• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Còn sống còn thêu

Tôi gọi những mùa trăng sáng là những mùa thêu. Đó là những tháng 8 trong trí nhớ cổ tích của...

Tôi gọi những mùa trăng sáng là những mùa thêu. Đó là những tháng 8 trong trí nhớ cổ tích của bà, được bắt đầu bằng hai chữ “ngày xưa”…

Bà tôi năm ấy đã gần 90, tóc phơ phơ bạc. Bà thường hay ngồi ở bậc thềm hè vào mỗi buổi chiều, tay khẽ chạm vào đôi khung thêu đã cũ, tựa như chạm vào một miền hạnh phúc xa xăm nào đó.

Bà kể: Thuở ấy, những người con gái làng thêu thương ai, thường tự mình thêu một chiếc khăn tay để tặng người ấy. Chiếc khăn có hình đôi chim bồ câu trắng ngậm một cành hoa, như một lời ước hẹn. Tình yêu của ông bà tôi cũng bắt đầu giản dị như thế. Đó là vào một đêm tháng Tám của một năm nào đó, trăng sáng lắm, bà bảo vậy, bà đã trao cho ông chiếc khăn tay được thêu bằng tình yêu thuần khiết, thuỷ chung của một cô gái thôn quê.

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Sau này, chiến tranh đã cướp đi của ông bà nhiều năm tháng tuổi trẻ. Đó là những năm tháng khốn khó, khi ông đi chiến đấu suốt nhiều năm chẳng mảy may một dòng tin tức. Bà ở nhà cắn răng nuôi cả nhà 6 miệng ăn. Bà không than nửa lời. Hết việc đồng áng, lại lao vào thêu thùa… 

Nhiều đêm bà thức trắng, bố tôi khi đó là cậu bé mới 10 tuổi kể vậy, khi sáng tỉnh dậy thấy bà vẫn ngồi thêu, ngọn đèn thì hao đi một nửa. Bà cũng hao đi vài phần… Khi những mũi kim cuối cùng đã thêu nên hình con công, con phượng, bà vội vã tháo khung thêu, sấp ngửa mang đi trả hàng, lấy tiền công, chạy ra chợ đong yến gạo về nấu cơm cho 5 đứa con thơ. Dáng bà gầy guộc, bé nhỏ, đi liêu xiêu giữa cơn gió bấc lạnh buốt suốt những năm tháng đó, bố tôi bảo, cả đời chẳng thể quên…

Sau này ông từ chiến trường về, cứ nhìn bà chảy nước mắt. Có lẽ ông tự trách mình vì để bà phải khổ. Từ đó, dưới đôi tay rắn rỏi của người đàn ông vừa cầm súng, khi thì những bông hoa rực rỡ, lúc là cánh đồng lúa chín vàng…lần lượt được thêu nên. Ông bà sinh thêm vài người con nữa. Ông phải mua thêm chục cây tre để đẽo làm khung cho bác cả, uốn mấy thanh sắt làm chiếc khung tròn để cậu út khi đó mới 5 tuổi tập thêu mình rồng. Cả nhà cả thảy chục người, cùng ngồi thêu thùa giữa những mùa trăng tháng Tám.

Bẵng đi một thời gian, những người thêu ở làng tôi cứ thưa dần, thưa dần. Họ bảo, nghề thêu giờ ít tiền quá, lại vất vả. Người trẻ thích làm ở các khu công nghiệp hoặc ra thành phố đi làm thuê. Ông tôi cũng qua đời, để lại một khoảng trống không gì bù đắp cho bà. Các bác, các cô cũng đều yên bề gia thất, mỗi người một cuộc sống, nhưng cũng chẳng ai thêu nữa.

Bà cứ tiếc, nói nhớ những mùa trăng tháng Tám quá, nhớ cái cảnh cả gia đình cùng ngồi thêu, cậu út khi đó bé cứ chạy loanh quanh đòi xâu chỉ, thi thoảng choàng tay ôm chầm lấy bà đòi kể chuyện Tấm Cám và rồi gối đầu lên chân mẹ thiu thiu ngủ lúc nào chẳng biết… Bà kể như những câu chuyện đó vừa mới xảy ra ngày hôm qua…

Rồi bà cũng mất, chỉ còn lại đôi khung thêu năm nào. Cả làng dễ chẳng ai còn giữ, nhưng bố tôi kiên quyết để lại dẫu nó đã bị mọt nhiều lắm. Rồi bố cũng như bà, vào những buổi chiều hư ảo, thường ngồi bên bậc thềm, khe khẽ chạm vào đôi khung thêu. Bất giác mắt loang loáng quay sang bảo: Con này, tháng Tám rồi, hay nhà mình lại bắt đầu mùa thêu!

Mai Lan

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật