Lý do là sau vụ mới đây, ông L., 59 tuổi, một người đàn ông ở Đức Thọ, Hà Tĩnh xách cả ba con dao trong bếp sang đoạt mạng hàng xóm chỉ vì hát karaoke quá to, thì việc hát karaoke tại các cụm dân cư được coi như một việc khá nguy hiểm, và cảnh báo rõ ràng là không thừa.
Có nên để lời khuyến cáo như sau trên các sản phẩm của mình: “Hát karaoke có thể ảnh hưởng đến tính mạng” |
Những bài báo đăng tin về vụ án mạng này, với những tai tồ (titre) rất đậm: “Đâm chết hàng xóm vì hát karaoke quá to”, “Bị đâm chết vì hát karaoke quá to”, “Mất mạng vì hát karaoke quá to”… thậm chí còn được dân trên mạng cho rằng nên photo lại, phóng to, treo ở những địa điểm thường xuyên xảy ra việc phải nghe karaoke ngoài ý muốn thay cho lời cảnh báo. Thế mới biết, karaoke nạn là quá phổ biến và việc có hàng xóm ưa ca hát là nỗi thống khổ không của riêng ai.
Cứ lấy dẫn chứng ở cái xóm con con nhà tôi thì rõ, tất cả đều là là nạn nhân của một hàng xóm có đam mê thành ca sĩ. Chỉ cần một nhà như thế, là cả xóm khốn đốn rồi. Hát dở tệ, nhưng lại hát bất cứ lúc nào, nhất là sau khi rượu vào, thôi thì cứ thế tuôn ra như thác đổ, bài nọ nối bài kia, nhạc đi đằng nhạc, lời đi đằng lời. Hát từ nhạc đỏ đến nhạc xanh, đặc biệt là hát bolero - nếu gọi được là bolero - thật sự là nỗi kinh hoàng trong những trưa nắng nóng hay đêm khuya im ắng.
Từ khi xuất hiện cái micro không dây, chỉ cần kết nối bluetooth với một cái smartphone thôi là một mình nó trở thành một phòng karaoke di động (đương nhiên không có cách âm) tràn lan khắp thành thị đến nông thôn, thì mức chịu đựng của người nghe ngày càng tiến dần đến giới hạn cuối cùng.
|
Tết nhất, đám cưới, đám giỗ, lúc nào hàng xóm cũng có thể hát. Ôi cái việc lúc nào cũng có thể hát ấy quả thật là một sự tra tấn tàn ác với những người sống trong cùng một khu nhà, một con ngõ, có người già người ốm, có trẻ con, có lao động nặng nhọc cần nghỉ ngơi... Mà nhắc nhở, nhẹ thì giận hờn, nặng hơn thì không nhìn mặt nhau, nặng nữa có khi vào bếp tìm dao sang dọa. Làm sao mà bảo được!Và đâu có phải chỉ một nhà. Có những khi phát rồ vì hai bên hai giọng ca dở thê thảm hát hai dòng nhạc cực kỳ đối lập nhau, bên này “Bạn ơi hãy đên quê hương chúng tôi”, bên kia “Chiều mưa biên giới anh đi về đâu”, cái sự khốn khổ của người nghe thật không lấy gì mà kể cho hết được.
Quay lại chuyện ông L. Hành vi giết người tất nhiên là phạm tội không gì bào chữa được. Lại còn kiên quyết phạm tội nữa, vì xách tận những ba con dao sang hàng xóm chứ không phải một. Nhưng vì sao ông L. lại kiên quyết phạm tội đến thế, thì ngoài chuyện mới đi nhậu về, tiếng hát của hàng xóm ắt phải khó chịu lắm, nói năng phải quấy không được nên sự việc mới bị đẩy đến chỗ tồi tệ như vậy. Ông ta cũng chẳng phải trường hợp duy nhất xử sự cực đoan như thế, không tin cứ thử google, đầy rẫy những chuyện như thế, năm nào cũng có, chẳng hạn thế này:
*Vụ án trên xảy ra vào lúc 4h sáng ngày 4/1/2015, tại nhà anh Võ Khắc Duy (43 tuổi, trú thôn 1, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk). Nạn nhân không ai khác chính là anh Lê Quý (34 tuổi), hàng xóm của anh Duy.
Theo nội dung vụ án, vào khoảng 1h30 khuya 4/1/2015, tại nhà anh Quý có tổ chức uống rượu và hát karaoke gây ồn ào. Thấy vậy, anh Duy đi qua nhắc nhở không được làm ồn để cho hàng xóm ngủ rồi ra về. Đến khoảng 4h sáng cùng ngày, anh Quý sang nhà anh Duy để nói chuyện. Trước khi đi, anh Quý có mang theo một con dao Thái Lan.
