• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gameshow và câu chuyện “thao túng tâm lý” đám đông

... các nhà sản xuất gameshow ngày càng sa đà vào các “chiêu trò”... dễ dàng đưa những nhân...

The Mask Singer, Vietnam Got Talent, Rap Việt… là những gameshow truyền hình đình đám trong thời gian gần đây. Hàng triệu lượt xem trực tuyến, truyền thông theo dõi “nhất cử nhất động”, Ban giám khảo với những lời nói “đầy cảm xúc” khiến cho bất cứ khán giả nào cũng có thể khóc, cười, thậm chí nổi nóng, cuồng nhiệt theo mỗi thí sinh.

Và tất nhiên, các quán quân, á quân bước ra từ cuộc thi nhanh chóng vụt sáng thành những “ngôi sao” đầy quyền lực. Nhưng đáng tiếc, một miếng bánh béo bở khiến cho chẳng ai muốn dừng lại…

Gameshow và nghệ thuật “thao túng tâm lý” đám đông

Câu chuyện về gameshow có lẽ đã không còn mới trong đời sống giải trí của công chúng hiện nay. Không thể phủ nhận được sự thu hút, hấp dẫn cũng như yếu tố giải trí tức thời cho nhiều khán giả. Trong quá khứ, nhiều cuộc thi đã cho chúng ta nhiều những nghệ sĩ thực lực và tài năng như Uyên Linh, Văn Mai Hương…

Tuy nhiên, vì mức độ lan tỏa nhanh, ảnh hưởng trên diện rộng khiến cho các nhà sản xuất gameshow ngày càng sa đà vào các “chiêu trò” và những kịch bản nặng tính sắp đặt. Cùng với đó, sự hội tụ của đám đông khán giả - truyền thông – những sản phẩm âm nhạc “ăn khách”, dễ dàng đưa những nhân vật đoạt giải trong các gameshow thành những “thần tượng” một cách nhanh chóng.

Gameshow và câu chuyện “thao túng tâm lý” đám đông

Nhưng cùng với đó, cũng dẫn đến những lệch lạc đáng kể trong trong việc tiếp nhận và đánh giá các ngôi sao bước ra từ những gameshow này. Thậm chí dẫn đến cả những “ảo tưởng” và những “căn bệnh ngôi sao” của những quán quân, á quân “mì ăn liền” bước ra từ các cuộc thi.

Trước hết, chúng ta cần xem lại bản chất của vấn đề. Đó là gameshow truyền hình được định nghĩa là một dạng hoạt động văn hóa, giải trí được hình thành sau khi truyền hình trở thành một phương tiện truyền thông đại chúng. Như vậy, chức năng giải trí và tính đại chúng, phổ biến phải được đặt lên đầu, thay vì các chức năng khác như giáo dục, định hướng, đấu tranh hay tính chuyên môn, hàn lâm… Quán quân gameshow truyền hình là người có tính giải trí, đại chúng cao, được yêu thích nhất và tạo được hiệu ứng truyền thông tốt nhất trong thời điểm diễn ra chương trình chứ chưa chắc là người tài năng nhất về chuyên môn.

Format các gameshow, dù được xây dựng dựa trên tài năng, nhưng mang tính “trình diễn” nhiều hơn. Bởi trong khuôn khổ thời gian ngắn ngủi của cuộc thi, các thí sinh phải gây hấp dẫn khán giả càng nhanh càng tốt. Nghĩa là khi tham gia gameshow, người chơi cần được cường điệu về năng lực để làm đòn bẩy thu hút đám đông, đôi khi sử dụng cả những yếu tố “drama”, scandal hay những kịch bản mang tính bất chấp. Nhân vật tham gia gameshow truyền hình cần có cả tính hài hước, pha trò, diễn xuất, biểu cảm, thao túng được tâm lý khán giả.

Điều này khác với sự khổ luyện để trở thành một nghệ sĩ thực thụ. Vì con đường để trở thành nghệ sĩ thực thụ lại tập trung vào chuyên môn, đòi hỏi khổ luyện, gian truân và đón nhận những bình luận chính xác, thẳng thắn nhất, chứ không phải lời khen vô tội vạ.

Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh rằng, gameshow truyền hình không phải một cuộc thi đơn thuần. Điều nhà sản xuất quan tâm nhất là yếu tố thương mại, dựa trên lượt rating, lượt view chứ không phải chuyên môn. Từ đó mà truyền thông cũng dựa theo định hướng này để nâng đỡ, thổi phồng những nhân vật có tiềm năng phổ biến đại chúng, hút view.

Trong khi đó, đa số khán giả vẫn nhìn nhận các gameshow truyền hình âm nhạc nghệ thuật dưới dạng một cuộc thi, từ đó dẫn tới sai lệch về tư duy, thẩm mỹ, đồng thời khiến quán quân bước ra từ cuộc thi dễ bị ảo tưởng năng lực bản thân.

Đa số các gameshow âm nhạc hiện nay đều đánh giá thí sinh dựa trên lượt vote từ khán giả, dễ dẫn tới hiện tượng ai nhiều fan hơn, ai “vận động hành lang” tốt hơn, “quan hệ rộng” hơn thì chiến thắng. Điều này hoàn toàn khác với sự bình chọn của những chuyên gia có chuyên môn, tầm ảnh hưởng. Khán giả đại chúng vốn dễ yêu ghét, nên thường bình chọn theo cảm tính cá nhân, không quá đặt nặng tính chuyên môn.

Vì thực tế giám khảo xuất hiện tại chương trình chủ yếu để nhận xét, bình luận, nhưng cũng chính là những diễn viên tham gia vào kịch bản cuộc thi. Mặt khác, giám khảo cũng kéo rating cho chương trình nên không chỉ nhận xét chuyên môn mà phải biểu cảm, diễn xuất, pha trò, sao cho lôi cuốn khán giả.

