Hơn một tháng nay, chúng ta đối đầu với dịch cúm Corona hay Covid-19, gọi bằng tên gì không quan trọng, điều chúng ta ý thức được là thật sự, quốc gia, cũng như toàn cầu, đang phải đương đầu với một đại dịch, một đại dịch vô cùng đáng ngại.
Ngày 27.2, dù tên của Việt Nam đã được đưa ra khỏi danh sách “các điểm đến có nguy cơ lây lan Covid-19 ra cộng đồng”, nhưng dù có được những kết quả khả quan như thế rồi, vẫn luôn cần nhớ Covid-19 vẫn đang diễn biến theo chiều hướng nghiêm trọng hơn trên toàn cầu, ở những quốc gia rất gần gũi Việt Nam, sau Trung Quốc là Hàn Quốc, bởi thế không thể chủ quan hoặc lơ là.
Đã hơn một tháng đối đầu với đại dịch, điều chúng ta nhận ra là khi sống trong biến cố, đại dịch Covid-19 đúng là một biến cố lớn trong đời sống, chúng ta có cơ hội để nhìn nhận lại toàn bộ cuộc sống, từ hành xử của các quan chức bộ, ngành đến ứng phó của toàn dân.
Chúng ta cũng biết được nhiều điều mà rất nhiều năm trời không để ý, như là cách chúng ta nhìn cuộc sống bị đảo lộn và chấp nhận nó đến đâu. Bệnh dịch rõ ràng là thử thách sức đề kháng của con người, không chỉ về mặt sinh học mà cả về xã hội, kinh tế, đạo đức, văn hóa…
Covid-19 rõ ràng không phải vấn đề y tế nữa, nó bắt chúng ta đối diện với các vấn đề ở tầm lớn lao hơn, thậm chí lớn lao nhất, như là số phận con người hay sự hưng vong của cả một đất nước.
Điều đầu tiên khiến chúng ta ngỡ ngàng, là cứ ngỡ đã sống trong thế kỷ 21 đầy những thành tựu khoa học công nghệ, một bệnh dịch xảy ra, làm chúng ta nhớ lại những trận đại dịch kinh hoàng mà con người từng trải qua, để biết một điều loài người vẫn đang ở trong một tình trạng mông muội khi dân cư quá đông đúc, vệ sinh quá kém, môi trường ô nhiễm nặng nề, các cấu trúc chính trị -xã hội.
Rồi tiếp đến, những tin đồn, những hành vi trục lợi bắt đầu ồ ạt, và chúng ta lo lắng, chúng ta hoài nghi. Hoài nghi dẫn đến bất ổn là sợ hãi.
Người dân đổ xô đi mua khẩu trang khiến mặt hàng khẩu trang khan hiếm, giá khẩu trang tại nhiều hiệu thuốc tăng vọt (Ảnh minh họa). |
Tiếp theo là sự đình trệ công việc, trẻ em không đến trường. Giáo dục gia đình thật sự bộc lộ khiếm khuyết trong khi giáo dục nhà trường tạm giảm thiểu. Mùa lễ hội trở nên ảm đạm, như thời tiết, các doanh nghiệp vận tải, du lịch ngừng trệ, nông nghiệp lao đao vì nông sản không xuất khẩu được, các ngành khác cũng khó khăn tương tự.
Khó khăn rất nhiều, bệnh dịch đúng là tai họa!
Thế nhưng, trải qua quãng thời gian đầy khó khăn, chúng ta nhận thấy rằng trong dịch bệnh, xã hội vẫn đứng vững. Khả năng kiểm soát dịch bệnh và ổn định tình hình của chính phủ rõ ràng đem lại hiệu quả tốt, đó là một tin mừng.
Qua đi những lúc khẩu trang và nước sát khuẩn tăng giá gấp 10 lần, những nỗ lực của chính quyền và của rất nhiều tổ chức xã hội cũng như cá nhân khiến những mặt hàng này trở nên bình ổn. Và chúng ta chưa bao giờ quan tâm đến vệ sinh cá nhân như giai đoạn vừa rồi, đó nên coi là thành tựu của bộ môn vệ sinh phòng dịch.
Những ngày tháng tới vẫn là một phép thử, tất cả phụ thuộc vào chính chúng ta. |
Mọi việc xem chừng được kiểm soát sau hơn một tháng. Chỉ có điều vẫn phải nhắc lại, là không được chủ quan. Bởi cũng đã thấy rất rõ sự chủ quan đã hiện hữu, khi thói quen không phòng vệ khi đến chỗ đông người, không khẩu trang, không sát khuẩn tay đã quay trở lại và những nơi công cộng lại có dấu hiệu buông lỏng việc nhắc nhở nhau cùng giữ vệ sinh. Dịch bệnh là một nỗi ám ảnh, nhưng nỗi ám ảnh ấy cũng rất dễ bị lãng quên khi những dấu hiện an toàn được công bố.
Chúng ta vẫn cần sống trong sự cẩn trọng. Những ngày tháng tới vẫn là những ngày tháng diễn ra phép thử tính dẻo dai với tất cả chúng ta, các tổ chức xã hội, tiềm lực tích lũy xã hội, khả năng phản ứng của cộng đồng. Phép thử ấy có trở nên nghiệt ngã hay không do chính chúng ta quyết định.
Hy vọng mọi điều sẽ trở nên tốt đẹp sau biến cố!