Em - như hầu hết phụ nữ trên đời - thích tính toán và cho rằng mình tính toán rất giỏi. Mặc dù học dốt khối A, nhưng cuộc đời em là những phép tính liên miên từ nhỏ đến lớn.
Em đã từng yêu những người đẹp trai, tài hoa, lộng gió và rất yêu em. Nhưng với từng người, em đều tính. Người đẹp trai thì sau này giữ mệt lắm. Người tài hoa lộng gió thì thiếu thực tế, có lo được cho em không? Cuối cùng, em lấy một người bình thường về ngoại hình lẫn tài năng, khá giả, yêu em và hài lòng với việc cưới được em làm vợ.
Ảnh sưu tầm |
Nhưng cưới về rồi, hóa ra phép tính của em vẫn chưa phải là tối ưu. Em đẹp, và em thấy xung quanh mình, những cô gái nhan sắc thua kém em xa vẫn có được những điều tốt hơn em đang có. Chồng em chân chất, thậm chí có phần cục cằn, anh ấy không mang đến cho em được sự tụng ca, những hành động lãng mạn, hay chí ít là sự tự hào khi cùng em đến dự những sự kiện sang trọng. Em càng lúc càng có nhu cầu được ve vuốt, được đổi thay, được bước lên những bậc thang mới, để xứng đáng với hào quang tỏa ra từ mình (thứ hào quang mà khi về đến nhà, chính em cũng mệt mỏi rũ bỏ cùng váy áo, phấn son).
Những bài toán hành hạ em mỗi ngày, cho đến khi, cũng dễ hiểu thôi mà, em ngã vào vòng tay của người khác. Người ấy biết vỗ về em, không tiếc lời khen ngợi em (mà không chỉ khen ngợi nhan sắc đâu, chỉ anh ấy mới hiểu được vẻ đẹp của trí tuệ, của tâm hồn em), người ấy giúp em hoàn thiện mình hơn trong cuộc sống cũng như sự nghiệp.
“Sự nghiệp à? Sự nghiệp của em không phải gia đình hay sao?” – Chồng em nhìn em và hỏi, khi em đưa lá đơn ly dị, và nói lý do rằng anh ấy không tạo điều kiện cho em phát triển sự nghiệp.
Em nhếch mép cười (cái nhếch mép ấy em học từ người khác, cũng mới thôi), nói rằng anh là đồ phân biệt giới tính. Tại sao chỉ anh mới có sự nghiệp, còn em phải cắm mặt vào con cái, chợ búa?
“Nhưng sự nghiệp của anh chính là em và con cơ mà?” – Chồng em hỏi, mà cũng là trả lời. Nhưng em không quan tâm nữa, em đã làm xong phép chia rồi.
Người đàn ông mới hóa ra không phải là một số nguyên dương tròn trịa. Anh ta có vợ và hai con (điều này em đã biết), anh ta không bỏ vợ (điều này em cũng tính được), nhưng anh ta cũng chẳng giúp gì nhiều hơn cho em được nữa (điều này thì đến nhanh hơn em tính toán). Sự tụng ca không mang lại nguồn năng lượng đích thực cho vòng hào quang, mà năng lượng nội tại của em thì yếu quá. Em nhạt nhòa ngay cả về nhan sắc, còn những thứ khác, như là chất xám, thì hóa ra chưa bao giờ em được thừa nhận.
Em - người đã luôn tính toán - không cho phép cuộc đời đưa ra đáp án khác với đáp án mà em đã tính. Em chấp nhận trả giá nhiều hơn, để đạt được vị trí. Như một người lạc trôi giữa đại dương và khát đến mức uống nước biển, em càng uống càng khát, càng khát càng uống thêm.
Ồ, đọc đến đây, bạn sẽ nghĩ: Hừm cái tay này, viết kiểu tiểu thuyết cũ rích. Tôi cũng giật mình đấy, viết đến đoạn này là cũng giật mình, nó kiểu như một tiểu thuyết nào đó của Dương Thu Hương – người rất nghiệt ngã với đàn bà.
Nhưng tôi phải nói rằng, đó là câu chuyện có thật. Nếu bạn đọc thấy mô-típ quen thuộc, thì bởi vì kiểu chuyện như thế khá phổ biến, từ khởi đầu cho đến kết thúc. Nhân vật nữ sẽ mất tất cả, đau đớn bị gạt ra bên lề, rồi hối hận tìm đến sự vị tha của chồng con… Kiểu như vậy…
Không. Đây là chuyện viết về phép tính, về những người phụ nữ giỏi tính toán cơ mà. Vậy hãy để tôi kể nốt.
Ở đoạn rối nhất, thắt nút nhất của bài toán cuộc đời, bỗng em dừng tất cả lại. Em cân đối các dữ liệu và đưa ra cách giải mới. Em không thể sai, đáp số không thể là một con số âm hay thậm chí là một con số lẻ. Em tạm dừng tiến trình ly hôn với chồng, coi đó như một số-dự-phòng. Em biến cuộc hôn nhân của gã-dẻo-mồm thành địa ngục, chỉ với vài tin nhắn cho vợ gã. Em tranh thủ được cảm tình của cánh chị em ở cơ quan, khi vẽ ra một cảnh ngộ éo le của thời đại: chồng yếu sinh lý và ghen tuông vô cớ… Và em chấm dứt tất cả các quan hệ không sinh lợi, để chỉ tập trung vào một quan hệ có sinh lợi cho em mà thôi.
Người đàn bà ấy, có thật. Tôi ngồi với em, nhìn bé con của em uống một quả dừa ngon lành. Em vuốt tóc con bé, khi ấy, gương mặt cả hai mẹ con đều bừng sáng thánh thiện. Là người tin vào những khoảnh khắc, tôi biết khoảnh khắc ấy rất thật, không có một phép toán nào. Em không phải một người giỏi toán, nhưng biết làm sao được, em đã tự đặt ra quá nhiều phép toán cho đời mình.
Và rồi, em ngước lên nhìn tôi: “Anh có thương em không?”.