*Khó chịu vì tiếng nhạc karaoke ầm ầm giữa khuya, sau nhiều lần nhắc nhở không được, giữa Hiếu và Lộc xảy ra cãi vã dẫn đến việc Hiếu đâm chết người hàng xóm.
Ngày 19-10-2016, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã bác đơn kháng cáo, y án sơ thẩm tuyên phạt Lâm Kim Hiếu (39 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) mức án 14 năm tù về tội “giết người”.
*Thời gian gần đây, gia đình anh Phương mới mua dàn karaoke nên hàng ngày, chị Đậm có thói quen hát karaoke vào buổi trưa và tối, hàng xóm đã nhiều lần góp ý về vấn đề ồn ào. Nhưng chỉ được một thời gian, chị lại tiếp tục với sở thích hát ca của mình.
Ở trọ cạnh nhà chị Đậm là Phạm Văn Huy sinh năm 1978, do nhiều lần góp ý về việc hát hò của gia đình chị Đậm mà không thành, nên tên hàng xóm đã sẵn lòng khó chịu. Vào trưa ngày 7/3, chị Đậm lại tiếp tục "cất giọng oanh vàng", Văn Huy tiếp tục sang yêu cầu tắt dàn karaoke nhưng chị không đồng ý.
Bực bội vì âm thanh của dàn nhạc, Văn Huy về nhà cầm dao sang đe dọa chị Đậm nhưng cửa trước căn nhà đã bị khóa. Không dừng lại, hắn ta luồn ra cửa sau, trèo rào vào bên trong nhà chém chị Đậm liên tiếp cho tới khi chuôi dao bị gãy.
*Theo VnExpress đưa tin, vào chiều 26/10-2016, Công an tỉnh Khánh Hòa tạm giữ Nguyễn Trần Khắc Toản (27 tuổi, quê Quảng Ngãi) điều tra hành vi Giết người.
Bước đầu Toản khai, hai hôm trước tới nhà bạn gái ở thị xã Ninh Hòa uống bia. Nghe hàng xóm hát karaoke gây ồn ào, anh ta phàn nàn vì không trò chuyện được…
Bị tấn công bằng tiếng ồn là một điều cực kỳ khó chịu. Nếu không chịu được, người dân có thể làm đơn khiếu nại gửi đến UBND cấp xã, phường để đòi giải quyết. Dựa vào Thông tư 39/2010 TT-BTNMT của Bộ trưởng Bộ tài nguyên Môi trường ban hành kèm theo QCVN 26:2010/ BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn thì mức giới hạn to phép về tiếng ồn tại các khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính là 70 dBA (từ 6 giờ đến 21 giờ) và 55 dBA (từ 21 giờ đến 6 giờ). Các hành vi gây tiếng ồn vượt mức cho phép sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền (từ 1 đến 160 triệu đồng theo Điều 17 Nghị định số 155/2016/ NĐ-CP). Nhưng tiếng ồn bao giờ cũng tác động mạnh mẽ và trực tiếp lên não, chờ xác định xem hàng xóm hát ông ổng như thế là quá bao nhiêu đề xi ben thì chẳng dễ chút nào.
Quy định xử phạt như thế kể ra là cũng đã rõ ràng. Khổ nỗi khi hát, ai mà nhớ ra nghị định. Mù nhạc, không thuộc lời mà lại có ước mơ biểu diễn thì… bất chấp thôi. Thô bạo đến mức sẵn sàng gây tiếng ồn bất chấp cuộc sống của những người bên cạnh, nói cho cùng là thái độ sống kém cỏi, vô văn hóa. Buồn nỗi ước mơ ca hát của hàng xóm lại quá đông đảo trên toàn quốc.
Nếu muốn tránh tình trạng dồn nén đến mức ức chế nặng nề, sẵn sàng ra tay bất chấp pháp luật như các trường hợp nêu trên, thì người ta chẳng có cách nào hơn là mong đợi cơ quan công quyền. Cơ quan công quyền cũng thờ ơ (hoặc cũng đang bận hát karaoke tại một phòng hát nào đó-văn hóa karaoke công sở xin để dành cho một số báo khác), thì người dân đúng là chẳng biết làm thế nào. Bởi có bán nhà đi chỗ khác, cũng chẳng chắc chỗ mới có hàng xóm ưa ca hát hay không.