Có một câu chuyện lan truyền trong những diễn đàn của chị em trên mạng xã hội, được rất nhiều người quan tâm và tranh luận nghiêm túc, mặc dù nội dung của nó rất có thể chỉ là sáng tác ra để vui cười. Cô gái đưa người yêu đến nhà ra mắt bố.
Ông bố thủng thẳng bảo:
- Thế cậu có định cưới xong mua nhà luôn không? Tôi thấy thằng Huy hàng xóm nhà này, lấy vợ xong là mua nhà hai vợ chồng ở riêng luôn đấy.
Cậu rể tương lai im lặng mấy giây, rồi hỏi lại:
- Cháu xin lỗi, thế ngày xưa bác cưới bác gái xong cũng mua nhà luôn ạ?
Ông bố hầm hầm bỏ lên nhà. Sau đó chuyện đôi trẻ bị cấm tiệt, vì ông bố vốn ở rể.
Đấy, chuyện chỉ có thế và thực ra rất giống một câu chuyện cười, tưởng tượng ra cho vui. Nhưng nó lại là tứ khơi mào hoàn hảo để chị em nói về chuyện nhà mình, và như mọi kiểu “chuyện nhà mình” khi được mang ra mổ xẻ, bao giờ nó cũng sẽ lan sang “chuyện nhà người ta”.
Cũng như ông bố vợ… hụt trong câu chuyện, thật kỳ lạ, khi đứng trước những quyết định trọng đại trong đời, chị em lại rất hay nhìn sang... nhà người ta. Nhà người ta thế này, nhà người ta thế kia.
Cùng mua nhà ở một khu chung cư, nhưng nhà người ta không hiểu sao đẹp hơn nhà mình?
Cùng cho con học trường này, nhưng sao con nhà người ta học giỏi hơn con nhà mình (hay nó được ưu ái gì hơn con mình? Hay là nó học thêm ở nhà cô giáo mà mình không biết?). Cùng làm ở một công ty, sao “cái con bé ấy” lại được cất nhắc hơn mình?
Tất cả những so sánh ấy, thường được tự lý giải bằng những suy diễn chủ quan. Theo kiểu là “chắc vì có quen biết”, “lại con ông cháu cha ấy mà”, hoặc vô lý hơn như “thằng đấy số nó đỏ lắm”, “may hơn khôn”…
Đàn ông thường thích đua tranh, cũng rất cay cú đấy, nhưng nếu thất bại thì ít khi đổ lỗi. Thua là thua. Vả lại, không phải thứ gì xảy ra đến trong đời cũng phải đặt vào chuyện hơn kém. Điều kiện mình có thế, tố chất mình có thế, thì thứ mình nhận được là thế, tương xứng thôi. Không việc gì phải nhìn sang nhà hàng xóm mà sống.
Phụ nữ thì ngược lại, không mấy khi tỏ ra đua tranh gay gắt làm gì, gặp ai cũng dĩ hòa vi quý. Nhưng thực ra trong thâm tâm, bản năng cạnh tranh của chị em rất mạnh. Nếu không phải “ta là một, là riêng, là duy nhất” thì chí ít cũng phải “ta độc đáo, hay ho, cá tính, nổi bật, khác biệt”…
Cho nên dễ hiểu, khi mà nếu không thể mặc thật đẹp, thì một số chị em sẽ mặc thật xấu. Nếu không phải thật ngọt ngào dễ mến, thì một số chị em sẽ luôn chua ngoa, đanh đá, khù khoằm với những người xung quanh. Và vô cùng sai lầm nhé, nếu anh chồng chặc lưỡi: “Sao em không bớt lời đi một tí được nhỉ, anh không thấy ai nói nhiều như em”, hoặc ngu ngốc hơn: “Anh thấy cái Hoa nó tốt đấy chứ, em không ưa nên suốt ngày bắt lỗi nó thì có”. Kiểu gì cũng sẽ bùng lên một cơn bão tố, khi mà cái tôi của nàng BỊ đem ra so sánh với cái tôi của một kẻ nào đó.
Tôi biết một giám đốc, giàu có thì cũng bình thường thôi - giờ người giàu rất nhiều, nhưng anh nổi tiếng phần nhiều vì có cô vợ rất cá tính (mà thực ra nhiều người gọi là quái tính). Chị đẹp rực rỡ, hát cực hay, nhậu thần sầu và khi say lên thì vừa hát vừa chửi bậy. Bởi tính vợ thế, anh ít khi đưa chị đi tiệc tùng ngoại giao, mặc dù chị chỉ cần khoác lên chiếc váy, lướt nhẹ chút son, thì rất nhiều người đã phải ngoái nhìn. Nhưng cũng có những cuộc không tránh được, phải có vợ đi. Một trong những lần như thế, đến cuối tiệc, chị thẳng tay tát một… phu nhân khác, khi “dám” quay sang nhắc chị nói quá to.
Anh lôi chị về nhà, và lần đầu tiên sau 15 năm chung sống, tát chị một cái (chuyện này chính chị đi kể khắp nơi). Chị ném mọi thứ vào anh, gào lên rằng, anh là một thằng chồng tồi. Anh biết mình lỡ tay đánh vợ thì không thể sửa chữa được, quay đi thở dài, ừ anh tồi, vì anh đã quá nuông chiều cái tôi của em.
Bỏ hết váy áo, son phấn và cả những tấm card visit kín chức danh ra, mọi phụ nữ trên đời đều yếu đuối và hiền dịu, tôi tin thế. Chính Người Ta - những người thậm chí không mang một gương mặt, một cái tên cụ thể ngoài kia - là tác nhân khiến chị em phải luôn gồng mình.
Người ta có cái váy đẹp, em cũng phải có. Người ta có cái xe đẹp, em phải có cái đẹp hơn. Con nhà người ta đi đó đi đây chơi, con em phải đi chỗ đắt hơn.
Người đàn ông của các chị thường cười cười mà đáp ứng. Không phải bởi vì Người Ta nào đó có ý nghĩa gì với họ. Mà chỉ bởi vì chính các chị, chính sự ghen tị nhỏ bé, nhưng vật vã của các chị, khiến những người đàn ông cảm thấy mình cần phải gánh vác.
Những người đàn ông ấy, không Người Ta nào có được, chị em có biết không?
Kệ họ đi chị. Kệ họ đi em. Nhìn xem, những thứ chị em có trong tay đặc biệt biết nhường nào.