Dễ có đến vài ngày trời, câu chuyện bên xứ khác, được dịch qua trang mạng Weibo, làm xôn xao không ít chị em xứ mình. Chuyện đại khái là có một phụ nữ mất hẳn mười năm trong đời để chờ con cái trưởng thành ( trưởng thành ở đây là thi vào đại học) rồi mới ra tòa ly hôn với chồng. Trong mười năm ấy, người phụ nữ chuẩn bị cho mình một cách sống độc lập, không phụ thuộc chồng (và dửng dưng, cố nhiên), không đòi hỏi kinh tế, không nhờ vả việc nhà, không chia sẻ tình cảm…
Câu chuyện về người phụ nữ mất 10 năm để ly hôn với chồng gây xôn xao cộng động mạng |
Bởi đàn ông vô tâm trên đời này, đâu cũng vậy, là hết sức hết sức đông, và lực lượng phụ nữ muốn học tập cách xử sự của người phụ nữ trong câu chuyện hẳn cũng đông không kém, nên chị em đã share đến chóng mặt c trên trang cá nhân của mình.
Sau một giờ đồng hồ đăng tải, đã có hơn 10.000 lượt share. “ Các anh chồng vô tâm sẽ phải giật mình”, một số chị em hy vọng. Một cuộc ly hôn “tao nhã”, một số chị em ca ngợi. Ly hôn không đánh chửi nhau, không thượng cẳng chân hạ cẳng tay, hoặc không đem nhau ra tòa dằn vặt kiểu “ Tiền nhiều thì để làm gì?” thì hẳn là tao nhã. “Lo cho con rồi mới lo cho cuộc đời mình”, một số chị em khác thán phục…Quả đúng là thế, 10 năm kiên định nuôi chí ly hôn ấy chắc chắn là quãng thời gian trẻ trung đẹp đẽ nhất trong đời một người đàn bà. Qua 10 năm ấy, con lớn, chồng thành người lại, tự do phải trả giá đắt quá. Dù đấy là giá người phụ nữ ấy chọn
Câu chuyện “ Đợi con thi đại học mới ly hôn” được chị em chia sẻ chóng mặt |
Tiếc đầu tiên, là tiếc cho 10 năm đẹp đẽ âm ỷ nuôi sự oán trách, đâm ra thành toan tính, mà đã toan tính, bằng mặt không bằng lòng, thì tránh sao sự giả dối khi chung sống.
Làm vợ, một ngày phải toan tính chuyện đối xử với chồng, là đã khổ. Mười năm ấy biết bao nhiêu ngày. Sao không nói thẳng với nhau, thậm chí hét lên, cãi nhau, mắng thẳng vào mặt nhau đi? Nếu tất cả những biện pháp nói thẳng đều không ăn thua, sao không bỏ nhau ngay đi? Qua sự chịu đựng này đến sự chịu đựng khác, nhân danh vì con. Thật là một lối nghĩ nông cạn. Đứa trẻ đến ngày nhận ra sự giả dối trong quan hệ giữa cha mẹ mình, nhận ra sự ấm êm chỉ là hình thức, tất yếu nó sẽ tổn thương. Tổn thương ấy còn lớn hơn tổn thương chứng kiến cha mẹ bỏ nhau từ lúc nhỏ. Có cách để nói với con rằng cha mẹ sống chung không hợp ( cụ ông Lạc Long Quân với cụ bà Âu Cơ cũng thế thôi) nên sẽ chia tay, nhưng con vẫn có cả tình yêu của cha mẹ. Thà như thế, đau khổ thật, nhưng rõ ràng. Mà sự rõ ràng càng về sau càng làm bớt đi những đau khổ không cần thiết…Rồi nữa, thi đại học, đâu có phải là mốc đánh dấu cho sự trưởng thành? Một thanh niên mới lớn, đến tuổi khẳng định mình, sẽ nghĩ sao về sự hy sinh của mẹ? Không cần thiết, hầu hết chúng sẽ nói vậy…Mười năm nuôi hận của mẹ thành ra công cốc, mà nên thế !
Sẽ thế nào nếu đứa trẻ đến ngày nhận ra sự giả dối trong quan hệ giữa cha mẹ mình |
Tóm lại, việc share ầm ầm bài viết này chỉ chứng tỏ mỗi một điều là phụ nữ chúng ta còn lâu mới làm chủ được bản thân. Hoặc nói thẳng và ly hôn ngay. Hoặc điều chỉnh cách sống của mình. Đã mười năm không chấp, nhẽ ra cũng đạt đến cảnh giới nào đó, chấp cũng như không. Tôi cứ hình dung một phụ nữ, với chồng mà còn kiên định thế, đâu cần đến 10 năm để gom góp sức lực xóa bỏ hôn nhân.
Trong lòng cô ấy dường như không có tình yêu !
Rốt cuộc, thấy tội anh chồng !