Cứ mỗi dịp được coi là dành cho phụ nữ, kiểu như 3-8 hay 20-10 sắp tới, có một vấn đề rất hay được xáo xới lên (tất nhiên xáo lên rồi cũng sẽ lại buông xuôi như nhiều những vấn đề khác ) về quyền bình đẳng của đàn bà. Vấn đề ấy là : bếp không của riêng ai, đàn ông cũng nên vào bếp.
Đàn ông có nên vào bếp không? Nên chứ, nhưng nếu cái việc đẩy đàn ông vào bếp, giản dị thế thôi, đã được coi là thắng lợi trong công cuộc đấu tranh giành lấy nữ quyền, thì…phí cả tranh đấu đi. Vì bếp, đâu có đơn giản là nơi nấu nướng chuẩn bị bữa ăn. Bếp, với không ít phụ nữ, là giang sơn riêng của họ.
Nếu, nhà chỉ có mình bạn phải lo việc nấu nướng, cuộc chiến trong bếp đơn giản là không có. Mà có, thì chỉ vài giằng xé nội tâm, kiểu như có nồi áp suất rồi thì có nên mua nồi ủ hay không. Ghét cái máy xay này, cũ rồi và xay rất yếu, trong khi siêu thị điện máy đang bán một máy đa năng khác, nhìn đẹp, nhiều tác dụng, giảm 50%...Nồi chiên không dầu hóa ra cực hay, mình nên có một cái…, đại loại thế.
Cân nhắc xem nhé, nếu đàn ông vào bếp, thì có thể trong một ngày nồi ủ, máy xay, nồi chiên không dầu và nhiều thứ vật dụng yêu quý của bạn khác, sẽ đi ra cửa không một lời chào. Mua gì mà lắm thế, chật cả bếp, 100% là nghe câu cằn nhằn đó
Ảnh minh họa |
Bạn cũng sẽ phải hiểu cuộc đấu tranh giành chủ quyền trong bếp cũng gay go xương máu như bất cứ một cuộc chiến tranh giành lãnh thổ nào. Đây sẽ là một đề tài chúng ta đề cập đến nhiều lần. Bởi bàn đến tự do trong bếp, là chúng ta bàn về tâm trí của mình trong một khoảng không gian cực hẹp. Đã hẹp, lại còn phải phân chia. Khúc hát về tự do chắc chắn chỉ ngân đến nửa chừng rồi tắt. Có gì mất tự do hơn khi mình nấu một món ăn, mà có người can thiệp sâu đến mức không thể nấu được. Và, người can thiệp ấy lại là chồng. Mẹ anh nấu khác em nấu, tức nấu khác kiểu mẹ em dạy em nấu. Mẹ anh nấu giả cầy không cho mẻ, “ Nhà này không quen ăn mẻ”, nên mẻ thay bằng cà chua, ví dụ thế, là chuyện có thể gây ức chế vô kể, ức chế hơn mọi chuyện.
Mà từ sự ức chế ấy có thể dẫn đến xung đột không nhỏ. Mẹ anh chẳng biết gì về nấu ăn. Mẹ em chỉ cầu kỳ rách việc ! Sẽ tăng vô số những đối thoại kiểu ấy. “Nhà Này nó thế!” là câu trả lời chung chung cực kỳ kém thuyết phục vầ gây mâu thuẫn kinh khủng. Một chút mẻ có thể làm lung lay nền tảng Nhà Này..
Quay lại với vấn đề chủ quyền!
Trong một cái bếp, giống như trong một lãnh địa, người làm chủ bếp phải có quyền quyết định của mình, chủ yếu là quyết đinh ăn món gì, rồi sau đó quyết định món ấy nấu thế nào, tức là với gia vị gì. Gia vị , tức là biểu hiện của một nền văn minh nấu nướng được hấp thu từ bé, liên quan đến gia cảnh, đến vùng miền, thậm chí đến đạo đức và tôn giáo. Giữ cho lãnh địa ấy được yên bình, được phát triển, được cân bằng giữa những nền văn hóa khác, tưởng dễ mà khó lắm...
Bếp bé thôi, cũng có khi đầy rẫy những giao tranh!
Vậy nên, vấn đề cốt lõi ở đây không phải chia chủ quyền căn bếp ra làm đôi mà là thái độ của cả đàn ông và đàn bà đối với căn bếp trong gia đình mình. Yêu thương và giúp đỡ không thiết phải chia sẻ việc nhà theo kiểu anh một nửa, tôi một nửa. Cái bếp cũng chẳng cần phải sẻ đôi để bộc lộ tinh thần ngày 20.10. Một khi đàn ông ý thức vai trò là người đàn ông trong nhà, họ sẽ không cần vào bếp thường xuyên để bày tỏ. Họ sẽ biết bao bọc, nâng niu gia đình mình. Mà chẳng được thế, chỉ cần biết coi trọng những bữa cơm vợ nấu, đã là quý hóa lắm.
Bếp chẳng của ai, bếp của cả gia đình.