa trung tâm trận địa. Những cỗ pháo ngỏng cao trên nền trời, đêm ấy chúng tôi tổ chức đêm Giao thừa thật trang trọng. Ai cũng hiểu chiến trận đang sang một bước ngoặt và có thể không lâu nữa chiến tranh sẽ kết thúc. Cuộc vui Giao thừa đang diễn ra và tự nhiên tôi nhớ mẹ vô cùng. Hình ảnh mẹ tôi hiển hiện át đi mọi thứ đang diễn ra. Một cảm xúc dâng trào. Tôi rời khỏi cuộc vui của đồng đội đang đón Tết. Ra mâm pháo, tôi dùng đèn pin rọi sáng, kê viết rất nhanh bài thơ tặng mẹ.
Tôi không thạo mấy về thơ, chỉ viết khi có cảm xúc thôi thúc. Bài thơ “Khoảng trời của mẹ” được tôi cho ra đời vào lúc Giao thừa thiêng liêng ấy. Tôi không còn nhớ bài thơ, chỉ bập bõm vài bốn câu: “Khoảng trời xanh ôi khoảng trời mẹ dệt/ Từ lúc ru con khúc hát cánh cò/ Con khôn lớn trong vòng tay của mẹ/ Mở bầu trời rộng khắp bao la…”. Vừa viết, nước mắt tôi vừa tuôn trào. Lúc ấy tôi mới là chàng trai 19 tuổi đời. Tuổi vẫn rất cần vòng tay yêu thương của mẹ.
Sau cái Tết 1975 đó, chiến tranh kết thúc, cũng như bao người lính khác tôi rời quân ngũ trở về Hà Nội. Tôi không còn những cái Tết xa nhà nữa. Hạnh phúc cùng những Tết mẹ con, bà cháu quây quần ấm áp. Dù vậy, tôi luôn nhớ về hai cái “Tết Mẹ” tôi ghi tạc trong lòng. Mẹ tôi mất năm 2013, thọ 95 tuổi. Lá thư mẹ gửi tôi năm nào Tết chiến trường tôi vẫn lưu giữ như một kỷ vật quý giá./.