Thuở đất nước chưa có cái gọi là mạng xã hội, chẳng những người, mà cả tượng (tượng gỗ đá xi măng nói chung) đều được sống yên ổn hơn bây giờ. Người (nhất là người có chút nổi tiếng, có chút chức quyền) sểnh ra là có ngay clip phát tán trên mạng. Còn tượng, nếu không bị chụp hình post lên Facebook thì cứ yên tâm xấu mà không ai bắt bẻ.
Bởi, xưa nay, tượng nước mình nói chung là … xấu! Nói cách khác là nước mình hiếm tượng đẹp còn hơn hiếm người điềm đạm. Tượng thờ xưa nay thôi chẳng bàn, nhưng với nền điêu khắc dân gian tự phát và tự nhiên, thì khái niệm xấu đẹp tuyệt nhiên không liên quan.
Thường thì người ta nghĩ rằng chỗ này chỗ kia, đắp hòn non bộ xong rồi, làm thác nước giả xong rồi, cây cảnh cây thế chi chít chung quanh rồi, nhất thiết phải bổ sung thêm ít tượng xi măng cho khung cảnh giả thật sự là… giả. Phải rõ ra là cảnh giả, người ta mới yên tâm. Muốn tạo ra cảnh giả sơn lâm, thì phải đắp thêm ít hươu ít khỉ. Muốn tỏ ra đây là chốn văn hóa, kiểu gì người ta cũng đắp tượng quan họ liền chị liền anh. Muốn giáo dục trẻ em về lịch sử, thì đắp tượng các anh hùng dân tộc (riêng cái mục này cũng có thể hiểu vì sao trẻ em bây giờ thờ ơ với môn lịch sử và việc dạy môn sử trong nhà trường lại trở nên sa sút thế)… Nói chung, tư duy làm tượng là tư duy cực kỳ giản đơn, lại đòi tượng đẹp theo kiểu này kiểu kia, đòi tượng là tượng, thật là một sự rất thiếu công bằng với người làm tượng.
Bởi nữa, người làm tượng nước mình là ai? Các điêu khắc gia có tên có tuổi thì bận làm tư duy, làm tượng đài. Số phận tượng đài nước mình là số phận bi thảm vào loại nhất thế giới. Bao giờ cũng bị chửi từ dự án chửi đi. “Dân còn chưa đủ ăn, lại bày vẽ tượng đài” - câu đầu tiên cho bất kỳ một dự án xây tượng đài nào, không tin cứ vào “Gúc gồ” mà tìm. Đến lúc tượng đài xong là cả một núi lời chê chồng chất, tượng cao đến đâu lời chê cao gấp rưỡi đến đấy, không tin thì cũng… “Gúc gồ”! Còn ở các khu du lịch giải trí xanh xanh đỏ đỏ, người làm tượng thì do công ty xây dựng khu du lịch nào đó chỉ định trong các thợ xây dựng ra làm. Cứ xi măng mà đắp, rồi quệt sơn vẽ màu. Đấy, đừng đòi hỏi tượng đẹp, thợ quê chỉ biết làm thế thôi. Lương thợ đắp tượng chứ có phải lương điêu khắc gia đâu!
Tượng 12 con giáp được mặc váy - quần bơi sau khi bị dân mạng "ném đá". |
Đã biết là tượng ắt phải xấu, thì đừng ồ lên khi thấy tượng 12 con giáp ở Hòn Dấu, Hải Phòng. Đầu đuôi cũng chỉ tại cái mạng xã hội. Xấu thì xấu cả mấy năm nay chẳng sao, bỗng dưng bị đưa ảnh, thế là 12 con giáp đang mình người đầu thú (trong từ điển gọi thế là tượng nhân thần), rất ung dung xấu tại một nơi yên tĩnh bị bắt buộc mặc quần lót cho đúng với thuần phong mỹ tục. Cái dân mạng thật quá đáng. Kêu hở hang nên tượng phải che đậy vào, che rồi lại tiếp tục lăn ra cười, cười dữ dội hơn. Lại phải thay quần bằng lá nho. Lá nho khởi thủy là để che đậy khi A dam và Eva biết xấu hổ vì tình trạng không quần áo của mình, che lá nho thì có gì sai? Người thật che lá nho thật, tượng che lá nho nhựa. Thế mà vẫn cười…!
Chủ khu du lịch Hòn Dấu, Hải Phòng khắc phục bằng cách gắn lá nho - chùm nho giả vào chỗ nhạy cảm của tượng. |
Thật ra, đến lúc ấy, người ta chán cười rồi! Cười làm gì nữa khi biết rằng có một con giáp nữa, con giáp thứ 13, con giáp không tên, con giáp của sự ít học và thiếu tư duy thẩm mỹ.
Con giáp thứ 13 hồn nhiên đứng đấy và không mặc gì!