Gameshow và câu chuyện “thao túng tâm lý” đám đông

Điều này dẫn tới tình trạng hầu hết giám khảo gameshow âm nhạc đều là người nổi tiếng chứ không cần thiết phải chuyên môn quá cao. Gameshow cần dựa vào danh tiếng của họ để hút view. Thậm chí, có trường hợp giám khảo ở ngành nghề khác nhưng vẫn vào chấm gameshow âm nhạc nghệ thuật. Giám khảo thường nhận xét theo tính cá nhân và phải biểu cảm, diễn xuất nên giảm sút tính khách quan, trung thực, chính xác.

Phần âm nhạc tại các gameshow cũng tùy thuộc vào kinh phí đầu tư. Nếu chương trình có kinh phí lớn, được đầu tư mạnh thì phần âm nhạc được sản xuất công phu hơn. Tuy nhiên với khuôn khổ của vài tiếng lên sóng, thì âm nhạc phải thiên về đại chúng, tính giải trí thời thượng và “ngay lập tức”, nên thường không lâu bền và nhanh chóng quên lãng. Nghệ thuật đích thực thường không khoa trương, xô bồ nhưng nhiều ẩn dụ và sâu sắc hơn. Chẳng hạn, hàng năm vẫn diễn ra các cuộc thi thuần về chuyên môn như Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc, Cuộc thi Opera Việt Nam… Tuy ít người biết đến, nhưng những hội thi này lại là nơi ươm mầm các tài năng lớn cho nghệ thuật nước nhà như Đào Tố Loan, Phạm Khánh Ngọc…

Quyền lực của các quán quân?

Bước ra từ gameshow truyền hình là các quán quân, và tất nhiên, theo kịch bản từ Ban tổ chức, các “ngôi sao mới nổi” này sẽ được truyền thông hỗ trợ và theo sát từng hoạt động, từng lời ăn tiếng nói. Từ đó kéo theo những đám đông hâm mộ cuồng nhiệt, thậm chí là bất chấp đúng sai.

Rõ ràng, đây là “con dao hai lưỡi” dễ dàng gây “ảo giác” cho bất cứ ai về một thứ “quyền lực ảo” trong nghệ thuật.

Đình đám nhất hiện nay là chương trình “Ca sĩ mặt nạ”. Chương trình này vốn dĩ không đặt cao tài năng về giọng hát, mà vốn chỉ xây dựng format để thí sinh có thể biến hóa giọng hát đa dạng, “giấu mình” tốt hơn qua từng vòng. Bản thân giám khảo chương trình không chú trọng đào sâu chuyên môn, nhiều lần bị dư luận phản ứng vì biểu cảm quá cường điệu, ban phát lời khen quá đà.

Khán giả bình chọn chủ yếu theo cảm xúc yêu thích cá nhân, được dẫn dắt theo kịch bản, ý đồ riêng từ phía nhà sản xuất. Nhưng sức hấp dẫn từ cuộc thi lại khiến đám đông bị ngộ nhận, cho rằng đây là một cuộc thi lớn về tài năng chuyên môn. Điều đó dẫn tới những nhận định sai lệch về các nhân vật được chương trình o bế.

Gameshow và câu chuyện “thao túng tâm lý” đám đông

Hệ quả, bản thân các nhân vật được chọn ấy đôi khi cũng trở thành nạn nhân của chính chương trình, thậm chí là nạn nhân của chính mình, khi mà liên tục được truyền thông tung hô quá đà, rất dễ trở nên ngạo mạn, đề cao bản thân.

Ngoài “Ca sĩ mặt nạ”, nhiều gameshow khác cũng với tâm lý dẫn dắt đám đông, thao túng khán giả như vậy, nếu quán quân bước ra từ cuộc thi không tĩnh tâm và nhìn nhận bản thân, rèn luyện một cách đúng đắn, thì dễ dẫn đến hiện tượng “ngôi sao bong bóng”, nhạt nhòa và đuối dần sau cuộc thi như Nhật Thủy, Ali Hoàng Dương, Trần Ngọc Ánh…

Dù thế nào đi nữa cũng không thể phủ nhận sức mạnh và tầm ảnh hưởng của gameshow truyền hình đối với đời sống giải trí hiện nay. Nhưng thực tế, chỉ nên nhìn nhận gameshow truyền hình với đúng định nghĩa ban đầu của nó là chương trình giải trí, không phải cuộc thi chuyên môn. Và bản thân chính các thí sinh, thậm chí là quán quân, á quân, cũng cần nhìn nhận gameshow chỉ như một kênh truyền thông hiệu quả, lan tỏa hình ảnh nhanh hơn, chỉ là “bệ đỡ” chứ không phải đỉnh vinh quang. Còn câu chuyện của chuyên môn, của nghệ thuật, là câu chuyện “đường dài mới biết ngựa hay”, không thể “ăn xổi” trong một vài số lên sóng của các cuộc thi được.

Xét đến cùng, gameshow truyền hình chỉ là một trò chơi thương mại mang tính sắp đặt, nên quán quân phần nhiều thiên về yếu tố may mắn, không mang “tiêu chuẩn” về nghệ thuật. Và mọi giải thưởng, khen ngợi, tung hô cũng chỉ mang tính “thời điểm”. Nghệ sĩ nên cần những sự tĩnh tâm để luôn trau dồi bản thân, nỗ lực rèn luyện, không chỉ tài năng, mà còn là đạo đức, cái tâm với nghề. Đó mới là những giá trị đích thực của nghệ thuật.

Long Phạm

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật