Có nhiều khi mình ngồi nói chuyện với má về lòng tốt.
Ở tuổi 60, má vẫn còn làm việc, vẫn còn kiếm tiền. Và mình là con gái ruột mà mình còn biết ngại khi má muốn giúp mình. Mình nghĩ rằng bất kỳ đứa con nào khi trưởng thành hơn thì tất thảy đều muốn được tự lập, cực chẳng đã mới phải nhờ đến ba mẹ.
Nên nhiều khi má gửi đồ ăn lên cho mình, câu đầu tiên mình hỏi là “Bao nhiêu tiền?”. Mình ý thức cái việc mình được cho từ người khác. Nhiều khi má không nói nhưng tự mình nhẩm tính số tiền, tự ý thức phải học cách sử dụng đúng đắn. Đồ ăn thức uống nào không phù hợp thì bảo đừng gửi nữa.
Nhiều khi dịch dã một mình gồng thấy mụ nội. Tự làm hết mọi thứ từ dọn dẹp, sales phòng, nấu ăn, tiếp đãi khách… Bao nhiêu công việc không tên không kể xiết nhưng không hề than vãn mình vất vả ra sao. Có nhiều khi còn chủ động đi xin việc để kiếm thêm thu nhập khi mọi thứ đóng băng.
Vậy mà tại sao bạn bè, em út má lại nghiễm nhiên xài của má một cách vô tư? Họ cũng có khả năng lao động nhưng tại sao không muốn lao động nữa mà chỉ thích “mượn”, xin? Thậm chí cũng có công việc cũng lo được cho con cái mà vẫn thích xài chùa?
Tranh minh họa: Tào Linh. |
Cái áo treo đó đến nhà cũng tự tiện lấy mặc vào khen xinh để biết đường mà tặng cho.
Sợi dây chuyền mấy chục triệu cũng xin để “đeo cho có với người ta”. Tiền đám ma, đám cưới cũng hỏi “mượn”. “Mượn” lắt nhắt từ năm này sang tháng nọ. Cũng biết tính toán phần lợi cho mình còn phần thiệt về người khác có bao giờ nghĩ?
Má nói vì họ nghèo. Ủa “nghèo” thì có quyền được sống như vậy? Vất vả người khác gánh, còn mình thì hưởng thụ? Mà “nghèo” thì cũng có giai đoạn thôi. Ai cũng có những lúc khó khăn cả nhưng đáng quý là người ta cố gắng thoát ra chứ không phải “nghèo” thì xài người khác miễn phí.
Mà nhiều khi mình nghĩ họ “nghèo” chứ nhiều khi họ có tài sản đó mà họ không muốn tiêu xài, không muốn rủi ro. Rồi thích đóng vai người nghèo kể khổ. Một chị bạn mình đã từng mỗi tháng chu cấp 10 triệu cho một cô làm cùng công ty vì cô than vất vả. Sau đó mới biết cô có nhà 4 tầng. Nhiều người có tiền đó mà rít lắm, mua gì cho bản thân cũng không muốn, chỉ muốn xin những gì tốt đẹp, ngon từ người khác.
Rồi nhiều khi con cái có đó, sao không hỏi con mình? Nếu chúng ta muốn cho thì hãy giúp những người thật sự cần điều đó. Có thể đó là những người già neo đơn, người ốm đau mất khả năng lao động, người cần sự giúp đỡ của ta để phát triển bản thân…
Sự giúp đỡ đúng lúc, đúng người mới thật là phước báu. Còn nếu chúng ta cho những người lợi dụng thì chúng ta chỉ khiến họ thêm tham lam và ích kỉ. Họ không hề biết ơn chúng ta, không hề biết trau dồi để làm một người tốt hơn mà chỉ có thể ỷ lại. Thật ra mình cũng có tính giống má mình. Có nhiều khi mình cũng hay bị lợi dụng nhưng mình dần rút kinh nghiệm. Vì mình có thể làm thiện nguyện nhưng mình sẽ không vui khi bị lợi dụng. Kể cả làm thiện nguyện cũng suy nghĩ làm sao cho phù hợp chứ không phải vì ham thể hiện mình là người tốt mà thích làm gì làm, miễn bản thân thấy mình tốt biết cho đi là đủ…
Ai cũng thích chơi với những người biết điều. Mình cũng vậy. Mình từng nghĩ đã cho đi rồi thì đừng có tính toán nhưng sau đó mình vẫn khó chịu khi nhận thấy có gì đó sai sai. Rõ ràng chúng ta vẫn cần để ý đến kết quả hành động để chúng ta đừng bị “lừa”, để người khác không trở nên xấu hơn.
Tất nhiên tiền bạc của mỗi cá nhân thì mỗi người đều có quyền định đoạt với nó nhưng hãy cân nhắc thật kĩ là chúng ta đang giúp hay đang làm hại người khác?
Và bạn có yêu mến tôi nếu như tôi đòi hỏi những quyền lợi chính đáng thuộc về mình nữa không?